Theo thông tin từ ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện nay số mắc sốt phát ban nghi sởi và số dương tính với sởi ghi nhận trên địa bàn Hà Nội tăng nhiều so với cùng kỳ 2016.
Thành phố đã có 63 ca dương tính với bệnh sởi, trong đó có một ca tử vong. Năm nay, dịch có diễn biến phức tạp, phân bố tại 25 quận, huyện, tập trung chủ yếu ở nội thành.
Hiện nay, thành phố có khoảng 32.000 trẻ có nguy cơ mắc sởi cao . Ảnh: Lê Hiếu. |
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, thông tin thêm từ tháng 9, trung bình mỗi tháng, thành phố ghi nhận trên 10 ca mắc sởi.
Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng. Tuy nhiên, theo ông Cảm, dù tỷ lệ tiêm chủng ở Hà Nội luôn đạt trên 95%, trong vòng 5 năm gần đây vẫn có tới 14.370 trẻ dưới một tuổi và 18.265 trẻ từ 1-2 tuổi chưa được tiêm vắc xin phòng sởi.
Trước tình hình diễn biến của dịch sởi, Hà Nội đã tăng tần suất tiêm chủng tại các trạm y tế từ 1 lần/tháng lên 4 lần/tháng, trải đều trong các tuần để phòng trừ trường hợp trẻ đến lịch nhưng phải hoãn vì ốm sẽ được tiêm bổ sung ngay tuần sau, giảm tình trạng quá tải tại các điểm tiêm vào ngày 4-5 hàng tháng như trước đó.
Theo các bác sĩ, sởi là bệnh theo mùa do virus gây ra, thường gặp ở trẻ nhỏ và là bệnh lành tính. Tuy nhiên, nếu không biết cách chăm sóc, trẻ có thể gặp biến chứng dẫn đến tử vong. Những trẻ có nguy cơ mắc sởi cao là thể trạng yếu, sinh non, không được tiêm phòng vắc xin phòng ngừa đầy đủ.
Sởi lây truyền qua đường hô hấp như ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Giai đoạn lây nhiễm xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau phát ban.
Virus sởi lây lan mạnh trên diện rộng nên có thể gây dịch lớn. Một bệnh nhân có thể lây nhiễm cho khoảng 20 người.