Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giới trẻ xúc động vì anh phụ hồ thi Kiến trúc sau 13 năm

35 tuổi, Ngô Xuân Phú vẫn theo đuổi ước mơ bước chân vào giảng đường Kiến trúc đã tạo rung cảm lớn trong lòng cộng đồng mạng.

“Tôi là chàng trai đến từ một tỉnh nằm cách xa Hà Nội. Đỗ đại học, tôi phấn chấn lên nhập học với niềm tự hào của gia đình. Sinh ra trong một gia đình khá giả, tôi được chu cấp đầy đủ về vật chất không thiếu thứ gì. Nhưng có lẽ vì ảo tưởng về thành tích “lớn lao” ấy, mà tôi đã trượt dài trong sai lầm để rồi phải hối tiếc. Ngủ quên trên chiến thắng, tôi ngỡ rằng bước chân vào giảng đường là mình có thể tự do làm mọi thứ, với suy nghĩ là đã thoát khỏi sự quản lý của gia đình.

Tôi cứ rong chơi quên tháng ngày với tâm lý xả hơi sau những năm tháng dùi mài kinh sử ôn thi đại học. Để rồi những ngày dài sau đó tôi chạy đua với những cụm từ “thi lại”, “học cải thiện điểm” rồi ra trường muộn. Mọi thứ vẫn sẽ ảm đạm như vậy nếu như không có ngày tôi vô tình đọc bài viết về anh chàng 35 tuổi với kinh nghiệm 13 năm phụ hồ vẫn quyết tâm thi lại đại học. Tôi thấy xấu hổ với bản thân và rất khâm phục con người nghị lực này.  Tôi may mắn hơn nhiều người, vậy mà trong khi người ta nỗ lực để chạm tới đích Đại học, chính tay tôi lại để đánh rơi tấm hộ chiếu vào đời của mình".

Đó là những chia sẻ rất thật lòng của một độc giả báo Zing.vn khi anh biết đến câu chuyện của anh Ngô Xuân Phú.

Quyết tâm thi lại Kiến trúc sau 13 năm đi làm phụ hồ

Vì không đủ tiền đóng học phí nên học được 1,5 năm thì Võ Xuân Phú bị buộc nghỉ học trường ở Kiến trúc. 13 năm sau Phú lại thi vào trường từng học để thực hiện ước mơ kiến trúc sư.

 

Từ đồng cảm đến ngưỡng mộ

Hoàn cảnh khó khăn cản bước sự nghiệp học hành cũng không phải điều hiếm gặp trong cuộc sống, vì có nhiều người như anh Phú. Một bạn đọc chia sẻ: “Tôi cũng ở hoàn cảnh như anh,chưa đóng học phí kịp nên bị cấm thi, nghĩ quẩn tôi đã thi hộ bạn, và bị đuổi học. Nhưng vẫn kiên trì vừa học vừa làm rất vất vả, cuối cùng ở tuổi 29 tôi đã có bằng đại học trong tay. Không khi nào là muộn anh ạ, chúc anh sức khỏe để đi đến đích”.

Độc giả Khôi cũng rơi vào trường hợp tương tự khi 4 năm sau tốt nghiệp THPT, anh trai đi học xa nên anh không thi đại học mà kiếm tiền giúp gia đình. Sau 4 năm khi mẹ anh mất, anh trai cũng đã đi học về, anh mới thi lại ĐH Xây dựng cũng khoa Kiến trúc. Anh đã đỗ và vừa tốt nghiệp được hơn một tháng.

Câu chuyện về Xuân Phú được chia sẻ trên mạng.

Hai bạn đọc trên cũng là những người hết sức kiên trì với mục tiêu học đại học và họ đã thành công. Nhưng có lẽ về mặt thời gian, anh Phú vẫn dẫn đầu vì sau 13 năm làm phụ hồ, khi độ tuổi cũng đã nhiều, anh vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê. Điều này tạo những rung cảm lớn trong cộng đồng mạng, mà đa phần là sự cảm phục ý chí của anh.

Bạn đọc Nguyễn Đức: “Thật sự khâm phục anh, cuộc đời luôn có chỗ cho những người giàu nghị lực như anh, chúc anh thành công”, hay bạn Gia Minh Minh tâm niệm hãy theo đuổi thành công, thành công sẽ theo đuổi mình và gửi lời chúc đến anh Phú may mắn và thành công trên con đường mà anh đã chọn.

Ngọn lửa sức mạnh lan tỏa

Con đường học vấn đứt gánh giữa đường vì gánh nặng cơm áo gạo tiền, anh Phú lại cật lực với nắng với gió trên những công trường để nhường cho em gái học đại học. Có lẽ ít ai có đủ tinh thần và động lực để theo đuổi mục tiêu ban đầu. Thế nhưng người thợ hồ chăm chỉ ấy vẫn lặng lẽ ôn thi như bao sĩ tử khác. Ngày đi làm vất vả, mệt rã rời nhưng tối đến anh vẫn tự ôn tập tới 1-2h sáng.

Tinh thần ham học của anh là nguồn động lực lớn cho những người vì lý do đặc biệt nào đó mà phải rẽ sang con đường khác trước ngưỡng cửa đại học. Bởi anh tiếp thêm cho họ sức mạnh và niềm tin rằng việc học hành là chưa bao giờ muộn. Bạn Phạm Xuân Khôi xúc động: “Thật tuyệt vời quá đi. Chúc mừng bạn, cuộc sống như vậy mới có ý nghĩa chứ. Bạn là tấm gương để nhiều người khác học theo”.

Hành trình của thành công là một chặng đường dài, và không kể bạn đang ở độ tuổi nào, địa vị hay công việc nào. Chỉ cần nhen nhóm trong lòng niềm tin và đam mê với việc chinh phục kiến thức, bạn có thể làm những điều không tưởng. Có câu chuyện về một người công tác trong ngành đường sắt, trước khi trở thành một cán bộ chủ chốt trong ngành, ông cũng đã trải qua những ngày tháng làm công nhân đường sắt. Nhưng ông luôn nung nấu ý định học đại học, và vì thế cũng như anh Phú, song song với việc lăn lộn với mưu sinh, ông tự mình ôn thi và đã đỗ vào trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội.

Thiết nghĩ, những người vất vả lao động chân tay có lẽ cảm nhận rõ ràng hơn giá trị của việc học hành và tri thức đối với cuộc sống. Và những con người đó đã được “thực hành” với thực tế công việc trước khi bồi đắp thêm cho mình kiến thức từ sách vở.

“Em rất ngưỡng mộ anh. Đối với em, anh là tấm gương. Chúc anh thực hiện được ước mơ của mình và hạnh phúc trong cuộc sống”, lời chia sẻ chân thành của bạn Tiến Mạc Đức dành cho anh Phú.

Ngọc Quyên (Tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm