Điểm mới trong Luật Giáo dục 2019 đó là nâng chuẩn trình độ giáo viên. Theo đó, giáo viên mầm non phải có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, giáo viên Tiểu học phải có bằng cử nhân sư phạm trở lên, giáo viên THCS phải có bằng tốt nghiệp cử nhân sư phạm trở lên, giáo viên THPT phải có bằng cử nhân sư phạm trở lên hoặc bằng thạc sĩ. Một số ý kiến cho rằng vẫn còn những điểm bất hợp lý trong lộ trình nâng chuẩn trình độ giáo viên.
Thạc sĩ mà chuyên môn kém cũng không thể dạy tốt. Ảnh minh họa: VOV. |
Giáo viên THPT không cần bằng thạc sĩ
GS Phạm Tất Dong nêu quan điểm, giáo viên THPT không cần bằng thạc sĩ.
Thứ nhất, yếu tố hàng đầu để đánh giá năng lực của giáo viên là biểu hiện trong công tác chuyên môn, giảng dạy. Trường hợp giáo viên vừa dạy giỏi vừa chuẩn bằng cấp là điều rất tốt. Nếu giáo viên dạy giỏi mà bằng cấp bình thường vẫn chấp nhận được. Nhưng thạc sĩ, tiến sĩ mà dạy dở vẫn nên “mời” ra khỏi ngành.
Thứ hai, yêu cầu giáo viên THPT phải có bằng thạc sĩ, bằng cấp đó phải phù hợp công tác chuyên môn. Ví thử người có bằng thạc sĩ quản lý không thể dạy Toán, Văn cấp 3. Vì chuyên môn của anh ta là quản lý. Nếu bảo anh ta dạy Toán, Văn khác nào bảo cá leo cây. Anh muốn dạy giỏi Toán, Văn thì phải là thạc sĩ Toán, thạc sĩ Văn.
Tuy nhiên tại Việt Nam, yêu cầu bằng cấp còn khá chung chung, chưa quy định rõ, chỉ cần có bằng làm đẹp hồ sơ là được.
Thứ ba, công tác đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ hiện nay còn nhiều bất cập. Không loại trừ việc nâng chuẩn trình độ sẽ thúc đẩy một số hành vi mua, bán bằng cấp. Vụ việc xảy ra tại Đại học Đông Đô là một minh chứng rõ nét khi thạc sĩ, tiến sĩ cũng đi mua bằng cấp.
Nếu không quản lý chặt công tác đào tạo thạc sĩ, việc yêu cầu giáo viên phải có bằng cấp chỉ giải quyết về mặt hồ sơ mà không giúp nâng cao chuyên môn, trình độ giáo viên.
GS Phạm Tất Dong chia sẻ: “Ý đồ nâng chuẩn trình độ giáo viên là rất tốt. Nhưng nếu bằng cấp do mua bán mà có được hoặc không đúng chuyên môn sẽ chỉ làm khó một bộ phận giáo viên dạy giỏi, tâm huyết với nghề”.
GS Phạm Tất Dong. Ảnh: Báo Hải Quan. |
Nghề giáo quan trọng trình độ hay bằng cấp?
Hiện nay, ngành sư phạm đang tồn tại 2 xu hướng trong việc đánh giá trình độ chuyên môn, năng lực của giáo viên. Xu hướng thứ nhất, đánh giá năng lực của giáo viên bằng hồ sơ, bằng cấp, chứng chỉ. Xu hướng thứ hai, đánh giá giáo viên qua công tác chuyên môn, giảng dạy thường ngày.
GS Phạm Tất Dong cho rằng việc đánh giá năng lực của giáo viên so với những ngành khác khá phức tạp không thể chỉ dựa vào mặt cơ học. Thực tế có những sinh viên bằng cấp rất đẹp, đầy đủ các loại chứng chỉ nhưng nghiệp vụ sư phạm yếu thành ra đi dạy lại rất dở.
Ngược lại có những sinh viên học lực bình thường, bằng cấp trung bình khá nhưng lại dạy rất hay, nói đến đâu học sinh hiểu đến đấy.
"Cho nên chỉ dựa vào bằng cấp để đánh giá chuyên môn của giáo viên là không đủ", GS Dong nói.
Theo GS Dong, ngành giáo dục có 4 nhóm giáo viên điển hình: Nhóm thứ nhất, kiến thức rất tốt, chuyên môn giỏi, bằng cấp đẹp nhưng nghiệp vụ sư phạm kém, dạy dở, học sinh khó tiếp thu.
Nhóm thứ hai, kiến thức, bằng cấp bình thường nhưng dạy tốt, học sinh dễ hiểu, đồng nghiệp yêu mến.
Nhóm thứ ba, chuyên môn, kiến thức, bằng cấp tốt và dạy giỏi. Những giáo viên này quá tuyệt vời.
Nhóm thứ tư, chuyên môn, kiến thức, bằng cấp không chuẩn lại dạy dở.
Trong 4 nhóm này, nhóm thứ hai và thứ ba là những thầy, cô giỏi nên giữ lại ngành. Nhóm thứ nhất và thứ tư nên loại khỏi ngành dù bằng cấp có đẹp đến mấy.
Để đánh giá năng lực của giáo viên, bằng cấp chỉ là yếu tố phụ. Yếu tố chính vẫn là năng lực của giáo viên thể hiện qua công việc hàng ngày đó là giảng dạy.
Thầy Dong lấy ví dụ, có những GS Đại học không thể dạy được học sinh tiểu học? Đã là GS thì phải giỏi, bằng cấp đẹp. GS Đại học không dạy được học sinh tiểu học là do sự khác biệt về mặt trải nghiệm thực tiễn.
Người giáo viên dạy lớp 1 họ gắn bó nhiều năm với học sinh nên họ biết những gì là cần thiết đối với các em, biết dạy, biết dỗ. Những kiến thức đó ở môi trường đại học GS không thể biết được.
“Để đánh giá chuẩn nhất năng lực của giáo viên, yếu tố quan trọng nhất vẫn là công tác chuyên môn thực tiễn. Yếu tố phụ là bằng cấp. Giữa một người giáo viên dạy giỏi nhưng bằng cấp thiếu và một người có bằng cấp đầy đủ nhưng dạy giỏi tôi sẽ chọn người đầu tiên”, GS Phạm Tất Dong chốt vấn đề.