Trong năm đầu tiên triển khai dạy học theo sách giáo khoa mới, sau 3 tuần, không ít phụ huynh than con gầy, chán, sợ học. Một số giáo viên cũng đánh giá nhịp độ bài học nhanh khiến cô trò đều vất vả.
Trả lời Zing, GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên kiêm chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh diều, cho rằng giáo viên, phụ huynh cảm thấy nặng có thể do đặt yêu cầu quá cao.
Với bộ sách Tiếng Việt Cánh diều, học sinh học chữ cái, vần trong 26 tuần. Ảnh: Người Lao Động. |
Học sinh không cần biết chữ trước
Theo ông Thuyết, một năm học của trẻ lớp 1 có 35 tuần, bao gồm cả thời gian kiểm tra cuối năm. Mục tiêu chính của môn Tiếng Việt đối với năm học này là giúp học sinh biết đọc, viết. Các em cần học hết 29 chữ cái và khoảng 138-140 vần tiếng Việt. Đây là yêu cầu chung, sách nào cũng vậy, kể cả sách trước đây, hiện tại hay sau này.
Ở sách Cánh diều, học sinh vẫn học từng chữ, từng nét. Tôi khẳng định kể cả các em chưa biết mặt chữ vẫn học được.
GS Nguyễn Minh Thuyết
Do đó, nặng hay nhẹ không phải do chương trình, mà phụ thuộc việc phân bổ nội dung học ở mỗi quyển sách giáo khoa và cách dạy của thầy cô.
Hiện nay, nước ta có 5 bộ sách giáo khoa. Mỗi sách phân bổ chương trình khác nhau. Theo ông Thuyết, trừ bộ Cánh diều, ở các bộ sách còn lại, học sinh học hết chữ, vần trong học kỳ I hoặc kéo dài sang một vài tuần của học kỳ II.
Trong khi đó, với sách Tiếng Việt Cánh diều, ông Thuyết chủ trương mỗi bài, giáo viên dạy tối đa hai chữ hoặc hai vần. Ông cho rằng lượng kiến thức như vậy là vừa phải với học sinh lớp 1.
Với tiến độ như vậy, trẻ học sách Cánh diều học hết chữ cái, vần tiếng Việt trong 26 tuần. Sang tuần thứ 27, các em mới học phần Luyện tập tổng hợp. Tính đến hết năm học, còn 8 tuần dành cho phần Luyện tập tổng hợp và 1 tuần dành cho ôn tập, kiểm tra.
Với sách giáo khoa cũ, học sinh học chữ và vần trong 22 tuần. Trong một giờ dạy, thầy cô phải làm nhiều việc, vừa dạy chữ hoặc vần, vừa hướng dẫn học sinh tập đọc, luyện nghe - nói, tập viết chữ vào bảng con và vào vở.
“Với kinh nghiệm làm giáo dục tiểu học gần 40 năm, tôi thấy lượng công việc đó khá nặng với giáo viên và học sinh”, ông Thuyết đánh giá.
Đó là lý do ở sách Tiếng Việt Cánh diều, toàn bộ nội dung luyện nghe - nói và luyện viết vào vở được tách ra thành những tiết riêng. Một tuần, học sinh có 1 tiết luyện nói dưới hình thức kể chuyện và 2 tiết luyện viết vào vở. Sự thay đổi này tạo điều kiện để cô dạy, trò học thong thả hơn.
Ngoài ra, GS Nguyễn Minh Thuyết nói thêm trẻ mầm non đã được dạy nhận mặt chữ cái, chữ số. Sách Tiếng Việt 1 xây dựng trên cơ sở đó nhưng không phải vì thế mà bỏ qua việc dạy học sinh từng chữ. Một số bé biết chữ trước khi vào lớp 1 có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các em nhưng cũng có thể khiến các bé đó chủ quan.
“Ở sách Cánh diều, học sinh vẫn học từng chữ, từng nét. Tôi khẳng định kể cả các em chưa biết mặt chữ vẫn học được”, ông Thuyết nhấn mạnh.
GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng một số người cảm thấy chương trình học nặng có thể do họ đặt yêu cầu quá cao cho con. Ảnh minh họa: Liêu Lãm. |
Không thể bắt trẻ viết nhanh, đẹp từ đầu
Thực tế, trước khi vào học lớp 1, nhiều học sinh đã biết chữ. Tuy nhiên, giáo viên không nên căn cứ đó để đánh giá những em chưa học trước.
“Các cô phải đánh giá theo đúng yêu cầu của chương trình. Học sinh mới bắt đầu học sẽ phải đánh vần khi đọc, đọc chậm, viết chưa đẹp. Chúng ta không thể yêu cầu cao”, GS Nguyễn Minh Thuyết nói.
Đây cũng là điều ông lưu ý cả giáo viên lẫn phụ huynh. Người lớn cần hiểu học sinh mới đi học, không thể đòi hỏi trẻ viết nhanh, viết đẹp ngay từ đầu.
Việc giáo viên, gia đình nóng vội, đốt cháy giai đoạn chỉ làm khổ trẻ.
GS Nguyễn Minh Thuyết
Ông cho rằng một số người cảm thấy việc học của trẻ nặng do đặt yêu cầu quá cao. Trong khi đó, ở những tuần đầu, học sinh chỉ cần biết nhận diện và viết chữ cái.
Học tập, rèn luyện là quá trình cả đời. Các thầy cô và nhà quản lý đừng đặt quá nặng yêu cầu tập viết. Các em chỉ cần biết chữ nào, chắc chữ đó.
Ở nước ngoài, thậm chí, người ta bố trí rất ít giờ tập viết vì quan niệm học sinh sau này sẽ viết bằng máy vi tính, chứ rất ít khi viết tay.
"Dĩ nhiên, chúng ta không thể theo cách làm đó. Nhưng việc giáo viên, gia đình nóng vội, đốt cháy giai đoạn chỉ làm khổ trẻ", GS Thuyết nêu quan điểm.
Tổng chủ biên kiêm chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh diều đặc biệt nhắc đến vấn đề bài tập về nhà. Với sách giáo khoa mới, trong quá trình tập huấn giáo viên, ông đã yêu cầu không ra bài tập về nhà.
Ở trường, học sinh lớp 1 học hai buổi/ngày, mỗi ngày 7 tiết, nghĩa là học 35 tiết/tuần. Trong khi đó, chương trình lớp 1 là 25 tiết/tuần.
Như vậy, học sinh có đến 10 tiết để vui chơi, tự học. Giáo viên có thể cho học trò làm bài tập vào thời gian này nếu chưa làm xong. Do đó, học sinh không cần đưa bài tập về nhà.
Tương tự, phụ huynh có thể kiểm tra, giúp đỡ con trong quá trình học tập nhưng không nên yêu cầu tập đọc, viết nhiều. Thay vào đó, họ nên hướng dẫn con giữ gìn vệ sinh thân thể, ăn uống hợp lý, ngoan ngoãn, chăm học và hỗ trợ một số nội dung nhất định, kiểm tra xem con học thế nào.
Phụ huynh bình tĩnh dạy con, hỗ trợ chúng theo khả năng, thời gian của mình. Các thầy cô cần hướng dẫn để phụ huynh hỗ trợ con phù hợp yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa và không nóng vội.
Ông Thuyết nói thêm thời gian qua, ông tìm hiểu tình hình dạy học theo sách Cánh diều ở Đông Anh (Hà Nội) và Xuân Trường (Nam Định). Tại Đông Anh, học sinh học hào hứng, đặc biệt khi được làm các bài tập tương tác bằng sách điện tử.
Trong khi đó, giáo viên ở Xuân Trường phản ánh trong một lớp, hơn 20 học sinh đã đọc trơn, một số cháu còn phải đánh vần. Cá biệt, một hai trường hợp đánh vần vất vả, chưa đọc được.
“Tôi cho rằng đó là chuyện bình thường. Trẻ con phát triển khác nhau. Một số trẻ yếu hơn về mặt đọc viết, cần giáo viên, phụ huynh có sự giúp đỡ đặc biệt”, ông nói và tin tưởng hết năm học, học sinh lớp 1 có thể đọc thông, viết chắc.