Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hà Nội ghi nhận 60 ca mắc ho gà

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 60 ca mắc ho gà tại 21 quận, huyện, chủ yếu là trẻ em dưới 2 tháng tuổi, trẻ chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đầy đủ.

Ho gà do vi khuẩn gram âm Bordetella pertussis gây ra. Ảnh: Shutterstock.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ ngày19 đến ngày 26/4), trên địa bàn thành phố có thêm 15 trường hợp mắc ho gà tại 11 quận, huyện, tăng 14 ca so với tuần trước đó.

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 60 ca mắc ho gà tại 21 quận, huyện, trong khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận ca bệnh.

Trong số 21 quận, huyện ghi nhận ca bệnh ho gà từ đầu năm đến nay, Thạch Thất có nhiều ca nhất (7); tiếp đến là Cầu Giấy, Hà Đông và Phúc Thọ mỗi nơi có 5 ca; Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và Thanh Trì mỗi nơi có 4 ca; Đông Anh và Long Biên mỗi nơi có 3 ca; các quận, huyện còn lại mỗi nơi có 1-2 ca.

Ca bệnh chủ yếu là trẻ em dưới 2 tháng tuổi (chiếm 60%); trẻ chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ (chiếm 72%).

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết bình thường trẻ em trước độ tuổi tiêm chủng thường có miễn dịch phòng bệnh ho gà từ mẹ. Tuy nhiên, do miễn dịch cộng đồng giảm, người mẹ cũng không được tiêm đủ mũi nên giảm khả năng chống chọi bệnh ở trẻ.

Ngoài ra, bệnh viện cũng ghi nhận một vài ca lớn tuổi đã tiêm phòng đủ các mũi cơ bản nhưng vẫn bị ho gà do chưa được tiêm mũi nhắc lại.

"Trẻ cần tiêm phòng đầy đủ theo khuyến cáo là 3 mũi đầu tiên, sau đó nhắc lại vào 3 giai đoạn 16-18 tháng tuổi, 4-5 tuổi và khi vị thành niên", bác sĩ Lâm nói.

Ho gà là bệnh lây truyền cấp tính có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường gặp ở trẻ em. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của người bệnh khi ho, hắt hơi. Khả năng lây lan của bệnh cao, nhất là với những trẻ sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín như trường học.

Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn.

Bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.

Bộ Y tế cho biết trong gần 3 tháng đầu năm, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia đã ghi nhận rải rác trường hợp mắc bệnh ho gà, chủ yếu tại một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc. Đây là dấu hiệu đáng lo ngại khi thời gian qua, số lượng bệnh nhân ho gà ở mức thấp.

Trước nguy cơ bệnh dịch bùng phát, mới đây, Bộ Y tế có công văn đề nghị các đơn vị, địa phương tăng cường phòng, chống sởi và ho gà.

Bộ Y tế cũng đề nghị thúc đẩy tiêm chủng thường xuyên cho trẻ thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng; tiêm bù, tiêm vét cho trẻ chưa được tiêm, chưa tiêm đủ mũi, khuyến cáo thai phụ tiêm ngừa đầy đủ để tạo "lá chắn" miễn dịch cho trẻ em, cộng đồng.

Những loại vi khuẩn mang bộ mặt của cừu non

Trong cơ thể người có mọt hệ thống vi sinh vật rất phong phú. Chúng có công rất lớn trong việc xây dựng hàng rào miễn dịch và đề kháng cho cơ thể. Thế nhưng, việc lạm dụng kháng sinh đã gây ảnh hưởng xấu đến hệ vi sinh vật trong cơ thể. Cuốn sách "Siêu tổ chức con người" của tác giả Rodney Dietert đem tới cho bạn đọc những kiến thức hữu ích để bảo vệ hàng rào đề kháng tự nhiên của cơ thể và xây dựng lối sống lành mạnh.

Tai nạn khiến bé 3 tuổi thủng lưỡi

Vừa cầm xiên que vừa chơi, em bé 3 tuổi không may vấp ngã, khiến xiên que đâm xuyên lưỡi.

https://vtcnews.vn/ha-noi-ghi-nhan-60-ca-mac-ho-ga-ar867783.html

An Bình / VTC News

Bạn có thể quan tâm