Nhiều người trẻ ở xứ tỷ dân không mặn mà với chuyện kết hôn. Ảnh minh họa: Joseph Chan/Unsplash. |
Số người lần đầu kết hôn ở xứ tỷ dân giảm còn 11,6 triệu vào năm ngoái, theo Niên giám thống kê Trung Quốc 2022. Con số này thấp hơn 700.000 so với năm 2021, và kém xa mức cao nhất từng được ghi nhận là 23,9 triệu vào năm 2013.
Đáng chú ý, thông tin này lại được một bộ phận giới trẻ Trung Quốc hoan nghênh, SCMP đưa tin.
Nhiều người cho biết sính lễ, tiền tổ chức đám cưới và chi phí sinh hoạt gia đình ngày càng tăng, cùng với thay đổi luật pháp, chẳng hạn chính sách “30 ngày hòa giải” khiến việc ly hôn trở nên khó khăn hơn, là những yếu tố gây cản trở.
Ngoài tiền tổ chức đám cưới, chi phí sinh hoạt và nuôi dạy con cái là những rào cản khiến giới trẻ Trung Quốc ngại kết hôn. Ảnh minh họa: IC. |
Sự sụt giảm số người kết hôn có thể được phản ánh qua cuộc khủng hoảng sinh đẻ ở Trung Quốc. Năm 2022, tỷ lệ sinh ở quốc gia này đạt mức thấp kỷ lục - chỉ 6,77 ca sinh trên 1.000 người, dẫn đến tình trạng lần đầu tiên dân số Trung Quốc suy giảm trong hơn 6 thập kỷ qua.
Báo cáo thống kê về hôn nhân, vốn được công bố lần đầu từ tháng 12 năm ngoái, bất ngờ trở thành chủ đề được tìm kiếm nhiều nhất mạng xã hội Weibo vào ngày 25/1 - thời điểm hầu hết mọi người về thăm gia đình nhân dịp Tết Nguyên đán.
Ngoài chia sẻ số liệu thống kê, một số tài khoản ca ngợi quyết định “khôn ngoan” của người trẻ và nói rằng họ cũng sẽ không lập gia đình.
“Hôn nhân giống như một canh bạc mà người bình thường không được phép thua. Do đó, tôi chọn không tham gia. Tôi không thể trả lời được câu hỏi 'Bao giờ cưới?' của họ hàng và gia đình”, một người bình luận.
Một số khác cho rằng hiện tượng này xảy ra là do chính sách “30 ngày hòa giải” mà chính phủ Trung Quốc ban hành vào tháng 1/2021. Theo đó, các đôi vợ chồng muốn ly dị phải trải qua một tháng suy nghĩ lại trước khi hoàn tất thủ tục.
Biện pháp gây tranh cãi này khiến tỷ lệ ly hôn ở xứ tỷ dân giảm mạnh, song các nhà phê bình cho rằng nó gây bất lợi cho nữ giới, đặc biệt là những người không có nguồn thu nhập độc lập.
Trung Quốc chuẩn bị đối mặt với cuộc khủng hoảng dân số khi tỷ lệ kết hôn và sinh đẻ ngày càng đi xuống. Ảnh minh họa: VCG. |
“Nhiều người muốn ly hôn mà không được chấp thuận lập tức, ngay cả khi họ bị lừa dối hoặc bạo lực gia đình. Kết hôn chẳng khác nào xuống địa ngục. Tôi không tin rằng vẫn còn hơn 10 triệu người chọn lập gia đình trong năm qua đó”, một người viết.
Nói với Yicai News, Dong Yuzheng, Giám đốc Cơ quan Phát triển Dân số Quảng Đông, cho biết giới trẻ phải đối mặt với áp lực cuộc sống ngày càng tăng và không thể trang trải chi phí kết hôn, bao gồm tiền mua nhà và nuôi dạy con cái.
Hơn nữa, trong khi nhiều bậc cha mẹ Trung Quốc thúc giục con cái lập gia đình, người trẻ lại thích cuộc sống độc thân, tự do tự tại.
Độ tuổi trung bình của những người lần đầu kết hôn cũng tăng đáng kể, từ 24,89 (năm 2010) lên 28,67 (năm 2020), theo Niên giám điều tra dân số Trung Quốc 2020.
Một báo cáo năm 2021 do iiMedia Research công bố cũng nhấn mạnh rằng ngày càng nhiều người lựa chọn sống độc thân. Theo báo cáo, hầu hết người tự nhận mình độc thân là phụ nữ trên 30 tuổi, được hưởng nền giáo dục tốt, thu nhập cao và sống ở các thành phố hạng nhất.
Nhà có nhiều cột
Bình đẳng giới không phải là đưa phụ nữ ra khỏi nhà và đẩy đàn ông quay trở lại căn bếp. Xã hội nên là nơi mọi cá nhân được tôn trọng, tự do phát triển và đối xử bình đẳng bất kể thuộc giới tính nào. Mục Đời Sống giới thiệu tới độc giả cuốn Nghĩ bình đẳng, sống bình đẳng. Tác phẩm được hy vọng mang đến cho người đọc những nhận thức cơ bản về vấn đề bình đẳng giới và chất liệu cho các thảo luận về giới và thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam.