Mỹ và Trung Quốc là hai đội tuyển mạnh tại các kỳ Olympic Toán Quốc tế. Ảnh: Alamy. |
Khi nói đến Olympic Toán Quốc tế (IMO), giáo sư La Bác Thâm, cựu huấn luyện viên trưởng của đội tuyển Olympic Toán tại Mỹ, nói rằng dù tham gia bồi dưỡng học sinh Mỹ, ông vẫn có nhiều cơ hội quan sát học sinh Trung Quốc, từ đó rút ra những khác biệt to lớn giữa học sinh Mỹ và Trung Quốc trong việc học toán.
Học sinh Trung Quốc thiếu điều gì?
Giáo sư La nhận định toán học là một ngôn ngữ hay và đẹp, chúng ta nên xem nó là một lĩnh vực cần sự tư duy thay vì chỉ xem đó là một nội dung nhàm chán, chỉ học thuộc lòng.
Nếu biến toán thành một loạt kiến thức và những bài tập nhàm chán, người học rất khó sáng tạo từ đó. Hơn nữa, hàng loạt bài tập về nhà nặng nề cũng chiếm hết thời gian của trẻ, khiến các em không có thời gian khám phá tiềm năng của bản thân.
Đây cũng là điều mà giáo sư La nhận thấy học sinh Trung Quốc đang "thua" học sinh Mỹ khi nói về việc học toán.
Giáo sư La Bác Thâm đã giúp đội tuyển Olympic Toán của Mỹ chấm dứt lịch sử 21 năm không giành được hạng 1 tại IMO vào năm 2015, đồng thời giành 6/6 huy chương vàng vào năm 2016. Ảnh: Sohu. |
Theo ông, năng lực trung bình của trẻ em Trung Quốc rất cao, nhưng đến học sinh giỏi nhất cũng sẽ thiệt thòi nếu phải làm quá nhiều bài tập về nhà.
Trong khi đó, với những học sinh giỏi nhất ở Mỹ, vì bài tập về nhà ít, các em có thể hoàn thành ngay tại trường, sau đó có rất nhiều thời gian rảnh để học và khám phá những điều mình muốn.
Lấy ví dụ về trường hợp của chính mình, ông La Bác Thâm cho biết khi còn học trung học, ông có thể về nhà lúc 15h30 mỗi ngày và hoàn thành hết bài tập trong khoảng 5 giờ mỗi ngày.
Sau đó, ông được làm những điều thú vị như dành 1-2 giờ để học lập trình, thêm một giờ nữa để học toán. Những sở thích này mang lại hàng loạt lợi ích cho vị giáo sư trong suốt cuộc đời và sự nghiệp.
Khi làm huấn luyện viên trưởng của đội tuyển Olympic Toán Mỹ, giáo sư La luôn chủ trương không ép học sinh phải giải để hay học các đề thi Olympic của những năm trước. Thay vào đó, ông hy vọng học sinh có thể học được những kiến thức toán nằm ngoài bậc trung học và các kỳ thi, từ đó mở rộng tầm nhìn và thúc đẩy sự phát triển.
Theo đó, ông mời các giáo sư đại học hướng dẫn học sinh trung học nghiên cứu toán học và dạy các em những kiến thức mới thông qua nghiên cứu. Nếu được học thông qua khám phá, kiến thức sẽ thuộc về các học sinh.
"Tôi từng nói với học sinh rằng đứng nhất trong các cuộc thi quốc tế không phải mục tiêu của tôi. Thay vào đó, tôi hy vọng được thấy những điều lớn lao hơn mà học sinh có thể làm được trong tương lai", giáo sư chia sẻ với The Paper.
Hạn chế trong quan niệm về việc học Toán
Không chỉ mang gánh nặng với "núi" bài tập về nhà, giáo sư La thấy rằng học sinh Trung Quốc vẫn bị hạn chế với việc các em học toán sai mục đích.
Nhiều lần đến Trung Quốc dạy học, thầy giáo phát hiện học sinh ở đây dù rất giỏi, nhưng không biết cách đưa ra ý tưởng mới và không quen với tư duy độc lập. Bởi vì các em đã quá quen với việc học toán để phục vụ cho mục đích thi cử.
Điều khiến vị giáo sư nhớ mãi là khi ghé thăm một trường THPT nổi tiếng ở Thượng Hải, ông đặt câu hỏi cho học sinh rằng "Tại sao phải học Toán" nhưng không ai giơ tay trả lời. Cuối cùng, một học sinh giơ tay và nói "Học Toán để làm bài kiểm tra".
Giáo sư La ngạc nhiên, ông không ngờ rằng những học sinh học ở "big 4" trường cấp 3 ở Thượng Hải, có tương lai tươi sáng, lại nghĩ rằng học Toán chỉ để đi thi.
Khi dạy học, giáo sư người Mỹ gốc Singapore thường khuyến khích học sinh tự tư duy và đưa ra các ý tưởng giải đề khác nhau. Dù đôi khi trẻ không thể đưa ra đáp án hoàn chỉnh, ông vẫn khuyến khích và nói đây là điều đáng khen. Vì cùng một câu hỏi, trẻ được phép sáng tạo và áp dụng những điều được học để giải quyết vấn đề khác.
Một số phụ huynh nói phương pháp dạy học của giáo sư là "lòng vòng", bảo ông chỉ nên trực tiếp đưa ra đáp án để trẻ học theo. Nhưng giáo sư không muốn như vậy, ông vẫn muốn khuyến khích trẻ chủ động trong việc tự học toán.
Phương pháp này có thể không mang lại cải thiện ngay lập tức, không giúp trẻ cải thiện điểm số trong ngày một ngày hai, nhưng nó giúp trẻ rèn kỹ năng tư duy, phát triển khả năng giải quyết vấn đề và hiểu rõ hơn những điều đã học.
Giáo sư La Bác Thâm (ngoài cùng bên phải) cùng đội tuyển Mỹ dự thi IMO năm 2016. Ảnh: Beestar. |
Học sinh kém vẫn có thể làm đề Olympic
Không dừng ở việc đào tạo đội tuyển Olympic Toán, vị giáo sư đào sâu hơn về việc dạy toán cho học sinh. Thông thường người ta dễ đánh đồng việc học môn này với việc "giải các câu hỏi". Hơn nữa, nhiều người thấy toán khó và nhàm chán vì phải thuộc lòng các công thức.
Nhưng thực tế, khi lên THPT và đại học (chưa tính đến các kỳ thi quốc tế), Toán lại là môn đánh giá khả năng tư duy và đổi mới của người học. Ở thời điểm này, những học sinh giỏi Toán có nhiều khả năng nổi trội hơn và bùng nổ về thành tích.
Giáo sư La Bác Thâm nhấn mạnh rằng nếu chỉ theo đuổi việc trả lời các câu hỏi một cách đơn thuần, trẻ sẽ không thể phát triển ý tưởng mới và khó khám phá bản thân mình.
Theo quan sát của ông, hiện tại có 2 lý do khiến học sinh sợ môn Toán.
Lý do thứ nhất là các tiết học Toán quá nhàm chán, khiến các em không bắt kịp tiến độ bài vở, từ đó lại mắc lỗi nhiều hơn. Đặc biệt với những học sinh được dạy Toán theo định hướng thi cử, các em sẽ rất mệt mỏi với việc giải đề, càng không có chuyện yêu thích môn học này.
Lý do thứ hai là trẻ sợ mắc lỗi. Giáo sư La nhận định Toán không giống viết văn, giả sử Shakespeare có thể viết bài văn 100 điểm thì đứa trẻ cũng có thể đạt được một số điểm nhất định.
Nhưng toán học lại khác, đúng ra đúng, sai ra sai. Nếu bài toán có đáp án duy nhất là 55, chúng ta không thể điền là 56 vì nếu thế sẽ nhận 0 điểm. Đó cũng là lý do nhiều đứa trẻ sợ toán vì các em sợ mình sẽ làm sai.
"Dù chương trình học nhàm chán hay trẻ sợ mắc lỗi, chúng ta vẫn cần tạo môi trường học tập tích cực cho trẻ, tôn trọng quá trình tư duy của trẻ, để các em biết rằng ý tưởng nào cũng có giá trị", thầy giáo khuyên.
Đối với những học sinh có nền tảng toán kém, thầy giáo vẫn khuyên tập làm đề Olympic Toán. Tại Mỹ, không chỉ đến trường điểm dạy học, giáo sư La cũng đến những học khu nghèo để truyền đạt kiến thức cho trẻ.
Nhớ lại những lần dạy học đó, giáo sư kể rằng ông từng dạy cho một nhóm học sinh lớp 6 có nền tảng toán rất tệ, thậm chí còn không biết 1/2 và 1/3 số nào lớn hơn.
Với những học sinh này, thầy giáo vẫn giao đề Olympic Toán để các em vận dụng trí óc và suy luận.
"Tôi sẽ hỏi các em rằng 'nếu 4 người muốn chia một món đồ thành 2 phần, làm thế nào để chia đều'. Sau đó, tôi sẽ khuyến khích các em chia sẻ suy nghĩ của mình. Bằng cách đưa ra một số câu hỏi mới lạ để kích thích và định hướng tư duy, trẻ có thể hiểu sâu hơn về các khái niệm toán học", giáo sư chia sẻ.
Đội tuyển Trung Quốc và Mỹ giành được thứ hạng cao tại IMO qua các năm. |
Đừng để AI đánh bại con người ở môn Toán
Trong kỷ nguyên AI, khi những chatbot siêu mạnh như ChatGPT ngày càng bành trướng, giáo sư La Bác Thâm thấy rằng việc học toán lại ngày càng quan trọng hơn.
Lý do là trí tuệ nhân tạo có thể thu thập thông tin từ kho dữ liệu khổng lồ, sau đó trả lời các câu hỏi một cách mượt mà. Chatbot cũng tìm cách đưa ra cách trả lời hợp lý và tự nhiên nhất, giống như cách con người đang làm.
Hiện, ChatGPT đang làm rất tốt khi trả lời các câu hỏi trong lĩnh vực lịch sử, nghệ thuật, tâm lý học và thậm chí là luật. Với toán học, dù đã đạt đến trình độ có thể giải đề thi IMO, chatbot vẫn còn một số thiếu sót nhất định.
Thiếu sót đó là chatbot không thể đưa ra câu trả lời cho một số câu hỏi đòi hỏi khả năng tư duy logic mới mẻ - điều mà con người có thể làm.
Đây cũng là điều mà giáo sư La muốn nhấn mạnh, ông mong rằng các nhà giáo dục có thể tập trung vào việc phát triển tư duy logic, khả năng sáng tạo cho học sinh khi học toán, ngay từ khi còn nhỏ.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.