Thể loại: Chính kịch, sinh tồn
Đạo diễn: Baz Poonpiriya, Kevin Tancharoen
Diễn viên: Thaneth Warakulnukroh, Papangkorn Lerkchaleampote, Pratya Patong
Đánh giá: 6,5/10
Hình ảnh trong phim Giải cứu hang Thái Lan. |
(*) Lưu ý: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
Tháng 6/2018, cả Thái Lan xôn xao khi một đội bóng mắc kẹt trong hang Tham Luang (thuộc tỉnh Chiang Rai) suốt 18 ngày. Họ gồm 12 thiếu niên ở độ tuổi 11 đến 16 tuổi và một huấn luyện viên trẻ, vào hang để tham quan nhưng không biết thảm họa lại ập đến.
Cơn mưa lớn làm ngập một phần hang động khiến cả nhóm không thể tìm đường thoát thân. Khi họ được thông báo mất tích, chính quyền cũng mất nhiều thời gian vì khó xác định chính xác vị trí khi hang dài đến 30 km.
Câu chuyện về đội bóng mang tên Lợn Rừng, dẫn đầu là huấn luyện viên Eak (Beam Papangkorn Lerkchaleampote) nhanh chóng được cả thế giới biết đến. Chiến dịch giải cứu thu hút nhiều lực lượng và nhóm tình nguyện viên đa quốc gia, với tổng số lên đến 10.000 người tham gia.
Góc nhìn của người Thái
Giải cứu hang Thái Lan (Tựa quốc tế: Thai Cave Rescue) không phải là dự án đầu tiên khai thác sự kiện năm 2018. Trước đó, có nhiều bộ phim kể lại câu chuyện với những góc nhìn khác nhau. Chẳng hạn, phim chính kịch The Cave (2019) kể lại những khó khăn của nhóm giải cứu, The Rescue (2021) được thực hiện dưới dạng tài liệu, đào sâu chi tiết về thảm họa.
Đội bóng Lợn Rừng gồm 12 thành viên và huấn luyện viên Eak (Beam Papangkorn Lerkchaleampote). |
Đạo diễn Ron Howard cũng thích ý tưởng nên quyết định làm Thirteen Lives (2022) ra mắt hồi tháng 7. Tác phẩm có kinh phí lên đến 55 triệu USD, quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng như Viggo Mortensen, Colin Farrell, Joel Edgerton,… và được đánh giá cao về nội dung khi ra mắt.
Theo trang AVClub, ngoài ra còn có 2 dự án khác đang trong quá trình sản xuất, chứng tỏ sức hút của cuộc giải cứu hang Tham Luang là không hề nhỏ.
Song, các dự án trước đó đều do ê-kíp nước ngoài thực hiện, chỉ có Giải cứu hang Thái Lan là series đầu tiên do Thái Lan sản xuất, thể hiện góc nhìn của người Thái về quá trình tìm kiếm đội bóng trẻ tuổi.
Phim không được thực hiện dưới dạng tài liệu mà hư cấu, thêm thắt nhiều tình tiết để cho người xem cảm nhận suy nghĩ, cảm quan của các nạn nhân là đội bóng.
Loạt phim gồm 6 tập, độ dài trung bình mỗi tập 60 phút, do hai đạo diễn cầm trịch. Nhà làm phim người Thái Baz Poonpiriya – nổi tiếng với Bad Genius (2017), One for the Road (2021) – chỉ đạo 2 tập. Trong khi đó, Kevin Tancharoen – từng làm Agents of S.H.I.E.L.D. (2014-2020) – chỉ đạo 4 tập.
Cả hai cùng giữ vị trí giám đốc sản xuất với Jon M Chu – nhà làm phim người Mỹ gốc Á từng làm hàng loạt dự án lớn nhỏ ở Hollywood như Step Up 2: The Streets (2008), Crazy Rich Asians (2018), In the Heights (2021),…
Các nhà sản xuất tên tuổi bảo chứng chất lượng phim, mang đến cho người xem tác phẩm được đầu tư chỉn chu về nội dung lẫn phần nhìn. Ngoài bản series, ê-kíp cũng biên tập và phát hành bản kỹ thuật số (digital release) mang tên Cave Rescue với thời lượng ngắn gọn hơn.
Kể lại cuộc giải cứu hang Tham Luang, series là tác phẩm đầu tiên cho người xem cảm nhận góc nhìn của các nạn nhân. |
Kịch bản tuân theo trật tự tuyến tính nhưng đan xen hai cốt truyện song song với hai bối cảnh khác biệt: Bên trong và bên ngoài hang Tham Luang.
Hành trình mắc kẹt trong hang động của đội bóng được xây dựng theo thể loại phim sinh tồn (survival film). Thiếu thốn kinh nghiệm, họ vừa sống trong sợ hãi lại vừa không có thức ăn, nước uống bên cạnh.
Trong khi đó, quá trình lên kế hoạch tìm kiếm và giải cứu bên ngoài được cài cắm nhiều kịch tính để tăng cảm xúc của người xem.
Thách thức của các nhà làm phim
Trước nay, Hollywood từng làm không ít phim sinh tồn. Do đó, sự kiện hang Tham Luang khá hấp dẫn nhưng vẫn không tránh khỏi việc đi vào lối mòn của các tác phẩm cùng dòng. Đôi lúc, phim gợi nhớ Open Water (2003) hay 127 Hours (2010), nhất là những khoảnh khắc khi nạn nhân đối diện khoảnh khắc sinh tử.
Ngoài ra, phim dựa trên sự kiện nổi tiếng nên kết thúc gần như đã được nhiều người biết trước. Hướng đi duy nhất là phải tăng độ kịch tính của quá trình giải cứu để lôi kéo người xem qua từng tập.
Các thành viên đội bóng đều là những thiếu niên từ 11 đến 16 tuổi. |
Điểm cộng là phim không sa đà vào việc ca ngợi nhóm cứu hộ như các tác phẩm khác. Thay vào đó, kịch bản đào sâu tâm lý nạn nhân, khai thác mối quan hệ giữa các thành viên đội bóng Lợn Rừng. Dù không phải ruột thịt, họ cư xử với nhau như người thân trong suốt quá trình kẹt trong hang.
Khó khăn đặt ra cho các nhà làm phim là phải phân bố thời lượng để 13 nhân vật đều có đất diễn. Đặc biệt, huấn luyện viên Eak được ưu ái có nhiều đất diễn, là người nổi bật nhất phim.
Ngay từ tập đầu, Eak được giới thiệu như một cậu bé mồ côi từ nhỏ. Lớn lên, anh quyết tâm trở thành huấn luyện viên để giúp đỡ trẻ em, giúp ích cho xã hội.
Trong phim, Eak hiện lên như một người hùng đích thực. Anh là người giữ lửa, giúp cho các cậu bé luôn vững niềm tin sống sót, đồng thời củng cố tinh thần của họ khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Để xoa dịu tâm trí và nguôi ngoai cơn đói, Eak dạy cho các cậu bé trong đội bóng tập thiền định.
Thế nhưng, bản thân Eak phải tự đối diện với những khó khăn riêng mà không có ai giúp sức. Suốt thời gian mắc kẹt trong hang động, anh thường xuyên tự trách mình vì đã đưa cả nhóm rơi vào hoàn cảnh đáng tiếc. Mặc cảm tội lỗi trở thành bóng ma ăn dần tâm trí Eak buộc anh phải tìm cách vượt qua.
Nam diễn viên quá cố Papangkorn Lerkchaleampote trong vai huấn luyện viên Eak. |
Hóa thân Eak, Papangkorn Lerkchaleampote nổi bật trong giữa dàn diễn viên không nổi tiếng. Sinh năm 1996, nam diễn viên không có nhiều kinh nghiệm diễn xuất nhưng thể hiện tốt tâm lý Eak, giúp người xem đồng cảm với nhân vật. Việc anh không may qua đời hồi đầu năm vì bệnh tim càng khiến cho vai diễn đáng nhớ, trở thành điểm nhấn của series.
Một vài điểm trừ đáng tiếc
Điểm trừ của phim là kịch bản vẫn hơi dông dài. Thời lượng 6 tập hoàn toàn có thể rút ngắn chỉ còn 4 tập để câu chuyện gãy gọn hơn. Thậm chí, độ dài tập 2 lên đến hơn 70 phút, gần bằng một tác phẩm điện ảnh.
Bối cảnh đơn giản và ít đa dạng là một hạn chế, dễ khiến người xem nhàm chán. Ở trong hang động, các nhân vật chủ yếu đối diện với không gian hẹp, tăm tối và thiếu thốn vật chất. Ở bên ngoài, phần lớn là khung cảnh Thái Lan chìm trong màn mưa, các hoạt động giải cứu cũng dễ đoán.
Ngoài ra, phim vẫn nặng về việc cài cắm kịch tính, đôi lúc hơi quá lố theo kiểu melodrama lấy nước mắt người xem. Nhiều lời thoại và tình huống còn mang tính sắp đặt, khiến không khí phim ngột ngạt, căng thẳng quá mức cần thiết.
Phim còn đi vào lối mòn khi bi kịch hóa ở nhiều phân đoạn, có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của người xem. |
Kịch bản cũng có một số sáng tạo nhưng chưa chắc sẽ làm hài lòng số đông. Điển hình là series dành bản tập 4 để tập trung về Saman Gunan (Tok Suppakorn Kitsuwan) - cựu đặc nhiệm SEAL Hải quân từng thiệt mạng khi vận chuyển bình dưỡng khí để chuẩn bị cho cuộc giải cứu. Nội dung khai thác đời tư, quá trình giải cứu và số phận đáng buồn của người quá cố. Điều này ít nhiều làm mạch phim bị loãng, tạo cảm giác kéo dài.
Ngoài ra, tuyến nhân vật phụ trong nhóm giải cứu xuất hiện mờ nhạt, được xây dựng theo mô-típ quen thuộc nên không để lại nhiều ấn tượng hay cảm xúc cho người xem.
Nhìn chung, Giải cứu hang Thái Lan vẫn là một tác phẩm đáng xem dành cho những ai yêu thích dòng phim sinh tồn, thảm họa. Thành công của phim là biến một câu chuyện có thật, gây sửng sốt trở thành bộ phim đậm tính giải trí lại giàu ý nghĩa.