Tiết canh tiềm ẩn nguy cơ rất nhiều mầm bệnh, bao gồm cả các ký sinh trùng. Ảnh minh họa: _le.miuuu. |
Người đàn ông trung niên ở Vĩnh Phúc đã nhập viện lần thứ 4 để chữa sán. Bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng không quá xa lạ với nam bệnh nhân này.
Trước đó, ít nhất 3 lần, ông phải trải qua các đợt điều trị sán cơ và sán não. Trên phim X-quang, bác sĩ cũng hốt hoảng khi phát hiện trên người ông, từ đầu đến chân, là chi chít nhiều loại giun sán, ký sinh trùng.
Nhưng những điều này có vẻ vẫn không ngăn ông khỏi sở thích ăn uống nguy hiểm.
Nhiều lần nhập viện
Trước khi được đưa vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân nói trên còn có hiện tượng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau mỏi cơ đùi phải suốt một tuần.
Khai thác bệnh sử, bác sĩ mới bất ngờ khi bệnh nhân đặc biệt ưa thích các món tái, sống như gỏi cá, rau sống và tiết canh. Mặc dù sán cơ, sán não chi chít khắp cơ thể, thói quen ăn uống không đổi này là con đường đưa các loại giun sán thâm nhập vào cơ thể ông.
Điều đặc biệt cần lưu ý là giun sán không chỉ ký sinh trong ruột, gan hay dưới da, tất cả bộ phận nội tạng khác, kể cả phổi, não đều có thể là nơi chúng ký sinh.
Do đó, người nhiễm giun sán không đơn thuần là đau bụng, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, sụt cân. Những dấu hiệu như nhức đầu, động kinh, rối loạn tâm thần, rối loạn thị giác, giảm trí nhớ, co giật cơ... cũng trở thành tác hại khủng khiếp do nhiễm giun sán gây ra.
Nhưng trường hợp của người đàn ông trung niên nói trên vẫn còn may mắn. Nhiều người thậm chí phải đoạn chi, suy giảm sức khỏe nghiêm trọng chỉ vì nhiễm các loại vi khuẩn nguy hiểm. Một trong số này là liên cầu khuẩn lợn.
Ông T. bị hoại tử nặng ở tay chân vì nhiễm liên cầu khuẩn. Ảnh: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. |
Ông Đ.V.T. (quê Nghệ An) đã phải cắt cụt 2 bàn chân và các ngón tay vì nhiễm khuẩn huyết. Từ biểu hiện sốt cao, mệt nhiều, ông T. được chuyển vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vì sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, viêm phổi, phải thở máy và lọc máu.
Món dồi lợn mua ngoài chợ trở thành thứ khiến bệnh nhân 39 tuổi rơi vài cảnh thương tật đến suốt phần đời về sau.
Trường hợp của anh T. hay bệnh nhân ở Vĩnh Phúc chỉ là 2 trong rất nhiều ca bệnh nặng chỉ vì thói quen ăn đồ sống, tái.
Những món ăn cần thận trọng
Theo bác sĩ Nguyễn Thảo Phương, Viện sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM, người Việt có nhiều món ăn được ưa chuộng nhưng có nguy cơ lây nhiễm ký sinh trùng rất cao. Trong đó, có thể kể đến là tiết canh, lòng hay rau sống.
Những món ăn này chính là nguyên nhân gây lây nhiễm nhiều bệnh ký sinh trùng ở người như sán dây, sán lá gan, giun đũa chó mèo, giun lươn, amip...
Đứng đầu các món ăn gây bệnh là tiết canh. Nguyên liệu chính của món ăn này là tiết (máu) động vật sống trộn cùng với thịt nạc, gan, nội tạng băm, đậu phộng, rau thơm… để tăng mùi vị. Đây cũng chính là nguồn gây lây nhiễm rất nhiều mầm bệnh, bao gồm cả các ký sinh trùng.
Theo bác sĩ Phương, người ăn tiết lợn sống có thể nhiễm sán dây lợn. Sán dây trưởng thành trong ruột hoặc ấu trùng sán xâm nhập vào tuần hoàn gây bệnh ấu trùng sán dây lợn. Các nang sán làm tổ khắp cơ thể, kể cả trong não.
Không chỉ vậy, tiết gia cầm (vịt, ngan...) có chứa ấu trùng giun đầu gai, giun đũa chó mèo ... Gan, nội tạng có thể chứa ấu trùng sán lá gan lớn.
Lòng cũng là món ăn quen thuộc có nguy cơ gây bệnh ký sinh trùng ở người. Do có hình dáng nhiều nếp gấp, lòng rất khó làm sạch.
Các nếp gấp lại là nơi nhiều loại ký sinh trùng bám vào như giun đũa, sán dây, giun xoắn, trùng lông... Vì thế, khi ăn lòng không được sơ chế cẩn thận, mọi người rất dễ nhiễm bệnh từ các ký sinh trùng này.
Rau sống là món ăn được nhiều người ưa thích vì thanh mát, tốt cho sức khỏe, phù hợp ăn với hầu hết mọi món ăn.
Tuy nhiên, nếu không đảm bảo trong quá trình nuôi trồng, sử dụng phân tươi hay dùng nguồn nước ô nhiễm để phun tưới hoặc không được chế biến cẩn thận, rau sống có thể là nguy cơ lây nhiễm nhiều loài loại ký sinh trùng như đơn bào, giun lươn, giun đũa chó mèo, sán lá gan lớn, amip…
Để đề phòng nhiễm ký sinh trùng từ rau sống, bác sĩ Phương lưu ý mọi người cần đảm bảo quá trình trồng rau sạch, kiểm tra xem có lẫn ốc, sên… ở rau hay không và rửa kĩ rau dưới vòi nước chảy.
Sách về nghề y
Tò mò về nghề y, về một nghề nghiệp luôn có tác động đến cuộc đời bạn nhưng luôn đầy những thông tin kỹ thuật khó hiểu? Đây là một số giới thiệu của mục Sức khỏe dành cho bạn:
Ký túc xá - Cá tốc ký: Cuốn sách kể về đời sống của sinh viên Đại học Y Hà Nội, chủ yếu xoay quanh đời sống ký túc xá, nơi tác giả đã trải qua tuổi trẻ cùng 10 thành viên khác trong phòng 110 E2.
Chạy trời không khỏi đau: Tập hợp các ghi chép của tác giả Adam Kay trong 6 năm hành nghề y từ 2004 đến 2010, cuốn sách là bản báo cáo không khoan nhượng về công việc của đội ngũ y tế của Vương quốc Anh đang làm việc ngày đêm nhưng chưa được nhìn nhận và tôn trọng đúng mức.