Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giới trẻ Trung Quốc lo lắng về 'tuổi hết hạn'

Áp lực ngoại hình, hôn nhân, sự nghiệp là điều đông người trẻ Trung Quốc đối mặt. Họ được kỳ vọng lập gia đình, có lương cao trước năm 30 tuổi và phải giữ được vẻ trẻ trung sau đó.

Vài tháng trước khi bước sang tuổi 29, Fu Qin quyết định mua cho mình một gói chụp ảnh chân dung đắt tiền, với hy vọng có thể ghi lại vẻ đẹp của cô ở thời kỳ xuân sắc nhất.

Giống như nhiều phụ nữ Trung Quốc cùng tuổi, Fu cảm thấy lo lắng về tình trạng lão hóa, đặc biệt là khi bước qua ngưỡng 30, điều mà nhiều người tin rằng đánh dấu bước ngoặt của cuộc đời, theo CGTN.

Lo lắng về chuyện ngoại hình hay kết hôn và lập gia đình là điều hiện phổ biến ở thanh niên Trung Quốc do ảnh hưởng phổ biến của mạng xã hội đối với cuộc sống hàng ngày của họ.

Không hoàn hảo như mọi người trên mạng

Một năm trước, Fu trở thành giảng viên đại học sau khi hoàn thành chương trình học Tiến sĩ tại Bắc Kinh. Công việc bận rộn khiến cô không nghĩ quá nhiều về bản thân cho đến kỳ nghỉ đông.

Dành phần lớn thời gian ở nhà, cô bắt đầu cảm thấy cô đơn và buồn chán vì độc thân.

"Tôi nghĩ mình đã đến tuổi cần một người bạn đời hoặc bắt đầu gia đình của riêng mình. Bên cạnh đó, tôi sẽ sớm qua giai đoạn thích hợp nhất để sinh con, từ 20 đến 35 tuổi", cô nói.

Video, hình ảnh sống ảo được chỉnh sửa hoàn hảo khiến thế hệ Millennials và Gen Z tại Trung Quốc chú ý quá nhiều đến ngoại hình và trở nên tự ti về bản thân.

Trong khi các cô gái trẻ nghĩ rằng họ không đủ đẹp để chụp ảnh mà không có hiệu ứng, một số bậc cha mẹ thậm chí còn lo lắng cho ngoại hình của thế hệ sau - bắt con đội mũ bảo hiểm để có “hình dạng đầu tròn hoàn hảo”.

Gioi tre Trung Quoc lo lang ve tuoi het han anh 3

Áp lực về ngoại hình, hôn nhân, việc làm là những vấn đề phổ biến mà người trẻ Trung Quốc dễ đối mặt. Ảnh: Sixth Tone.

Số khác thì thấy sốt ruột khi ngày càng nhiều bạn bè lần lượt kết hôn và sinh con.

Người dùng có xu hướng so sánh bản thân với những gì họ thấy trên mạng xã hội và nghĩ cuộc sống của người khác tốt đẹp hơn họ, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Plos One vào năm 2021.

“Tôi khóa tài khoản mạng của mình để tránh bản thân bị phân tâm vào cuộc sống của người khác”, Lin (26 tuổi), hiện làm việc tại Thượng Hải, cho biết.

Là người địa phương, Lin không tốn tiền thuê trọ nhưng vẫn thấy đồng lương không đủ cho chi tiêu hàng ngày.

Trong một lần ăn tối với bạn bè, Lin được gợi ý đi học cao học ở Hong Kong để 1-2 năm sau anh có thể kiếm được công việc tốt hơn với tư cách sinh viên mới tốt nghiệp.

Dù có cơ hội kiếm được công việc lương cao hơn với bằng cấp tốt hơn, Lin vẫn do dự về lựa chọn này.

"Dọn đến nơi khác sống hiện giờ làm tôi không thấy thoải mái. Tôi không chắc liệu sự thay đổi có xứng đáng hay không. Tôi đã từng rất bận rộn nhưng rồi nhận ra càng muốn nhiều hơn, tôi càng ít hạnh phúc", Lin nói.

Gioi tre Trung Quoc lo lang ve tuoi het han anh 4
Mốc 30 tuổi được coi là "deadline" để kết hôn và sinh con. Ảnh: CGTN.

"30 là tuổi hết hạn"

Tháng 9 năm ngoái, một chủ đề trực tuyến có tên gọi “Tôi thích đồ ăn sắp hết hạn sử dụng” xuất hiện trên nền tảng Douban. Nhiều người dùng chia sẻ kinh nghiệm mua thực phẩm sắp hết hạn. Nhóm này hiện có hơn 93.000 thành viên.

Một cư dân mạng bình luận: “Cuộc sống của tôi cũng giống như đồ ăn cận date, rẻ nhưng vẫn còn nguyên giá trị”.

Cảm giác này cộng hưởng mạnh mẽ trong nhiều người trẻ Trung Quốc, những người lo lắng rằng họ sẽ mất giá như thực phẩm sắp hết hạn nếu họ không đạt thành tựu như mong đợi của những người xung quanh.

Hầu hết cha mẹ muốn con cái kết hôn trước tuổi 30 và có con trước 35 tuổi. Đối với con gái, phụ huynh mong đợi họ quan tâm vào việc lập gia đình hơn là xây dựng sự nghiệp.

Với truyền thống và quan điểm ăn sâu rằng phụ nữ gánh vác toàn bộ nhiệm vụ chăm sóc gia đình, các cô gái luôn được khuyến khích lấy chồng trước năm 27 tuổi và sinh con muộn nhất vào năm 30 tuổi. Họ phải là một người mẹ tốt, vợ đảm, hy sinh công việc và thời gian nhàn hạ.

Gioi tre Trung Quoc lo lang ve tuoi het han anh 5

Thế hệ Millennials Trung Quốc, đặc biệt khu vực thành thị, cảm thấy mệt mỏi sau một thời gian cố gắng đáp ứng kỳ vọng xã hội. Ảnh: Getty.

Ngoài ra, ngưỡng 30 tuổi và muộn hơn là 35 tuổi cũng là giới hạn tuyển dụng phổ biến tại Trung Quốc.

"Giới hạn độ tuổi như vậy khiến những người ở độ tuổi cuối 20 hoặc đầu 30 khó thay đổi con đường sự nghiệp của mình", Cheng Meng, giảng viên khoa Giáo dục tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, bày tỏ.

"Xã hội đương đại quá chú trọng vào hiệu quả, điều này tạo điều kiện cho năng suất cao trong việc tạo ra của cải. Nhưng hệ quả là xã hội mang tính cạnh tranh cao mà ít quan tâm đến các cá nhân”, cô nói thêm.

Kinh tế Trung Quốc đi lên và những thay đổi xã hội trong các thập kỷ qua dẫn đến sự gia tăng chung về áp lực và căng thẳng tâm lý.

Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ rối loạn lo âu ở Trung Quốc ngày nay cao hơn đáng kể so với hai thập kỷ qua. Theo một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới vào năm 2019, ước tính có khoảng 41 triệu người Trung Quốc bị rối loạn lo âu.

“Xã hội Trung Quốc có nhịp độ nhanh khiến người trẻ trải qua cuộc sống cạnh tranh mà không nhận ra họ thực sự cần gì. Họ trở nên lo lắng hơn khi đối mặt với những bất trắc và rủi ro".

Với nhóm người quyết định sống chậm lại, họ lại đối mặt với áp lực từ cha mẹ và cộng đồng.

"Điều đáng mừng là áp lực lớn khiến những người trẻ tuổi lên kế hoạch cho cuộc sống của mình rõ ràng hơn. Nhưng cuộc sống trở nên tẻ nhạt khi họ chạy theo khuôn mẫu mà truyền thống đặt ra", Han Zhuo, phó giáo sư thuộc khoa Tâm lý học tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, cho biết.

Nhiều người Seoul dành nửa tháng lương chỉ để trả nợ

Chi phí sinh hoạt, nợ tín dụng, lãi suất vay ngân hàng tăng cao là những lý do khiến các hộ gia đình có thu nhập trung bình sống tại Seoul dành nửa số tiền họ kiếm được để trả nợ.

Hiền Thy

Bạn có thể quan tâm