Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Giới trẻ Trung Quốc không còn muốn ‘nằm yên’

Sau “nằm yên” và “để nó thối rữa”, nhiều người trẻ xứ tỷ dân đang theo đuổi lối sống du mục kỹ thuật số (digital nomad) để tìm kiếm sự tự do.

Năm 2018, Tori Zhao (đến từ Quảng Châu) thấy mình như sống trong giấc mơ. Nữ kỹ sư phần mềm được các công ty như ByteDance săn đón và quyết định làm việc cho một doanh nghiệp mới thành lập ở trung tâm công nghệ của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, mọi thứ không như Zhao mong muốn.

“Tôi phải làm việc theo ‘văn hóa 996’”, cô nói.

“Văn hóa 996” là thuật ngữ dùng để chỉ công việc khắc nghiệt từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần. Nó phổ biến với nhiều thanh niên Trung Quốc làm công việc văn phòng, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến đổi mới và công nghệ, theo Jing Daily.

“Tôi không thể gắng gượng nổi. Tôi sợ mình sẽ bị kiệt sức”, Zhao nói.

Không chỉ Zhao, 76% người Trung Quốc dưới 23 tuổi được khảo sát cho một báo cáo việc làm gần đây cho biết họ sẵn sàng trở thành dân du mục kỹ thuật số và không bị ràng buộc vào bất kỳ vị trí nào.

“Nằm yên” (lying flat) đã nhường chỗ cho những xu hướng mới như “để nó thối rữa” (let it rot), có nghĩa là theo đuổi lối sống chậm hơn và chỉ làm việc vừa đủ để tồn tại. Cụm từ này đã thu hút hơn 93,2 triệu lượt xem và tìm kiếm trên mạng xã hội Xiaohongshu cuối năm 2022.

Tìm kiếm tự do

Năm 2019, Zhao nghỉ việc để làm tự do. Trong vài năm sau đó, cô vừa quản lý danh sách khách hàng, vừa dành thời gian nghỉ ngơi, đi du lịch và thư giãn giữa các dự án lớn, từ các thành phố như Hong Kong đến những hòn đảo nhiệt đới như Bali hay lang bạt khắp vùng nông thôn Trung Quốc.

Zhao coi việc từ chức là điều may mắn vì nhiều đồng nghiệp cũ của cô đã mất việc làm trong đại dịch. Quan trọng hơn, cô có thể tránh được một số lệnh phong tỏa nghiêm ngặt của Trung Quốc.

Sau khi Covid-19 bùng phát, Zhao, từng học ở Vancouver (Canada), đã trở lại thành phố này, nơi cô ở một thời gian. Sau đó, cô quay về Trung Quốc để gặp gia đình và đánh dấu thêm những địa điểm trong danh sách mong muốn của mình, bao gồm TP.HCM.

Theo Zhao, hầu hết dân du mục kỹ thuật số Trung Quốc mà cô biết đều là kỹ sư phần mềm.

“Khi tôi mới bắt đầu, hầu hết đều là nam giới, nhưng ngày càng có nhiều phụ nữ bắt kịp với nó”, cô nói.

Những người theo đuổi lối sống du mục kỹ thuật số mà Zhao từng gặp bao gồm nhà văn, nhà báo, lập trình viên hoặc làm công việc sáng tạo khác.

Du muc ky thuat so anh 1

Ngày càng nhiều người trẻ Trung Quốc chọn vừa đi du lịch, vừa làm việc từ xa. Ảnh: Qilai Shen/Bloomberg.

Mo Zhou khá mới mẻ với lối sống du mục kỹ thuật số. Trước đây, cô làm việc cho công ty có trụ sở tại Thượng Hải trong khi sống ở Canada. Tuy nhiên, sự khác biệt múi giờ đã gây thiệt hại.

“Tôi là người duy nhất làm việc từ xa tại một quốc gia khác. Trong suốt một năm, tôi phải thức dậy lúc 21h ở Vancouver và thức đến 5h sáng mỗi ngày. Vì vậy, lịch trình của tôi bị xáo trộn. Tôi hầu như không nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Cuối cùng tôi đã nghỉ việc”.

Không thể quay lại Trung Quốc vì Covid-19, Zhou quyết định mở công ty riêng. “Điều này cho phép tôi làm việc từ xa với nhiều khách hàng khác nhau, đồng thời lựa chọn cách xử lý công việc mà mình mong muốn”, cô nói.

Theo Robert Litchfield, giáo sư kinh doanh tại Đại học Washington và Jefferson (Mỹ) nghiên cứu về sự sáng tạo, đổi mới và tương lai của công việc, thuật ngữ du mục kỹ thuật số xuất hiện từ năm 1997.

Digital Nomad, được viết bởi David Manners và Tsugio Makimoto, là cuốn sách nói về cách công nghệ sẽ mang lại sức mạnh cho con người để xem lại lựa chọn cổ xưa là trở thành người định cư hay dân du mục”, ông nói.

Nghiên cứu của Litchfield về văn hóa du mục kỹ thuật số trên khắp thế giới được xuất bản trong cuốn sách gần đây của ông. Từ điển Miriam Webster đã thêm “digital nomad” vào danh sách các thuật ngữ mới vào cuối năm 2022.

“Digital nomad là người giải quyết công việc hoàn toàn qua Internet khi đi du lịch. Đặc biệt, họ không có địa chỉ nhà cố định lâu dài”, Litchfield cho biết.

Ngày càng phổ biến

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy du mục kỹ thuật số là lựa chọn lối sống mới của giới trẻ Trung Quốc trên khắp thế giới.

“Những người làm việc toàn thời gian đã rơi vào thế giới này. Họ không thích công việc văn phòng gò bó, văn hóa doanh nghiệp khó chịu, lối quản lý hống hách, thiếu linh hoạt. Đó là điều mà những người du mục kỹ thuật số đã từ bỏ nhiều năm trước”, Litchfield nói thêm.

Tori Zhao, kỹ sư phần mềm, thừa nhận lối sống của cô không bình thường, đặc biệt là so với bạn bè đồng trang lứa.

“Tôi lớn lên ở Quảng Châu, miền Nam Trung Quốc, nơi tôi được tiếp xúc với văn hóa phương Tây và nghe Kpop. Những người tôi quen ở Bắc Kinh rất khác. Họ thường lớn lên ở các thị trấn nhỏ hơn trên khắp miền Bắc Trung Quốc và dành phần lớn cuộc đời để học tập để vượt qua kỳ thi đại học”.

“996 chẳng là gì vì họ đã trải qua từ khi còn nhỏ - học 12 tiếng mỗi ngày kể từ năm 11 tuổi”, cô nói thêm.

Du muc ky thuat so anh 2

Lối sống du mục kỹ thuật số cho phép mọi người làm việc ở bất cứ đâu họ mong muốn. Ảnh: Armin Rimoldi/Pexels.

Zhao nói rằng trải nghiệm của bản thân khiến cô nhận ra mình không thuộc số đông.

Lớn lên ở một thành phố hạng nhất, Zhao được tiếp cận với nhiều nguồn lực và cơ hội hơn. Trong khi đó, nhiều đồng nghiệp của cô đến từ các thành phố nhỏ hơn, nơi ít di chuyển xã hội hơn.

Zhao cho biết những người lớn lên với đặc quyền tương đối ở Trung Quốc dễ hòa nhập với lối sống mới này hơn. Ví dụ, cha mẹ cô tương đối thoải mái và “không có nhiều phản ứng” đối với sự lựa chọn nghề nghiệp của con gái.

“Tôi có nhiều tự do hơn so với những người Trung Quốc trẻ tuổi khác”, cô thừa nhận.

Theo Litchfield, các đặc quyền về hộ chiếu và thị thực cũng đóng vai trò quan trọng trong mức độ giới trẻ Trung Quốc có thể tham gia vào lối sống này.

“Đối với những nhân viên được chủ lao động cố gắng giữ chân khi cố gắng rời bỏ công việc, họ bước vào lối sống du mục kỹ thuật số với lợi thế về nguồn nhân lực, kiến ​​thức và kỹ năng làm việc cần thiết”, ông nói.

Lợi thế lớn thứ hai là đặc quyền hộ chiếu, Litchfield giải thích.

“Nếu đến từ một quốc gia phương Tây như Mỹ, Anh, Australia, New Zealand, bạn có thể đi bất cứ đâu bạn muốn. Nhưng đối với người đến từ các quốc gia khác, chẳng hạn như Trung Quốc, vấn đề có thể nảy sinh tùy thuộc vào nơi họ đến và đi”, ông nói thêm.

Những cư dân Trung Quốc có hộ chiếu nước ngoài, chẳng hạn như Mo Zhou, tin rằng mạng xã hội giúp thúc đẩy xu hướng này trở thành tâm điểm chú ý của nhiều người trẻ xứ tỷ dân.

“Với sự phát triển của mạng xã hội, ngày càng có nhiều người sẵn sàng sống theo lối sống này khi công việc cho phép làm từ xa và có đủ can đảm theo đuổi. Việc trở thành dân du mục kỹ thuật số dễ dàng hơn trong xã hội hiện đại”.

“Phần tôi thích nhất là được ở bất cứ nơi nào trên thế giới mà tôi muốn”, cô nói thêm.

Quốc gia duy nhất đi ngược lại xu hướng làm 4 ngày/tuần

Trong khi nhiều nước hướng tới rút ngắn tuần làm việc, chính phủ Hàn Quốc đề xuất tăng thời gian làm việc từ 52 giờ lên 69 giờ/tuần. Động thái này gây ra phản ứng dữ dội.

AI có cướp đi công việc của chúng ta?

Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.

Thiên Nhi

Bạn có thể quan tâm