Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị trước sự gia tăng ca nhiễm adenovirus phải nhập viện. Ảnh: Quốc Toàn. |
Cụ thể, Sở Y tế Hà Nội mới đây đã ban hành văn bản yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh bố trí đủ giường bệnh, nhân lực, phương tiện, trang thiết bị, vật tư để chẩn đoán và điều trị người bệnh nhiễm adenovirus, nhất là trong bối cảnh số lượng người bệnh nhiễm adenovirus phải nhập viện tăng cao.
Các cơ sở này cũng có nhiệm vụ phân luồng, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm tốt trong thời gian này. Trong trường hợp phát sinh lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh, các cơ sở y tế được yêu cầu xử lý quyết liệt.
Mặt khác, sở cũng yêu cầu tăng cường hội chẩn, chỉ đạo tuyến giữa các bệnh viện trong ngành y tế Hà Nội về việc điều trị người bệnh nhiễm adenovirus. Các trường hợp diễn biến nặng có suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng… cần được hội chẩn tích cực, chuyển viện, chuyển tuyến lên tuyến thành phố hoặc Trung ương, đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Số ca mắc adenovirus tại Hà Nội tăng nhanh trong thời gian qua. Ảnh: Quốc Toàn. |
Đồng thời, sở đề nghị các đơn vị tăng cường truyền thông, phổ biến kiến thức cho người bệnh, gia đình người bệnh về các khuyến cáo phòng, chống lây nhiễm bệnh do adenovirus gây ra để chủ động thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm.
Sở Y tế Hà Nội giao Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (chuyên khoa đầu ngành truyền nhiễm), Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (chuyên khoa đầu ngành nhi khoa) tiếp tục cập nhật kiến thức chẩn đoán, phòng, điều trị bệnh nhân nhiễm adenovirus cho các đơn vị trong ngành.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội được yêu cầu phối hợp với các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn thành phố, trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát tình hình bệnh do adenovirus gây ra. Mặt khác, đánh giá tình hình, nguy cơ tiến triển thành dịch, từ đó tham mưu cho Sở Y tế.
Sở Y tế cũng yêu cầu trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã tăng cường giám sát tình hình bệnh do adenovirus gây ra, kịp thời tham mưu cho UBND các quận, huyện, thị xã để chỉ đạo công tác phòng, chống.
Các TTYT cũng phải điều tra dịch tễ, xử lý khi xuất hiện ca bệnh lây lan tại cộng đồng, không để dịch bệnh lan rộng, kéo dài. Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bệnh do adenovirus, trong đó tập trung vào các nội dung như triệu chứng nhận biết khi mắc bệnh; khai báo tình trạng mắc bệnh của bản thân, người nhà và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm.
Các biện pháp này gồm: Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay với xà phòng và nước sạch, che miệng, mũi khi ho, hắt hơi, không dùng chung các vật dụng cá nhân với người bệnh, nhất là các vật dụng có chất tiết của người bệnh.