![]() |
Giun rồng có thể chui ra ngoài qua da người bệnh. Ảnh: Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn. |
Người đàn ông 44 tuổi vào khoa Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn (Phú Thọ), với nhiều vết loét nhỏ trên chân, tay. Qua thăm khám và xét nghiệm, bác sĩ xác định anh mắc bệnh giun rồng Dracunculus.
Ca bệnh này không chỉ cảnh báo nguy cơ tái bùng phát căn bệnh đã bị lãng quên mà còn cho thấy mối nguy vẫn âm thầm tồn tại ở các vùng nông thôn, nơi người dân còn duy trì thói quen ăn cá sống, uống nước chưa đun sôi.
Bệnh giun rồng (Guinea worm disease - GWD) do loài ký sinh trùng Dracunculus medinensis, hay còn gọi là giun Guinea, gây ra. Đây là một trong những loại giun ký sinh lớn nhất ảnh hưởng đến con người.
Loài giun này xâm nhập vào cơ thể người và động vật chủ yếu qua nguồn nước bị ô nhiễm hoặc thực phẩm có chứa xác của giáp xác nhỏ nhiễm ấu trùng giun.
![]() |
Cận cảnh giun rồng được lấy ra từ cơ thể người bệnh. Ảnh: Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn. |
Khi một người uống nguồn nước nhiễm giun này, vỏ bọc của ấu trùng giun rồng sẽ bị hòa tan bởi axit dạ dày, giải phóng ấu trùng vào cơ thể. Người nhiễm giun rồng có thể phải đối mặt với nhiều vấn đề như tổn thương da, nhiễm trùng huyết, tổn thương cơ, biến chứng thần kinh.
Thực tế, từ năm 2021, Việt Nam đã ghi nhận 24 ca nhiễm giun rồng. Riêng tại huyện Tân Sơn đã có đến 6 ca, phân bố tại các xã Thạch Kiệt (4 ca), Thu Ngạc (1 ca) và Long Cốc (1 ca). Đặc điểm chung, bệnh nhân đều là nam giới, có thói quen sử dụng thực phẩm tái, sống.
Giun rồng khi trưởng thành có thể dài tới 1,2 m. Sau thời gian ủ bệnh trong cơ thể, loài ký sinh trùng này chui ra ngoài qua da gây viêm, sưng đau dữ dội. Nếu không được xử lý đúng cách, bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng nặng, thậm chí tàn phế. Đáng lo ngại hơn, đến nay, y học vẫn chưa có thuốc đặc trị hay vaccine phòng bệnh giun rồng.
Do đó, chủ động phòng bệnh là giải pháp duy nhất để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên tuân theo các nguyên tắc an toàn sau:
- Chỉ ăn thực phẩm đã nấu chín, uống nước đun sôi để nguội
- Tuyệt đối tránh ăn đồ sống, tái, nhất là cá nước ngọt
- Giữ gìn vệ sinh nguồn nước, vệ sinh cá nhân và môi trường sống
- Khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như sưng đỏ, đau rát, nổi mụn nước ở tay chân hoặc sốt, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Trong quá trình nuôi con, cha mẹ không tránh khỏi lo lắng trước những hiện tượng liên quan đến sức khỏe của em bé. Trẻ có thể chảy nước mũi hay húng hắng ho khi chuyển mùa, gặp vấn đề tiêu hóa, bệnh đường tiêu hóa khi thời tiết thay đổi.
Những lúc ấy, các bậc phụ huynh sẽ đưa con đến thẳng bệnh viện để nhờ bác sĩ thăm khám, nghe theo những phương thuốc dân gian hay quáng quàng lo lắng? Trẻ con đứa nào chẳng ốm, Để con được ốm hay Hỏi bác sĩ nhi đồng sẽ là cẩm nang chăm sóc sức khỏe cho trẻ, cung cấp kiến thức khoa học về chăm sóc sức khỏe trẻ em.