Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giới trẻ Trung Quốc khổ thế nào cũng được, miễn trở thành ca sĩ Kpop

Mơ ước được nổi tiếng, người trẻ Trung Quốc dành nhiều năm tại các lò đào tạo trong nước để học hát, nhảy và tiếng Hàn.

Theo Gold Thread, vào ngày thử giọng, Cheng Xue (21 tuổi) thức dậy lúc 6h sáng để luyện tập.

"Annyeonghaseyo! Tôi tên là Cheng Xue. Rất vinh dự khi có mặt ở đây hôm nay", cô tập giới thiệu bằng tiếng Hàn.

Cheng nhanh chóng học thuộc nhưng vẫn lo lắng. "Những người khác có thể nói một câu đầy đủ bằng tiếng Hàn, ngoại trừ tôi", cô nói.

Sau khi ngây người nhìn chằm chằm bản thân trong tấm gương nhà tắm một lúc, Cheng quyết tâm không não nề nữa.

Chuyến tàu từ Trịnh Châu đến Bắc Kinh (Trung Quốc) khoảng 700 km, dự kiến khởi hành vào buổi trưa. Cô cũng đã mua một vé về cùng ngày.

Một là thông qua, hai là trắng tay về nhà.

gioi tre Trung Quoc muon thanh idol anh 1
Giới trẻ Trung Quốc chấp nhận mạo hiểm để được nổi tiếng như idol Kpop.

Về nhà sau 10h tối

Khi nhiều nhóm nhạc Hàn Quốc như BTS, BlackPink trở thành hiện tượng toàn cầu, thống trị các bảng xếp hạng âm nhạc thế giới, Cheng chỉ là một trong rất nhiều thanh niên Trung Quốc ôm giấc mơ trở thành ngôi sao Kpop.

Hàn Quốc không phải nơi duy nhất sản sinh ra các tài năng. Hàng loạt các cơ sở đào tạo về hát, nhảy và tiếng Hàn, dành cho những đứa trẻ hy vọng trở thành idol mọc lên ở nhiều nước, trong đó có Trung Quốc.

Cạnh tranh khốc liệt, rất ít người được chọn để tham gia huấn luyện tiếp, chưa nói đến việc ra mắt.

Cheng đã gửi hồ sơ đến khoảng 9 công ty đào tạo nhưng chỉ một trong số đó mời cô đến thử giọng.

Công ty trả lời Cheng tên W-1, tổ chức 2 đợt tuyển thực tập sinh một năm. Hàng nghìn người đăng ký tham dự nhưng chỉ 100 người sau một tuần thi hát, nhảy và các bài kiểm tra tiếng Hàn được chọn.

gioi tre Trung Quoc muon thanh idol anh 2
Theo Cheng Xue, các thực tập sinh có thể chi hàng trăm USD cho các buổi chụp hình để tăng cơ hội được ký hợp đồng.

100 người này sau đó được ký hợp đồng với công ty - nơi họ được chuẩn bị "mọi thứ" để có thể trở thành ngôi sao Kpop.

Meng Xi (21 tuổi) đã lọt qua vòng xét tuyển gắt gao và gia nhập W-1 vào năm ngoái với tư cách là thực tập sinh bán thời gian.

Cô đang học năm 3, Đại học Khoa học Chính trị và Luật pháp Trung Quốc. Nhưng cô hy vọng sẽ được đào tạo toàn thời gian sau khi tốt nghiệp vào năm tới.

"Tôi rất quyết tâm với mục tiêu của mình", Meng nói.

Lịch trình hàng ngày của cô rất chặt chẽ. Buổi sáng, cô tham gia các lớp học tại trường đại học. Buổi chiều, cô luyện thanh nhạc và vũ đạo. 2 tiếng buổi tối dành để học tiếng Hàn.

Meng về nhà sau 10h tối. Trong giờ nghỉ, cô cố gắng theo kịp bài vở ở trường. Nhưng nếu được đào tạo toàn thời gian, nữ sinh còn phải tham gia các lớp học về cách tạo dáng, diễn xuất và xây dựng tính cách khi tham gia các chương trình truyền hình và cuộc thi.

Cô nói nhiều người đã bỏ cuộc giữa chừng.

Tham vọng về thị trường 15 tỷ USD

Kpop trở thành thứ có thể kiếm tiền ở Trung Quốc.

Một số nhóm nhạc tên tuổi như Super Junior, EXO và Miss A đều có hoặc từng có các thành viên gốc Trung Quốc. Họ cũng phát hành các bài hát bằng tiếng Trung, giúp các nhóm nổi tiếng hơn ở đất nước gần 1,5 tỷ dân.

Đối với các thành viên Trung Quốc, ngay cả đã rời khỏi nhóm, họ có thể bị tẩy chay ở Hàn Quốc nhưng vẫn có lượng fan hùng hậu tại quê hương.

Kris Wu ra mắt với tư cách là thành viên của EXO vào năm 2012 và rời đi vào năm 2014, nhưng anh đã phát triển sự nghiệp solo thành công với vai trò ca sĩ và diễn viên, tham gia một số bộ phim bom tấn của Trung Quốc.

Bạn cùng nhóm cũ của anh - Luhan - cũng theo đuổi sự nghiệp solo, thậm chí từng được gọi là Justin Bieber của Trung Quốc với hơn 60 triệu lượt theo dõi trên Weibo, Twitter.

Thành công của Kpop tại Trung Quốc đã thúc đẩy nhiều chương trình giải trí tìm kiếm tài năng theo format Hàn Quốc ra đời. Một báo cáo của Netease dự đoán thị trường nhạc pop ở Trung Quốc có thể đạt gần 15 tỷ USD vào năm 2020.

Nhưng Kpop không phải lúc nào cũng hào nhoáng. Các nghệ sĩ muốn thành danh đều phải trải qua đào tạo khắc nghiệt. Các công ty quản lý luôn kiểm soát chặt chẽ cuộc sống riêng tư của họ.

Những công ty này đều cấm nghệ sĩ hẹn hò để dành thời gian cho công việc và duy trì mối quan hệ với người hâm mộ.

Không ít thành viên Trung Quốc của các nhóm nhạc Kpop đã cáo buộc các công ty ngược đãi mình.

Đáng chú ý nhất, cả Luhan, Kris Wu đều rời EXO, buộc tội công ty quản lý SM coi thường các vấn đề sức khỏe và đối xử bất công với mình.

Han Geng - một trong những ngôi sao Kpop đầu tiên của Trung Quốc - cũng rời nhóm Super Junior vì lý do tương tự.

Tuy nhiên, bất chấp môi trường khắc nghiệt, những thực tập sinh như Meng vẫn mơ ước một ngày được debut. Meng tin rằng các thực tập sinh Trung Quốc lúng túng, gặp khó khăn vì họ không quen với căng thẳng và áp lực.

Hiện tại, Meng làm việc cho W-1 nhưng cô tin rằng mình đã sẵn sàng đặt chân đến Hàn Quốc và gia nhập vào các công ty giải trí hàng đầu, bao gồm cả SM.

Trong khi đó, Cheng vẫn đang chật vật bước qua cánh cửa đầu tiên.

"Tôi thậm chí còn chưa kịp cất giọng hát", Cheng rơi nước mắt kể lại buổi thử giọng của mình qua điện thoại.

Cô bị loại sau vài giây giới thiệu bản thân vì tiếng Hàn của cô không đủ tốt.

Giới trẻ Hong Kong nằm lì trong phòng, sống cách ly với thế giới

Áp lực từ cha mẹ và kỳ vọng ngang hàng trong xã hội đang khiến thanh thiếu niên Hong Kong muốn nối gót theo xu hướng sống ẩn dật Hikikomori của giới trẻ Nhật Bản.

Huệ Lâm

Bạn có thể quan tâm