Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Giới trẻ Mỹ chê uống bia rượu, hút thuốc lá

Thế hệ trẻ ở xứ cờ hoa có xu hướng dần từ bỏ đồ uống có cồn, hướng đến lối sống lành mạnh. Sự thay đổi này đang định hình lại ngành giải trí và thị trường đồ uống.

Gen Z ngày càng ưu tiên lối sống lành mạnh, hạn chế rượu bia trong các hoạt động xã hội. Ảnh minh họa: Xiaohongshu.

Vào cuối tuần, Olivia (Pennsylvania, Mỹ) tham gia các hoạt động thể thao, họp mặt câu lạc bộ sách và mua sắm chuẩn bị cho tuần mới. Dù đôi lúc có đồ uống có cồn, cô luôn từ chối. Trước đây, bạn bè thấy điều này kỳ lạ, nhưng giờ nhiều người trong nhóm cũng chọn nói không với rượu bia.

"Nhiều người nhận ra họ không thích cảm giác say, cũng không muốn tốn tiền cho rượu bia nữa. Phần vì chúng tôi trưởng thành hơn, phần vì chuyện uống rượu không còn 'ngầu' như trước", nhân viên tài chính 28 tuổi chia sẻ.

Tháng 1, Tổng y sĩ Mỹ Vivek Murthy đưa ra khuyến cáo rượu bia có thể làm tăng nguy cơ ung thư, kèm theo các nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa hai yếu tố này. Thông tin gây sốc với nhiều người thuộc thế hệ trước, nhưng với Gen Z (sinh năm 1997-2012), đây chỉ là một mối lo sức khỏe nữa trong danh sách cần lưu ý, Business Insider đưa tin.

Theo giáo sư dịch tễ học Mary Charlton tại Đại học Iowa (Mỹ), Gen Z ngày nay nhận thức rõ hơn về lợi nhuận các tập đoàn kiếm từ sản phẩm gây nghiện. Họ không có suy nghĩ "cuộc đời ngắn ngủi, cứ tận hưởng bằng một điếu thuốc hay ly rượu" như thế hệ trước.

Văn hóa 'vui không cồn'

Becca Borowski (25 tuổi, Wisconsin, Mỹ) từng uống nhiều khi học đại học nhưng quyết định giảm rượu sau khi nhận ra tác hại. Cô cho rằng sau Covid-19, nhiều người hiểu rằng niềm vui không cần đến rượu bia. Hiện Gen Z chuyển sang kết nối xã hội từ sở thích sáng tạo như lớp học làm gốm.

Tương tự, Chloe Richman (29 tuổi, Mỹ), đồng dẫn chương trình podcast Litty and Sh*tty, đã cai rượu gần một năm sau khi bị cuốn hút bởi các trào lưu sống lành mạnh như "75 Hard" (thử thách cải thiện thể chất và tinh thần kéo dài 75 ngày) và tắm lạnh để nâng cao sức khỏe.

Sự thay đổi thói quen tiêu dùng của người trẻ gây áp lực lên doanh thu các quán bar và sân khấu ca nhạc, buộc họ bổ sung đồ uống không cồn để thu hút khách. Tại Chaotic Good Café (New York, Mỹ), nhiều người trẻ chọn chơi boardgame Dungeons and Dragons thay vì tụ tập uống rượu. Chủ quán Andrew Panos đã biến nơi đây thành không gian thư giãn, ấm cúng, không phụ thuộc vào đồ uống có cồn.

do uong khong con,  van hoa khong con,  gen z che ruou,  van hoa ruou bia,  loi song lanh manh anh 1

Văn hóa "vui không cồn" phản ánh sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng và nhu cầu tìm kiếm kết nối lành mạnh của Gen Z. Ảnh minh họa: laro.ceramics/IG.

Trong khi đó, thị trường đồ uống không cồn đang bùng nổ với giá trị đạt 13 tỷ USD và dự kiến tiếp tục tăng trưởng.

Báo cáo từ công ty phân tích thị trường đồ uống toàn cầu IWSR cho thấy lượng tiêu thụ đồ uống không cồn tăng 29% từ năm 2022 đến 2023, và ngành này có thể tăng trưởng thêm 7% từ 2023 đến 2027. Đáng chú ý, 17% khách hàng năm 2023 là người mới thử dòng sản phẩm này lần đầu.

Doanh nghiệp đón trào lưu

Trước sự thay đổi này, nhiều tập đoàn lớn đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội. Các công ty sản xuất đồ uống có cồn đang tung ra phiên bản không cồn của sản phẩm để đón đầu làn sóng mới.

Heineken cho biết 4% danh mục sản phẩm của công ty là đồ uống không cồn, con số này có thể tăng lên 6-7% trong tương lai gần. Ngay cả biểu tượng của Gen Z như diễn viên Tom Holland cũng tham gia vào thị trường với dòng bia không cồn mang tên Bero, được quảng bá như “chuẩn mực mới của bia”.

Không chỉ các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp địa phương cũng tìm thấy cơ hội từ xu hướng này.

Alexandra Zauner, người đã bỏ rượu 10 năm trước, mở cửa hàng đồ uống không cồn kết hợp phòng thử rượu có tên Lucille's tại Minnesota (Mỹ).

"Ngày càng nhiều người tìm đến những không gian giao lưu hấp dẫn mà không cần đến rượu bia. Họ muốn ra ngoài để trải nghiệm và vui chơi, nhưng không muốn cảm thấy bị ép buộc phải uống đồ uống có cồn", chủ quán chia sẻ.

do uong khong con,  van hoa khong con,  gen z che ruou,  van hoa ruou bia,  loi song lanh manh anh 2

Một số người trẻ hoài nghi phong trào sống khỏe, cho rằng đó là chiêu trò tiếp thị. Ảnh minh họa: Cottonbro/Pexels.

Xu hướng giảm uống rượu trong giới trẻ Gen Z không đồng nghĩa với việc từ bỏ hoàn toàn. Nhiều người chọn uống ít hơn hoặc tìm kiếm các hoạt động kết nối lành mạnh. Chẳng hạn như tại trung tâm leo núi RockQuest ở Ohio (Mỹ), giới trẻ đổ về vào tối thứ Sáu để tìm cảm giác mạnh sau thời gian dài bị "giam chân" trong nhà do đại dịch.

Tuy nhiên, một số người trẻ vẫn hoài nghi về làn sóng sống khỏe. Emily Wilson, đồng dẫn chương trình podcast Litty and Sh*tty, cho rằng phong trào này đôi khi chỉ là "chiêu trò bán hàng" nhắm đến người trẻ.

"Dù khuyến khích lối sống lành mạnh như việc bỏ rượu, phong trào này vẫn tồn tại những mặt trái, chẳng hạn như văn hóa lạm dụng thuốc giảm cân", cô chia sẻ.

Bên cạnh đó, khi rượu bia bị hạn chế, tỷ lệ sử dụng cần sa lại gia tăng. Theo khảo sát Gallup năm 2023-2024, 19% người từ 18-34 tuổi cho biết họ sử dụng cần sa.

Boris Jordan, CEO của Curaleaf, công ty cung cấp cần sa hợp pháp tại Mỹ, cho biết xu hướng chuyển từ rượu sang cần sa phổ biến nhất ở nhóm tuổi 21-27.

Gen Z chi gần 1.600 USD thuê người làm hộ việc nhà

Nghiên cứu cho thấy Gen Z phải trả tới 1.300 bảng Anh mỗi năm (khoảng 1.600 USD) để thuê người khác làm các công việc nhà, như thay bóng đèn hay treo tranh tường.

Gen Z coi đọc sách là 'gợi cảm'

Thế hệ Z coi việc đọc sách, đặc biệt là sách in, là xu hướng hấp dẫn và gợi cảm, với một số người nổi tiếng như diễn viên Timothée Chalamet, người mẫu Kendall Jenner góp phần lan tỏa văn hóa này. Tại Anh, sách in đạt doanh số cao kỷ lục, 80% thuộc về Gen Z. Họ cũng tích cực tham gia câu lạc bộ sách và yêu thích không gian yên tĩnh của thư viện, nơi lượt ghé thăm tăng mạnh sau đại dịch.

Như Phương

Bạn có thể quan tâm