Ngày 5/2, đề tài nghiên cứu khoa học tên Replying ‘Haha So True!’ to Every Meme Your Friend Sends: An Experimental Study in Preserving Social Bonds with Minimum Effort (tạm dịch: Trả lời 'Haha thật nha!' cho mọi meme bạn bè gửi: Một nghiên cứu thực nghiệm về việc duy trì mối quan hệ xã hội với nỗ lực tối thiểu) lan truyền, thu hút sự chú ý trên mạng xã hội.
Đề tài này được trang Journal of Astrological Big Data Ecology đăng tải với tác giả được liệt kê là "Tiến sĩ Rajesh Koothrappali (Khoa Tâm lý học tối thiểu, IIB, New Delhi, Ấn Độ), và Tiến sĩ Appu Nahasapeemapetilon (Phòng thí nghiệm tình bạn bán chú ý, ngay đối diện IIB, New Delhi, Ấn Độ)".
Bài đăng cho biết trong thời đại mà các mối quan hệ xã hội được duy trì thông qua các tương tác kỹ thuật số, việc hiểu được vai trò của các phản hồi tối giản để duy trì tình bạn đã trở nên rất quan trọng. Đề tài nhằm khám phá hiệu quả của cụm từ "Haha So True!" - một dấu hiệu của sự tương tác không cần nỗ lực - trong việc duy trì và thậm chí có thể củng cố kết nối giữa các cá nhân.
Về phương pháp, nhóm chọn ngẫu nhiên 150 người tham gia để đo lường hiệu ứng của các phản hồi "Haha So True!" đối với các meme (nội dung chế), so với các phản hồi khác nhau như "OMG LMAO" và "LOL, I just snorted coffee" đòi hỏi nỗ lực cao hơn đáng kể.
"Kết quả cho thấy 'Haha So True!', mặc dù bản chất chỉ gồm hai từ khiêm tốn, nhưng có khả năng cạnh tranh đáng ngưỡng mộ với các phản hồi đòi hỏi nỗ lực cao trong việc giữ cho bạn bè hài lòng, giảm bớt cảm giác tội lỗi và thể hiện cảm xúc 'Tôi có sự quan tâm... vừa đủ'", bài đăng này viết.
Đề tài này được cho "dựa trên lý thuyết về tương tác ít nỗ lực (low-effort interactions) do nhà khoa học quyết định người Ấn Độ Faltu Singh tiên phong", đưa ra giả thuyết rằng 'Haha So True!' có thể là công cụ kỹ thuật số tối ưu để duy trì tình bạn thông thường và đã chứng minh giả thuyết này là đúng.
Những điểm đáng ngờ
Bài đăng trên Journal of Astrological Big Data Ecology nhanh chóng viral khắp cõi mạng. Bài chia sẻ của một fanpage Việt Nam về nội dung này đã nhận được hơn 17.000 lượt tương tác (chủ yếu là "haha") trên Facebook.
Nhiều người nhanh chóng để lại bình luận "haha so true" hay "haha ê thật nha" để "áp dụng nghiên cứu" dưới bài đăng. Bên cạnh đó, các ý kiến khác tỏ ra thích thú với đề tài nghiên cứu này: "Vừa thể hiện bạn đã xem, đã hiểu, đã cười và đã rep", "Tự nhiên thấy nghiên cứu khoa học cũng vui", "Đọc giải trí lắm", "Văn mẫu giữ chuỗi".
Một bài đăng được cho trích dẫn "nghiên cứu khoa học" về tình bạn nhưng có nhiều điểm đáng ngờ. |
Tuy nhiên, phần đông vẫn tỏ ra nghi ngờ về mức độ uy tín của "nghiên cứu khoa học" này. Sự ngờ vực là hoàn toàn có cơ sở khi Tri Thức - Znews đã tìm thấy các điểm đáng ngờ, sai lệch trong bài đăng lan truyền.
Đầu tiên, Journal of Astrological Big Data Ecology vốn đã tự giới thiệu mình là một blog chuyên đăng các bài viết học thuật châm biếm, tin giả hài hước. Trang này nhấn mạnh rằng nội dung của họ là giả tưởng và nhằm mục đích giải trí. Vì vậy, không nên lầm tưởng các bài đăng trên trang là nghiên cứu khoa học chính thống, uy tín.
Thứ hai, cả hai tác giả và tổ chức được liệt kê đều là hư cấu, không thể tìm thấy thông tin trên Internet.
Thứ ba, phương pháp nghiên cứu có vấn đề: "Triple-blind" (thậm chí cả người đánh giá cũng không biết gì), tuyển chọn mẫu bằng trò "kéo-búa-bao".
Thứ tư, cách đo lường thiếu khoa học: Dùng các chỉ số mơ hồ như "Perceived Enthusiasm Coefficient" với emoji được thiết kế trên Canva.
Cuối cùng, ngôn ngữ mang tính giễu cợt: Chứa nhiều lời đùa cợt về quy trình nghiên cứu và học thuật.
Kiểu bạn bè không cần nỗ lực
Tuy nhiên, lý thuyết nền tảng của được liệt kê trong bài đăng - low-effort interactions - không phải là thứ hoàn toàn không có thật (dù tên người đề xướng nhiều khả năng là hư cấu). Thời gian gần đây, mạng xã hội thường đề cập đến khái niệm "low maintenance friendships" (tình bạn ít duy trì) có thể hiểu là một kiểu bạn bè không cần đầu tư quá nhiều công sức, nỗ lực, thời gian cho nhau mà vẫn có thể duy trì mối quan hệ.
Có vô số bài viết và bài đăng trên mạng xã hội ca ngợi những lợi ích của kiểu tình bạn này, với một số bài khuyến khích mọi người "gắn thẻ người bạn thân ít cần chăm sóc của họ". "Hãy bình thường hóa tình bạn ít cần chăm sóc", người dùng TikTok @jlueche nói trong một video có hơn 31.000 lượt thích.
Trong khi hầu hết bình luận đều khen ngợi, không phải ai cũng chia sẻ quan điểm này. "Thành thật mà nói, mọi người lấy lý do là bạn bè dễ tính để trở thành bạn bè tệ hại", một người dùng TikTok đã bình luận.
Chuyên gia về tình bạn khuyến cáo mọi người không nên tô hồng khái niệm "tình bạn không cần bảo trì". |
Danielle Bayard Jackson, chuyên gia về tình bạn, cho rằng tình bạn không cần bảo trì là một điều "nguy hiểm" để tô hồng. Bà nói rằng điều quan trọng là phải xác định chính xác điều gì khiến một tình bạn trở nên "không cần bảo trì" hoặc "không cần nỗ lực".
"Tôi có thể đánh giá cao sự nỗ lực thấp theo nghĩa là tôi không cố gắng đeo mặt nạ, hoặc không biểu diễn trong tình bạn này, hoặc khi có một sự thoải mái nhất định". Tuy nhiên, như Bayard Jackson chỉ ra, cách tình bạn không cần bảo trì thường được thảo luận trực tuyến liên quan nhiều hơn đến tần suất chúng ta quan tâm đến bạn bè của mình. Bayard Jackson lập luận rằng điều này có vấn đề, vì nó có thể dẫn đến tình huống một người bạn phải làm tất cả công việc để duy trì mối quan hệ, trong khi người còn lại không nỗ lực gì.
Bà nói rằng "chúng ta nên tò mò về nỗ lực mà người kia đang bỏ ra và liệu họ có cảm thấy hài lòng hay không".
Theo Bayard Jackson, việc bình thường hóa giao tiếp/tiếp xúc tối thiểu với bạn bè đang góp phần thúc đẩy sự cô lập lan rộng. Bà nói: "Tôi không nghĩ rằng việc chúng ta đang sống trong đại dịch cô đơn là sự trùng hợp ngẫu nhiên và mọi người cũng đang khoe khoang về việc có những mối quan hệ mà họ không phải làm bất cứ điều gì".
Dữ liệu gần đây cho thấy mọi người đang có ít tình bạn thân thiết hơn trước đây. Ví dụ, tại Mỹ, tỷ lệ những người nói rằng họ không có bạn thân nào đã tăng từ 3% vào năm 1990 lên 12% vào năm 2021.
"Nếu bạn đạt được điều mình muốn từ mối quan hệ, thì không có vấn đề gì cả. Nhưng nếu bạn đồng thời nói về việc muốn có mối quan hệ sâu sắc hơn, hoặc cảm thấy không được nhìn nhận trong tình bạn của mình..., tôi nghĩ rằng bạn nên xem xét lại thái độ của mình đối với những tình bạn ít cần duy trì", Bayard Jackson nói.
Thực tế, chưa tìm thấy nghiên cứu khoa học nào nói về cụm "Haha So True!". Một số bài báo từng đề cập đến phản ứng "haha" trong tin nhắn và tác dụng của nó với giao tiếp giữa bạn bè, nhưng đó không phải là nghiên cứu khoa học. Trong bài viết quan điểm cá nhân The Best Way to Respond to Text Messages (tạm dịch: Cách tốt nhất để trả lời tin nhắn văn bản) trên The New York Times năm 2021, tác giả Todd Levin đã viết: "Tapback 'HA HA' đứng một mình. Không ngoa khi nói rằng nó đã cứu vãn được nhiều tình bạn của tôi".
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.