Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giới trẻ TP.HCM sẽ ăn cơm tấm, uống trà dâu vỉa hè khi hết giãn cách

Nhiều bạn trẻ cho biết cơm tấm, bún bò, trà dâu, chè là những món nhất định họ phải thưởng thức khi thời gian giãn cách kết thúc.

Các hàng quán vỉa hè tại TP.HCM là nơi giới trẻ thường hẹn hò cuối tuần và tận hưởng cuộc sống sôi động. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, những địa điểm này bị đóng cửa dài hạn.

Dù nhớ những ngày có thể tự do đi lại, ăn uống, các bạn trẻ đều thể hiện tinh thần phòng, chống dịch và khả năng thích nghi nhanh chóng với hoàn cảnh hiện tại.

Trong cuộc phỏng vấn với Zing, 7 bạn trẻ đang học tập và làm việc tại TP.HCM chia sẻ câu chuyện về thời gian giãn cách và những dự định tương lai của họ sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát.

Gioi tre TP.HCM nho com suon,  tra dau via he anh 1

Quán trà dâu trên đường Đông Du (quận 1, TP.HCM) là nơi hẹn hò cuối tuần được nhiều bạn trẻ Sài thành yêu thích. Hình ảnh được chụp vào tháng 3/2021.

Hoài An (22 tuổi, ngụ phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân)

Hồi trước giãn cách, vào mỗi cuối tuần, tôi thường đi ăn cùng bạn bè. Học tập và làm việc bận rộn cả tuần, đây là thời gian giúp tôi thư giãn, tạm thời quên đi gánh nặng deadline.

Sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn nên tuổi thơ tôi gắn liền với rất nhiều địa điểm ăn vặt nổi tiếng như chợ Xóm Chiếu, hồ Con Rùa, trước cổng trường THPT Trần Phú (quận Tân Phú)...

Có một món mà lần nào đi với đám bạn tôi đều phải mua đó là trà dâu. Mỗi lần thèm món này, tôi đều ghé qua “quán ruột” trên đường Đông Du (quận 1).

Vào mùa hè nóng gắt, được thưởng thức một ly trà dâu mát lạnh, chua ngọt thì thật tuyệt.

Hy vọng tình hình sớm khả quan hơn để tôi và các bạn lại được gặp nhau, ăn mừng lễ tốt nghiệp.

Hoàng Minh (19 tuổi, ngụ phường Tân Phong, quận 7)

Trước giãn cách, tôi hay đi ăn vặt ở các hàng quán vỉa hè với bạn bè. Quán yêu thích của tôi là “chè cột điện” ở quận 5, có món đậu hũ hạnh nhân tôi ưng nhất TP.HCM.

Tôi thường tới các quán ăn đó để trò chuyện với bạn bè và ngắm nhìn cuộc sống bận rộn của thành phố. Vì đồ ăn khá rẻ, tôi chỉ tốn khoảng 100.000-200.000 đồng mỗi tuần.

Những ngày giãn cách, nếu thèm mấy món ngọt như chè hay kem, tôi sẽ đi mua nguyên liệu về tự làm. Đôi khi, tôi thấy nhớ thời gian ngồi với bạn bè ở những quán ăn thân thuộc.

Sau khi TP.HCM kiểm soát được dịch, nhất định tôi sẽ tới quán chè “tủ” và kéo thêm vài người bạn chí cốt để "tám" chuyện. Tôi cũng sẽ tập luyện thể thao tích cực hơn vì dạo này ở nhà ít vận động.

Gioi tre TP.HCM nho com suon,  tra dau via he anh 7

Hoàng Minh nhớ quán chè “tủ” và những buổi trò chuyện cùng bạn bè. Hình ảnh được chụp vào tháng 1/2021.

Bảo Châu (22 tuổi, ngụ phường 14, quận Gò Vấp)

Vốn là fan của món bún bò, mỗi tuần tôi phải ghé qua quán quen 2-3 lần. Thời gian đầu khi thành phố giãn cách, tôi phải gọi ship về nhà vì thèm. Tuy nhiên, những ngày sau đó, tôi quyết tâm tự nấu món này vì đồ ăn được giao về nhà không ngon như khi dùng tại chỗ.

Ngoài chất lượng thức ăn, điều tôi thích nhất ở những quán ăn ngoài phố là sự thoải mái và không khí nhộn nhịp.

Tôi có thể trò chuyện rôm rả mà không quá lo lắng làm phiền người khác.

Lúc mới tập nấu, tôi khá bối rối vì "xem công thức trên mạng một đằng, nấu ra một nẻo" và thiếu nguyên liệu.

Thử thêm lần 2, lần 3, tay nghề của tôi khá hơn. Hơi cực một chút, nhưng tôi thấy vui vì vừa học được một món mới trong mùa dịch, vừa thưởng thức món ngon, an toàn, sạch sẽ.

Minh Thành (21 tuổi, ngụ phường Tân Quy, quận 7)

Vì tính chất công việc bận rộn, tôi đi ăn ngoài khá thường xuyên trước khi giãn cách. Tôi thường chọn các quán có đồ ăn sạch sẽ và đông người ngồi ăn. Món yêu thích của tôi là bún đậu và hủ tiếu. Vì tôi và bạn gái thích dạo chơi, khám phá ẩm thực nên ít ghé lại một quán nhiều lần.

Tôi thích ăn ở hàng quán bên ngoài bởi không gian và trải nghiệm ẩm thực, dù số tiền chi ra cũng ảnh hưởng kha khá đến túi tiền. Ngồi bệt ở vỉa hè và nhìn mọi người xung quanh tận hưởng món ăn làm tôi thấy dễ chịu.

Vì dạo này không ra ngoài được, tôi đang cố gắng ăn uống lành mạnh tại nhà. Tôi nhớ những lần được phiêu du thành phố, ngắm đường sá và tận hưởng bầu không khí tấp nập, sống động của TP.HCM.

Hết giãn cách, chỗ đầu tiên tôi đến sẽ là quán lẩu lòng bò. Nhất định tôi sẽ gọi suất đặc biệt. Nghĩ đến cảnh tượng được thưởng thức món mình thích là tôi đã thấy rất tuyệt.

Công Danh (20 tuổi, ngụ phường Tân Thuận Tây, quận 7)

Trước dịch, tôi thường dành từ 300.000-600.000 đồng/tháng cho việc ăn uống bên ngoài và tụ tập bạn bè. Món yêu thích nhất của tôi là cơm sườn, cơm tấm. Những ngày còn đi học, tôi hay ghé qua “quán ruột” mua một suất để ăn sáng. Điều này đã trở thành thói quen.

Ở nhà lâu ngày, tôi cảm thấy có chút bí bách và nhớ cảm giác được chạy xe ngắm phố phường, ngồi trò chuyện ở các hàng quán vỉa hè.

Khi thời gian giãn cách kết thúc, tôi sẽ dậy thật sớm để thưởng thức món cơm quen thuộc. Ngoài ra, tôi cũng sẽ đến salon để tỉa tót lại mái tóc cho gọn gàng.

Thu Trang (21 tuổi, ngụ xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh)

Tôi thường nói với bạn thân: “Sống ở Sài Gòn, nhất định phải uống trà đào ở nhà hát thành phố một lần”. Tôi rất thích vị trà ở đây, không quá ngọt và rất vừa túi tiền sinh viên. Mỗi khi đi học về, tôi thường ghé qua mua một ly mang về.

Gioi tre TP.HCM nho com suon,  tra dau via he anh 8

Nhiều hàng quán ở TP.HCM tuy không biển hiệu, không menu vẫn đông khách cho đến tận nửa đêm, là nơi hẹn hò của các bạn trẻ. Ảnh chụp từ tháng 3/2021.

Song hơn một tháng nay, tôi đành phải nhịn món này vì ngại ra đường. Với tôi, đặt nước về nhà là chuyện đơn giản nhưng trải nghiệm thì không giống khi ngồi ở quán. Tôi thích cảm giác vừa trò chuyện với đám bạn vừa ngắm xe cộ qua lại tấp nập.

Cả ngày quanh quẩn ở nhà tôi cũng có chút khó chịu. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại, tôi nghĩ đây là biện pháp tốt nhất cho mọi người. Khi thành phố dỡ bỏ lệnh giãn cách, tôi sẽ hẹn các bạn một hôm để kể lại những kỷ niệm trong mùa dịch.

An Bình (19 tuổi, sinh viên Đại học Ngoại thương cơ sở 2)

Vì nhà ở xa trường, sau giờ học tôi hay đi ăn ở các quán cơm trưa, sinh tố có giá sinh viên gần đó. Nếu cần chạy deadline, tôi sẽ chọn các quán cà phê có không gian thoáng mát để ngồi.

Gioi tre TP.HCM nho com suon,  tra dau via he anh 9

An Bình tập tành nấu nướng trong đợt giãn cách và mong đợi được đi ăn ngoài trở lại.

Tôi hay rủ bạn đi ăn vì như vậy vừa vui, vừa tiết kiệm tiền. Từ những quán ăn, tôi có thể ngắm nhìn xe cộ và phố phường.

Khung cảnh quen thuộc này luôn khiến tôi thấy yên bình trong lòng.

Từ khi TP.HCM giãn cách xã hội, tôi hay đặt đồ ăn về nhà vì các ứng dụng có nhiều ưu đãi.

Tuy nhiên, đợt này nhà mình nằm trong khu vực cách ly nên tôi chỉ có thể tự mày mò nấu ăn. Tôi cố làm lại “cà phê bọt biển” nhưng thành phẩm bị đắng ngắt nên đành từ bỏ.

Tôi cũng thử nấu “tokbokki bánh tráng” đang nổi trên mạng thì kết quả khá ổn.

Với những món không tự làm được, tôi cho vào “bucket list” (danh sách mơ ước) để hết dịch đi ăn ngay.

Sau thời gian này, tôi sẽ đi hết các quán gần trường vì quả thật rất khó chọn nơi yêu thích nhất. Chắc chắn buổi ăn đó sẽ rất thỏa mãn, no nê. Tôi cũng sẽ ghé spa và đi làm tóc để “tút tát” lại vẻ ngoài sau thời gian dài ở nhà.

Những bữa cơm ấm lòng tặng người khó khăn trong dịch ở TP.HCM

Những điểm phát cơm từ thiện, quán ăn 0 đồng là nơi tiếp thêm động lực, san sẻ gánh nặng cho người dân trong giai đoạn khó khăn.

Phương Thảo - Mai Hoàng

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm