Năm 2018, Vingroup chính thức động thổ xây dựng VinUni. Ý tưởng xây dựng một trường đại học tốt đã được lãnh đạo tập đoàn ấp ủ từ lâu, nhưng đến nay, VinUni đặt mục tiêu tham vọng hơn: Vào top 50 đại học trẻ hàng đầu thế giới.
Ngoài con số đầu tư 5.000 tỷ đồng cho giai đoạn 1 của dự án, điều khiến người ta nhắc nhiều đến VinUni chính là việc thương hiệu giáo dục mới này có thể hợp tác chiến lược và toàn diện với hai trường đại học hàng đầu thế giới thuộc nhóm Ivy League: Pennsylvania và Cornell.
Buổi trò chuyện với giáo sư Glen N. Gaulton - Phó hiệu trưởng kiêm Giám đốc Sức khỏe toàn cầu Trường Y Perelman, thuộc Đại học Pennsylvania, hiện là thành viên của ban điều hành lâm thời dự án Đại học VinUni, giúp chúng tôi phần nào có câu trả lời cho những băn khoăn của mình.
- Thưa giáo sư, cơ duyên nào khiến Pennsylvania - một trong những trường đại học lâu đời và danh giá nhất nước Mỹ quyết định hợp tác dài hạn cùng VinUni?
- Điều này liên quan đến sứ mệnh và chiến lược của chúng tôi, mà cụ thể là trường Y và Điều dưỡng thuộc Đại học Pennsylvania (Penn). Sứ mệnh của Penn là thúc đẩy sự phát triển của ngành chăm sóc sức khỏe ở Philadelphia và Mỹ, đồng thời có trách nhiệm trong việc nghiên cứu, xây dựng các quy tắc, quy trình thực hành tốt nhất để nhân rộng ra toàn thế giới.
Vì lẽ đó, chúng tôi đã thực hiện nhiều dự án ở khu vực Mỹ Latin, Nam Mỹ và vùng cận Sahara châu Phi. Ở châu Á, nhiều dự án riêng biệt đã được triển khai ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, chúng tôi chưa từng có sự hợp tác chiến lược toàn diện với quốc gia nào ở cấp độ đại học.
Trên thực tế, việc hợp tác toàn diện với một dự án như VinUni vừa giúp xây dựng chiến lược dài hạn, vừa chuyển giao năng lực quản trị đại học, giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học sức khỏe. Điều này chưa hề có tiền lệ.
- Giáo sư nhận thấy năng lực, niềm đam mê đó ở Vingroup và dự án VinUni?
- Đúng vậy. Cuối năm 2017, tôi nhận được cuộc gọi từ giáo sư Amy Gutmann - Chủ tịch của Penn, thông báo có ông Michael Nguyễn - cựu sinh viên của trường muốn gặp và trình bày về một dự án tại Việt Nam.
Tôi hỏi Michael: “Cho tôi biết các bạn muốn gì ở dự án này, vì sao Penn nên giúp các bạn?”. Michael khẳng định: “Vingroup thực sự muốn góp phần cải tổ hệ thống giáo dục y khoa ở Việt Nam”. Vingroup nhận ra các chương trình giáo dục hiện tại cho bác sĩ và điều dưỡng chưa bắt kịp chuẩn mực trên thế giới. Họ muốn thành lập một trường đại học có khả năng giáo dục qua những phương thức tiếp cận vấn đề khác nhau.
“Nghe cũng có vẻ thú vị đấy”, tôi nghĩ, nhưng tôi chưa từng đến Việt Nam, chưa hề biết đến Vingroup. Và tôi đã làm hai việc. Một là gọi cho Đại sứ quán Mỹ để hỏi về Vingroup. Đại sứ quán đã cho phản hồi rất tích cực. Tôi còn tra cứu về họ và biết rằng đây là một tập đoàn lớn, tôi đã đọc lý lịch của Chủ tịch tập đoàn, biết về Vinhomes, Vinmec, Vinschool, Vinmart…
“Tôi đồng ý”. Đó là câu trả lời của tôi với Michael về việc đến Việt Nam để tìm hiểu VinUni. Michael hỏi: “Tốt lắm. Ông có thể bay luôn ngày mai không?”. Sau này, tôi hiểu rằng “ngay” là từ thường thấy trong các cuộc hội thoại của Vingroup, là phong cách của họ.
- Giáo sư có thực hiện đề nghị đó?
- Tôi trả lời rằng giữa tháng 12, chúng tôi sẽ nghỉ Giáng sinh và năm mới, vì vậy tôi sẽ đến gặp VinUni vào tháng 1 hoặc tháng 2. Michael nói: “Không, ông thực sự phải đến rất sớm vì họ đã bắt đầu chọn đối tác rồi, một số trường ở Mỹ và cả các nước khác nữa, đều là những trường hàng đầu”.
Vậy là tôi có mặt ngay ở Hà Nội để gặp ban lãnh đạo Vinmec và dự án VinUni. Chỉ sau 30 phút gặp nhau, tôi đã nghĩ trong đầu: “Thật hoàn hảo. Đây chính xác là những gì chúng tôi đang tìm kiếm: Phát triển giáo dục y khoa, cải thiện chất lượng dịch vụ lâm sàng và chăm sóc sức khỏe, rồi cả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ”.
Tôi thực sự thấy thuyết phục. Vingroup không chỉ là một công ty, họ còn là một hệ sinh thái. VinUni không chỉ đào tạo bác sĩ, họ muốn thay đổi ngành chăm sóc sức khỏe của Việt Nam. Chủ tịch Phạm Nhật Vượng không chỉ là một tỷ phú, ông ấy là người dẫn dắt sự thay đổi. Và tôi đã đưa ra quyết định hợp tác ngay trong cuộc họp ngày hôm ấy.
- Ngoài khát vọng và tầm nhìn của Vingroup trong dự án này, còn lý do nào khác khiến giáo sư đưa ra quyết định hợp tác nhanh đến vậy?
- Khi đến Việt Nam, tôi thấy đất nước các bạn ngày càng thịnh vượng, nhưng gánh nặng bệnh tật ở đây là rất đáng kể.
Vài thập kỷ trước, gánh nặng bệnh tật tập trung nhiều vào tình trạng thai sản, tử vong ở trẻ em sơ sinh, bệnh truyền nhiễm... đó là bệnh của nước nghèo. Giờ đây, tai biến mạch máu não, Alzheimer, tiểu đường, ung thư... tất cả bệnh mạn tính, dường như chỉ có ở các quốc gia giàu có, cũng là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở Việt Nam. Đất nước chưa thực sự giàu nhưng người dân đã phải đối mặt với tất cả bệnh tật “nhà giàu” thường gặp.
Tôi cho rằng những ảnh hưởng mà Penn có thể mang lại tại Đại học VinUni sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng này, góp phần hình thành một xã hội an toàn, khỏe mạnh hơn.
- Số lượng sinh viên quan tâm và đăng ký theo học các trường y ở Mỹ lớn hơn rất nhiều so với Việt Nam. Theo giáo sư, đâu là lý do chính?
- Tỷ lệ chọi tại trường y của Penn lên tới 1/60, cạnh tranh cực kỳ gay gắt. Ở Penn, mỗi năm chúng tôi có 8.000-9.000 ứng viên đăng ký cho 150 suất nhập học. Ngành điều dưỡng cũng khá cạnh tranh nhưng tỷ lệ thấp hơn hệ bác sĩ một chút.
Ở Mỹ, bác sĩ là một nghề cao quý, được xã hội đánh giá rất cao. Sinh viên ngành y ở Mỹ phải học tập trong 11-15 năm để trở thành một bác sĩ có giấy phép hành nghề. Tôi biết y khoa cũng là một nghề cao quý ở Việt Nam. Thực tế, tỷ lệ chọi vào các đại học y ở Việt Nam uy tín cũng rất cao, khoảng 1/16 hoặc 1/20. Tuy vậy, khi làm các khảo sát tại trường trung học, tỷ lệ học sinh quan tâm đến lĩnh vực khoa học sức khỏe chỉ khoảng 5-7%, ít hơn so với lĩnh vực công nghệ và quá ít so với kinh doanh.
Tôi cho rằng chúng ta cần truyền thông nhiều hơn về nghề nghiệp này. Với tấm bằng y khoa, bạn có thể trở thành một bác sĩ trực tiếp khám chữa bệnh, làm công tác giáo dục, nhà nghiên cứu hay thậm chí một doanh nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế, quản lý bệnh viện...
- Vậy liên minh VinUni-Penn sẽ làm gì để thu hút thêm nhiều ứng viên quan tâm, đăng ký theo học ngành y và tạo ra những tài năng y học tương lai cho Việt Nam?
- Trước hết là hoạt động truyền thông. Chúng tôi phải làm mọi cách để học sinh nắm được lộ trình nghề nghiệp hấp dẫn và ý nghĩa cao đẹp của nghề y.
Thứ hai, chúng tôi sẽ liên kết với hệ thống y tế Vinmec, xây dựng năng lực giảng dạy lâm sàng và nghiên cứu y khoa cho bác sĩ tại đây. Điều này rất quan trọng bởi học y phải được thực hành, có môi trường bệnh viện, đa dạng bệnh nhân và chủng bệnh. Người bác sĩ làm giảng viên lâm sàng không chỉ là truyền miệng các kinh nghiệm của mình. Họ phải giúp sinh viên nắm nguyên tắc tư duy, hiểu biết và có bằng chứng khoa học chặt chẽ - còn gọi là y học thực chứng.
Về phương pháp, chúng ta không thể tiếp tục học y theo kiểu thầy giảng trò ghi, mà phải đưa vào các phương pháp có tính tương tác cao như học theo nhóm (team-based learning) hay học mô phỏng (simulation based learning). Ngoài ra, với nền tảng CNTT như hiện nay, việc xây dựng các nội dung ảo, học qua giảng đường ảo (virtual learning) sẽ giúp việc học tập hiệu quả hơn, thú vị và sâu sắc hơn.
Cuối cùng thì ở đâu cũng vậy, con người và hệ thống là 2 yếu tố song hành, quan trọng nhất. Chúng tôi đang nỗ lực xây dựng nội dung chương trình giáo dục, hệ thống kiểm định, đánh giá, phát triển năng lực đội ngũ giảng viên, thiết kế các hoạt động đào tạo theo chuẩn quốc tế và hệ thống quản trị đại học tiên tiến nhất tại VinUni.
- Các trường Ivy League của Mỹ nổi tiếng là cái nôi sản sinh ra những cá nhân kiệt xuất, từ tỷ phú, chính trị gia đến nhà khoa học đoạt giải Nobel. Một trường đại học lâu đời và xuất sắc như Pennsylvania hẳn cũng có nhiều tài năng như vậy, thưa giáo sư?
- Theo thống kê, có tới 68 tỷ phú đã theo học tại Penn, trong đó có đương kim Tổng thống Donald Trump và nhà sáng lập Tesla - ông Elon Musk. Các giáo sư và cựu sinh viên của trường cũng sở hữu tới 28 giải Nobel.
Không chỉ có giải thưởng khoa học, nhiều phát kiến đã được tạo ra ở Penn. Chỉ riêng trường y của chúng tôi năm ngoái đã có 4 loại thuốc và phương pháp trị liệu, trong đó phải kể đến liệu pháp miễn dịch giúp chữa khỏi ung thư - CAR-T, đã được Cục quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt, cấp phép.
Nhà di truyền học Michael Stuart Brown, tiến sĩ y khoa Trường Y Đại học Pennsylvania, đã đoạt giải Nobel Y học. Cùng với tiến sĩ Joseph L. Goldstein, TS Michael đã nghiên cứu thành công việc trao đổi chất cholesterol và tìm ra nguyên nhân chính của bệnh tim mạch liên quan đến xơ vữa động mạch. Khám phá này của TS Michael và TS Joseph đã giúp tạo ra các loại thuốc chứa statin, hợp chất làm giảm cholesterol được sử dụng rộng rãi ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới ngày nay.
Điều này cho thấy Penn đã có nhiều tiến bộ to lớn trong việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế điều trị và những con người mà Penn đào tạo nên thực sự khác biệt.
- Chúng ta có thể áp dụng mô hình đào tạo nhân tài của Penn cho VinUni không thưa giáo sư?
- Tôi tin chắc là có. Penn liên minh chặt chẽ với VinUni để thành lập khối ngành Y khoa và Điều dưỡng, kể cả chương trình nâng cao đào tạo sau đại học - bác sĩ nội trú. Tất cả chương trình này sẽ được thực hiện theo mô hình chúng tôi làm ở Penn. Dĩ nhiên ta không rập khuôn mà điều chỉnh cho phù hợp với Việt Nam. Trên thực tế, chúng tôi sẽ cải tiến những gì đã làm và cố gắng rút kinh nghiệm để làm nó tốt hơn ở đất nước của các bạn.
Cùng với Đại học Cornell, chúng tôi sẽ phát triển một hệ thống chương trình giáo dục, quy hoạch về cơ sở vật chất cho các khoa, giúp đào tạo giảng viên... Do phần lớn việc đào tạo y khoa cho bác sĩ và điều dưỡng viên diễn ra ở bệnh viện, chúng tôi cũng giúp cải tiến, nâng cấp việc đào tạo lâm sàng và chăm sóc y tế tại hệ thống y tế Vinmec.
Việt Nam không thiếu những người có tiềm năng và tố chất. Điều quan trọng là họ cần được đào tạo bài bản, trang bị kiến thức sâu rộng, duy trì không mệt mỏi tình yêu nghề nghiệp, khả năng thấu cảm, cùng sự nhạy cảm lâm sàng tinh tế.
Tôi tin trong tương lai không xa, Việt Nam có thể có thêm nhiều nhà khoa học, chuyên gia y khoa tầm cỡ thế giới.