Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhiều người Seoul dành nửa tháng lương chỉ để trả nợ

Chi phí sinh hoạt, nợ tín dụng, lãi suất vay ngân hàng tăng cao là những lý do khiến các hộ gia đình có thu nhập trung bình sống tại Seoul dành nửa số tiền họ kiếm được để trả nợ.

Theo báo cáo của Tổng công ty tài chính nhà ở Hàn Quốc vào tuần trước, chỉ số liên quan đến đánh giá nợ hộ gia đình dừng ở con số 182 vào quý 3 năm nay, mức cao nhất kể từ khi cơ quan này bắt đầu thu thập số liệu thống kê vào năm 2004.

Thông thường, nếu chỉ số này dừng ở mức 100, điều này đồng nghĩa với việc một hộ gia đình trung lưu đang dành 25% thu nhập trung bình của họ để trả các khoản vay thế chấp. Do đó, con số 182 cho thấy các hộ đang dành đến 45,5% số tiền họ kiếm được chỉ để trả nợ, Chosun Ilbo đưa tin.

tang lop trung luu han quoc no nan anh 1

Việc siết chặt vay ngân hàng cho các hộ gia đình khiến chuyện hiện thực hóa ước mơ mua nhà càng thu hẹp.

Năm 2020, các hộ gia đình Hàn Quốc nợ ngân hàng và tổ chức tài chính khác khoảng 1.611 nghìn tỷ won. Nợ hộ gia đình bao gồm các khoản vay sinh viên, khoản vay mua ôtô, thế chấp nhà, khoản vay kinh doanh nhỏ và nợ thẻ tín dụng.

Nguyên nhân chính dẫn đến nợ hộ gia đình cao của Hàn Quốc là sự phụ thuộc vào chi tiêu bằng thẻ tín dụng, vốn chiếm khoảng 40% GDP của cả nước, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 18% ở Mỹ.

Theo các tổ chức phát hành thẻ tín dụng, ngày càng nhiều người không trả được nợ trong năm trước do thị trường việc làm thắt chặt, tăng trưởng thu nhập trì trệ và chi phí sinh hoạt tăng cao.

Nợ ngân hàng số tiền lớn

Năm 2017, khi Tổng thống Moon Jae In lên nhậm chức, chỉ số này vẫn ở mức 110,3. Dù hứa hẹn nhiều về kiểm soát giá nhà đất, các nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc hiện tại vẫn thất bại khi giá bất động sản ở nước này vẫn tăng không ngừng qua các năm.

Kim Deok Rye, làm việc tại Viện Nhà ở Hàn Quốc, cho biết: “Nếu giá nhà ở trở nên quá cao, thu nhập khả dụng của người dân chắc chắn bị thu hẹp, từ đó dẫn đến kinh tế đất nước bị thu hẹp theo”.

Thu nhập không tăng trong năm nay, nhưng lãi suất vay tăng do chính phủ nỗ lực hạn chế các khoản vay hộ gia đình. Hậu quả là gánh nặng tài chính ngày càng nặng.

tang lop trung luu han quoc no nan anh 2

Bất chấp các nỗ lực kiểm soát giá nhà ở của lãnh đạo đất nước, thực tế là giá bất động sản ở Hàn Quốc vẫn tiếp tục đi lên. Ảnh: Korea Times.

Trong quý 1 năm nay, thu nhập trung bình của hộ gia đình ở mức 5,39 triệu won. Sang quý 3, con số là 5,42 triệu won. Nhưng lãi suất cho vay mua nhà đã tăng từ 2,73% lên 3,01% và giá trung bình một căn hộ ở thủ đô Seoul vào tháng 11 năm nay là 1,08 tỷ won, tăng hơn 150 triệu won so với năm 2020.

Chỉ số đo lường khả năng mua nhà của một hộ gia đình lần đầu tiên giảm xuống mức 7,3 vào quý 4 năm 2020 và giảm tiếp xuống 3,8 trong quý 3 năm nay. Con số này có nghĩa là ít hơn 4 trong số 100 ngôi nhà ở Seoul có thể được mua bằng các khoản vay ngân hàng đáo hạn trong vòng 20 năm.

Đại diện Ngân hàng Kookmin cho biết: "Tồn kho căn hộ ở Seoul mà các hộ gia đình có thu nhập trung bình có thể mua đã giảm từ 145.000 căn trong quý 3 năm 2020 xuống chỉ còn 54.000 căn trong cùng kỳ năm nay”.

Tìm cách dọn đi khỏi Seoul

Các nhà quan sát thị trường cho biết không chỉ ngày càng khó khăn hơn đối với người dân trong việc mua nhà mà chất lượng cuộc sống của các hộ gia đình có thu nhập trung bình còn xấu đi do phần lớn tiền của họ phải trả cho các dịch vụ cho vay.

Giáo sư Shim Kyo Un tại Đại học Konkuk đánh giá: "Thủ đô hầu như không còn nhà giá rẻ cho tầng lớp trung lưu và không còn các khoản vay có sẵn để hỗ trợ tài chính cho họ. Chúng ta sẽ thấy ngày càng nhiều hộ gia đình thuê hoặc chuyển ra khỏi thành phố để tìm nhà có giá cả phải chăng”.

tang lop trung luu han quoc no nan anh 3

Theo số liệu mới nhất của chính phủ Hàn Quốc, hầu hết cặp vợ chồng mới cưới đều sống trong cảnh túng thiếu, nợ ngân hàng số tiền lớn. Ảnh: Newsis.

Trên thực tế, ngày càng ít người ở Seoul hy vọng sẽ mua được nhà riêng trong năm tới sau khi giá căn hộ tăng cao ngất ngưởng.

Theo khảo sát công bố vào tuần trước, ứng dụng bất động sản Zigbang thăm dò ý kiến ​​của 2.042 người dùng và 64,1% cho biết họ có kế hoạch mua nhà vào năm 2022, giảm so với tỷ lệ 69,1% của năm ngoái.

Hầu hết người được hỏi có kế hoạch mua nhà ở bên ngoài Seoul.

Khi được hỏi lý do, 39,1% cho biết họ muốn ngừng sống ở nhà thuê, 18,4% muốn chuyển đến nơi ở mới, 15,7% muốn chuyển đến một ngôi nhà có diện tích lớn hơn hoặc nhỏ hơn, 12,8% muốn tậu nhà cho tổ ấm mới hình thành của họ, 9,7% hy vọng thu được lợi nhuận từ giá trị bất động sản tăng lên.

Ham Young Jin, đại diện tại Zigbang, cho biết: "Việc tăng lãi suất và các quy định thắt chặt hơn cho vay dự kiến ​​sẽ tiếp tục trong năm tới, vì vậy nhiều người đang giữ thái độ chờ đợi, nghe ngóng rồi mới tính đến chuyện mua nhà hay không".

Quảng cáo ông già Noel đồng tính gây tranh cãi

Quảng cáo đến từ một hãng bưu chính tại Na Uy, mô phỏng tình yêu đồng giới giữa ông già Noel và người đàn ông trung niên. 

Hiền Thy

Bạn có thể quan tâm