Mục đích đến bar của khách hàng trẻ ngày càng đa dạng. Ảnh minh hoạ: Tianwang Xiao/Pexels. |
Tháng 12 năm ngoái, một hàng dài người bất chấp thời tiết ở dưới mức 0 độ chờ đợi vào một quán bar nhỏ trong con hẻm ở Thượng Hải (Trung Quốc). Tuy nhiên, họ không đến đó để uống vang nóng. Thứ thu hút khách hàng là bài thuyết giảng của một chuyên gia về xã hội học y khoa.
“Bar học thuật” dần trở thành một khái niệm phổ biến ở xứ tỷ dân. Nhiều người trẻ sinh sống ở khu vực thành thị mong muốn có cơ hội lắng nghe các học giả và chuyên gia.
Kể từ thời điểm du nhập vào Trung Quốc cách đây hơn 100 năm, các quán bar luôn hướng đến sứ mệnh cải cách văn hoá, theo Sixth Tone.
Những quán bar ở Trung Quốc trải qua nhiều giai đoạn phát triển trong thời gian dài. Ảnh minh hoạ: China Youth Daily. |
Bar ở Trung Quốc
Những quán bar hiện đại đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc vào khoảng đầu thế kỷ XX. Ban đầu, các địa điểm này tập trung ở Thượng Hải và Quảng Châu, gần đại sứ quán và khu vực người nước ngoài sinh sống.
Khách hàng chính của họ là sinh viên nước ngoài, nhân viên đại sứ quán và doanh nhân. Bên cạnh đó, nhóm nhà thơ, nghệ sĩ và sinh viên đại học quan tâm đến văn hoá Âu - Mỹ cũng là người tiêu dùng tiềm năng.
Vì thế, đây trở thành môi trường thư giãn lý tưởng dành cho tầng lớp trung lưu và thượng lưu Trung Quốc.
Đến những năm 1990, các night club (hộp đêm) mới bắt đầu mở cửa trên toàn Trung Quốc, nhanh chóng trở nên thịnh hành, nhờ vào sự gia tăng thu nhập và nhu cầu giải trí của người dân thành thị ở thời điểm đó.
Năm 2001, Trung Quốc đã tiến hành một cuộc đàn áp lớn đối với các quán bar và night club vì những vấn đề tiêu cực như gây gổ, đánh nhau, làm mất trật tự công cộng. Sau đó, văn hoá giải trí về đêm dần trở nên lành mạnh hơn.
Ban đầu, nhiều câu lạc bộ nỗ lực thu hút tệp khách hàng giàu có bằng nội thất cao cấp, hệ thống âm thanh, ánh sáng tiên tiến. Những không gian này đồng thời củng cố hình tượng người phụ nữ độc lập, tự chủ và quyến rũ. Đó là một trong những nhóm khách hàng mục tiêu, thường xuyên tiêu dùng dịch vụ giải trí về đêm.
Các quán bar học thuật bắt đầu xuất hiện rộng rãi, song chưa chứng minh được hiệu quả kinh doanh, cần thời gian để phát triển một cách bền vững. Ảnh: China Youth Daily. |
Cái khó của mô hình mới
Gần đây, một số thay đổi lớn diễn ra tại các quán bar Trung Quốc. Nhiều nơi phát những bản nhạc truyền thống, trang trí đèn lồng đỏ, thể hiện sự giao thoa văn hoá giữa các quốc gia.
Sự xuất hiện của các bar học thuật cũng là một làn sóng mới. Những người trẻ đến đây để thảo luận về triết học, văn học, lịch sử và chính trị. Đây là không gian mở, tự do, đem đến những cuộc đối thoại sâu sắc và cởi mở.
Nhu cầu của giới trẻ thành thị hiện nay, bao gồm hoàn thiện trí tuệ, ưu tiên những trải nghiệm mang tính cá nhân, riêng biệt, đều được thể hiện qua mô hình bar mới này.
Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh thực tế của các cơ sở trên vẫn là dấu hỏi lớn. Một số đơn vị bị chỉ trích vì tạo cảm giác trịch thượng, hơn người, chỉ phục vụ giới tinh hoa.
Ngoài ra, phần lớn đơn vị tổ chức không đưa ra yêu cầu về mức chi tiêu tối thiểu đối với người tham dự. Trong khi đó, những bài giảng thường kéo dài trong nhiều tiếng đồng hồ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của quán.
Nói cách khác, việc phát triển mô hình kinh doanh bền vững từ ý tưởng này không phải chuyện dễ dàng.
Gen Z coi đọc sách là 'gợi cảm'
Thế hệ Z coi việc đọc sách, đặc biệt là sách in, là xu hướng hấp dẫn và gợi cảm, với một số người nổi tiếng như diễn viên Timothée Chalamet, người mẫu Kendall Jenner góp phần lan tỏa văn hóa này. Tại Anh, sách in đạt doanh số cao kỷ lục, 80% thuộc về Gen Z. Họ cũng tích cực tham gia câu lạc bộ sách và yêu thích không gian yên tĩnh của thư viện, nơi lượt ghé thăm tăng mạnh sau đại dịch.