15h30 ngày 29/8, HĐXX bắt đầu xét hỏi bị cáo Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng Oceanbank) xoay quanh cáo buộc Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Thắm bị cáo buộc đồng phạm với Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn với tội danh này.
"Khoản tiền 500 tỷ biến mất là ngoài tầm kiểm soát"
Trình bày với tòa, Thắm khẳng định quan hệ giữa ông ta và Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn không liên quan gì tới khoản vay 500 tỷ đồng. “Bị cáo không nợ nần gì anh Danh để bị cáo phải cho vay trái quy định”, bị cáo Thắm trình bày.
Trước phần trình bày dài dòng của bị cáo 45 tuổi, HĐXX ngắt lời và cho rằng tòa không hỏi về việc bị cáo mua và có ý định mua ngân hàng Đại Tín. Việc bị cáo bị đề nghị truy tố tội Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, bị cáo có ý kiến gì không?, chủ tọa hỏi.
“Cái đó do quý tòa quyết định, bị cáo không có ý kiến", Thắm nói.
Trước câu hỏi của HĐXX: "Với khoản cho vay 500 tỷ, bị cáo có vi phạm gì không"?, Thắm dừng suy nghĩ ít giây và đáp: "Bị cáo thấy mình có vi phạm quy định về đảm bảo tài sản. Bị cáo có vi phạm nhưng mong tòa xem xét một tình tiết không có trong cáo trạng".
Theo Thắm, bản thân ông và bị cáo Nguyễn Văn Hoàn, cựu Phó tổng giám đốc Oceanbank có đưa một tình tiết bổ sung trong hợp đồng vay đó là trước khi khoản vay được giải ngân phải sử dụng đúng mục đích. "Bị cáo mong tòa xem xét, bị cáo thừa nhận có vi phạm nhưng bản thân có giám sát sau cho vay", Thắm trình bày.
Về tài sản đảm bảo cho khoản vay 500 tỷ đồng, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank trình bày gồm biệt thự, cổ phiếu và 100% cổ phần của Công ty Trung Dung.
Bị cáo Hà Văn Thắm được dẫn giải đến tòa sáng 29/8. Ảnh: Việt Hùng. |
Liên quan đến cổ phần của Công ty Trung Dung, Thắm nói trong suy nghĩ và phán đoán của bản thân là công ty này không có tiền. "Tôi và anh Hoàn đánh giá tài sản đảm bảo của công ty này nằm ở giá trị thương mại, do Công ty Trung Dung đang sở hữu lô đất giá trị. Báo cáo tài chính của công ty này cũng thể hiện nguồn thu tốt", bị cáo Thắm khai.
Theo chủ tọa, đó chỉ là báo cáo tài chính. Nhiều ngân hàng do tin vào báo cái tài chính nên vẫn cho vay và gây nợ xấu.
Đề cập đến việc xác minh tài sản đảm bảo của Công ty Trung Dung, Thắm khẳng định đã yêu cầu cấp dưới thẩm định giá trị thương mại của công ty trên. Trong đó có dự án bất động sản của công ty nằm trên đường Tô Hiến Thành và cổ phiếu tập đoàn SSG - cổ phiếu chưa niêm yết trên sàn chứng khoán.
Dự án bất động sản chưa có sổ đỏ có phải là một trong những điều kiện đảm bảo cho vay không?. Trả lời câu hỏi trên của HĐXX, bị cáo Thắm phân trần: "Trường hợp này khá phổ biến trong tín dụng ngân hàng song thừa nhận "nó không đủ điều kiện theo quy định của Nhà nước".
Đa số tài sản đảm bảo bị cáo Thắm dựa trên niềm tin giá trị thương mại của Công ty Trung Dung. Thắm khẳng định đến nay niềm tin đó chưa thu hồi được 500 tỷ dù ông ta có thúc giục nhân viên giám sát sau khi cho vay. "Khoản tiền 500 tỷ biến mất là ngoài tầm kiểm soát", Thắm nói.
20 phút sau phần trình bày của Thắm, HĐXX một lần nữa hỏi lại về việc VKS đề nghị truy tố Thắm về tội Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, ở lần thứ 2, bị cáo đáp: "Không dám ý kiến, quyết định của tòa bị cáo xin chấp hành".
Thắm phân trần, dưới con mắt của tòa, ông ta không muốn mình trở thành người khai báo không thành khẩn. "Bị cáo trình bày rất chi tiết trong cáo trạng. Bị cáo muốn tòa ghi nhận tinh thần đó và luôn chấp hành các quyết định quy tòa, không phản đối gì".
"Ai là người sử dụng 500 tỷ" - HĐXX hỏi. Theo Thắm, lúc đầu bị cáo nghĩ là Công ty Trung Dung nhưng cuối cùng là nhóm bà Hứa Thị Phấn sử dụng.
Hứa Thị Phấn khai gì về việc cho Danh mượn tài sản thế chấp
Do nữ bị cáo cao tuổi nhất trong vụ án (70 tuổi) đang phải nằm viện điều trị nên bà đã có đơn xin xét xử vắng mặt. Trước lời khai của Thắm, HĐXX đã công bố lời khai của Phấn.
Ở lời khai ngày 21/10/2014 với tư cách nguyên đơn dân sự, bà Phấn cho biết năm 2010 thông qua các mối quan hệ kinh doanh, bà ta có biết Hà Văn Thắm là Chủ tịch HĐQT Oceanbank. Sau khi được Thắm đề nghị mua lại Ngân hàng Đại Tín, họ đã ký kết hợp đồng kinh tế. Tuy nhiên, sau 2 tháng ký kết hợp đồng kinh tế, Thắm đã không thực hiện như cam kết nên giới thiệu bà Phấn gặp Danh.
Khi gặp nhau, Danh cho biết đang sở hữu 50 tỷ USD, đủ điều kiện để mua lại Ngân hàng Đại Tín.
Theo lời khai của bà Phấn, sau khi mua lại ngân hàng, ông Danh không thực hiện cam kết. Lý giải về việc cho Danh mượn tài sản để thế chấp vay của Oceanbank 500 tỷ đồng, Phấn cho rằng bị ép buộc, sợ vướng pháp luật nên đã cho mượn tài sản thế chấp cầm cố.
Trong lời khai thứ 2 ở vai trò người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, bà Phấn tiếp tục kể lại mối quan hệ của mình với ông Thắm thông qua một người quen. Sau đó, bà Phấn khai về việc cho Trung Dung mượn tài sản vì bị Thắm ép buộc.
Ở lời khai thứ 3 với tư cách bị can, Phấn cho rằng cả Thắm và Danh đều đề nghị bà cho mượn tài sản để thế chấp cứu ngân hàng. Danh nói chỉ mượn tài sản trong 3 tháng rồi trả lại nhưng ông ta không thực hiện lời hứa đó.
"Lời khai của Phấn có nhiều tình tiết không đúng"
Với lời khai của Phấn, Hà Văn Thắm khẳng định có nhiều tình tiết không đúng sự thật. “Bị cáo không gọi điện bảo bà Phấn cho anh Danh mượn tài sản. Bị cáo nghĩ rằng chuyện này kiểm tra rất dễ vì thời gian cho vay ngắn, có thể kiểm tra lịch sử cuộc gọi để làm rõ” – cựu chủ tịch Oceanbank phản bác lời khai của nữ đại gia.
Ông Thắm cho rằng trong thời gian đó mình không bay vào trong miền Nam nên không có cơ hội gặp bà Phấn. “Bị cáo cùng ông Danh, bà Phấn chưa từng bàn bạc cho vay sai mục đích, thậm chí bàn bạc cho vay đúng mục đích cũng không có luôn. Bị cáo chịu trách nhiệm về lời khai của mình” – ông Thắm nói giọng tự tin.
Nghe phần phản hồi của Thắm, HĐXX hỏi: Thực tế bị cáo gặp bà Phấn mấy lần?
Không cần suy nghĩ, Thắm đáp mình gặp người phụ nữ 70 tuổi khá nhiều, đó là những lần 2 ngân hàng làm việc với nhau. Tuy nhiên, bản thân Thắm không biết bà Phấn có hay không có tài sản, bất động sản.
Nếu không biết bị cáo Phấn có tài sản, tại sao lại nhận cầm cố tài sản để giải ngân khoản vay 500 tỷ đồng? – HĐXX hỏi dồn.
Thắm thanh minh rằng do biết Phạm Công Danh với bà Phấn có quan hệ với nhau. “Tên thực tế, chuyện thế chấp 3 bên là bình thường. Bị cáo không lừa bà Phấn cho anh Danh vay. Bị cáo không có nợ nần gì bà Phấn và anh Danh nên không có động cơ hay lý do gì can thiệp vào việc cho vay này”.
Thắm cho hay đặt vấn đề với bà Phấn mua lại ngân hàng Đại Tín từ năm 2011, tuy nhiên thủ tục chưa hoàn chỉnh vì mới có một người ký. “Thỏa thuận đó chưa gọi là thủ tục chuyển nhượng được bởi theo Luật tín dụng, phải do chủ tịch HĐQT ký và phải trình lên Ngân hàng nhà nước. Khi được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt mới có hiệu lực.
Tiếp tục “phản pháo” lời khai của bà Phấn về việc bà bị ông Thắm đe dọa, bị cáo 45 tuổi nói “bản thân không hiểu chuyện này”.
Ông Thắm nói bà Phấn hay hỏi mình về hoạt đông ngân hàng, trong những lần đó, ông phân tích cho nữ đại gia thấy thực trạng Ngân hàng Đại Tín rất xấu. “Lúc phân tích, bị cáo không biết nó xấu đến mức như thế” – Thắm nói và cho rằng ông chỉ nói cho bà Phấn hiểu đúng tình hình thực tế còn nếu người phụ nữ này nghĩ đó là đe dọa thì “bị cáo không ý kiến gì”.
Nghe tòa hỏi về bản chất, mục đích, động cơ đằng sau việc ký hợp đồng cho Công ty Trung Dung mà thực tế là cho ông Danh vay 500 tỷ là gì?. Ông Thắm đáp khoản vay này giúp cơ cấu lại một dự án ở Đà Nẵng và hoàn toàn không có động cơ gì sau đó.
Trong cáo trạng, bị cáo thấy ghi là khoản vay sử dụng sai mục đích. Bị cáo có hứa với Danh là hỗ trợ tuy nhiên có thể anh Danh hiểu lầm. Bị cáo hứa với anh Danh nhưng các hỗ trợ được thực hiện trước đó rất lâu chứ không phải thời điểm Công ty Trung Dung vay thì hỗ trợ - Thắm giải thích.
“Bị cáo không nợ nần gì anh Danh, bà Phấn nên không thể cho vay sai được. Anh Danh với bà Phấn chỉ là bạn bè thôi, chứ không phải thân thiết, ruột thịt gì với bị cáo”.
Nói về khoản vay 500 tỷ đồng, Nguyễn Quỳnh Mai (Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp Oceanbank) cho biết trong quá trình thẩm định hồ sơ có nhận thấy rủi ro do việc tài sản đảm bảo không đúng quy định. Tuy nhiên, Mai chỉ trình Hội đồng tín dụng xem xét chứ không đề xuất gì. Cùng nhận ra tài sản thế chấp của Công ty Trung Dung không đảm bảo khoản vay 500 tỷ đồng là Trần Quang Tuấn (Phó phòng quan hệ khách hàng Oceanbank). Tuy nhiên Tuấn cũng chỉ trình lên trên để xin đề xuất. Lý giải về hành động này, Tuấn cho rằng kiến nghị của Hội đồng tín dụng là cao nhất.
Đại diện Oceanbank đề nghị HĐXX xem xét, buộc Công ty Trung Dung và các bị cáo có liên quan phải liên đới chịu trách nhiệm về số tiền 500 tỷ đồng cả gốc và lãi phát sinh. Ngoài ra, họ còn đề nghị làm rõ trách nhiệm liên quan của Ngân hàng Xây dựng liên quan đến cam kết 3 bên giữa Công ty Trung Dung, Ngân hàng TMCP Đại Tín và Oceanbank. "Chúng tôi đề nghị được tiếp tục duy trì kê biên đối với các tài sản mà các bên đã thế chấp và tuyên buộc 5 cá nhân là người cuối cùng nhận số tiền này phải trả lại số tiền này”, đại diện Oceanbank nói.
Ông Phạm Công Danh đến tòa ngày 29/8. |
Trước khi bị cáo Hà Văn Thắm trả lời, hai bị cáo Trần Văn Bình (sinh năm 1966), nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Trung Dung và Phạm Công Danh (nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) lần lượt trả lời nhiều câu của HĐXX.
Ngồi nghe Phạm Công Danh trình bày, Thắm tỏ vẻ bồn chồn. Cựu Chủ tịch Oceanbank liên tục xoa đùi, vuốt mặt, đan tay vào nhau. Trong tòa, Thắm ngồi ngay phía sau vành móng ngựa, cách vị trí Danh đứng khoảng 2 m.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong giờ nghỉ giải lao, Hà Văn Thắm đứng dậy nói chuyện khá thoải mái. Trái với tâm trạng của Thắm, các bị cáo Phạm Công Danh, Trần Văn Bình, Nguyễn Minh Thu chỉ im lặng.
Phiên tòa sẽ tiếp tục diễn ra sáng mai, 30/8.