Thai phụ ở Hà Nội bị vỡ ối khi song thai mới 26 tuần tuổi, bác sĩ buộc lấy một bé ra ngoài để chăm sóc đặc biệt. Ảnh: BVCC. |
Chị L.T.H. (26 tuổi) mang song thai một bé trai và một bé gái nhờ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) . Niềm vui chưa trọn, đến tuần thai thứ 24, chị H. bắt đầu có dấu hiệu đau tức bụng và ra dịch nhầy, cổ tử cung mở.
Bác sĩ chỉ định khâu cổ tử cung cho thai phụ. 6 ngày sau, vết khâu bị hở nên chuyển chị H. đến khoa Sản bệnh A4, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, điều trị.
Sau khi thăm khám, bác sĩ Nguyễn Biên Thùy, Phó trưởng khoa Sản bệnh A4, xác định một thai nhi đã vỡ ối và có dấu hiệu nhiễm khuẩn, buộc phải cho bé trai chào đời ở tuần thai thứ 26 với cân nặng 730 g. Bé được chuyển đến khoa Sơ sinh để hồi sức và chăm sóc đặc biệt.
Bác sĩ Thùy chia sẻ quyết định giữ lại thai nhi thứ hai đối mặt với nhiều thách thức do nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Nếu phải sinh quá sớm, trẻ có thể gặp di chứng nặng nề về thần kinh, phổi, mắt, thậm chí nguy cơ tử vong.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định áp dụng phác đồ kháng sinh mạnh, kết hợp sát khuẩn, xét nghiệm hàng ngày và theo dõi sát sao để giữ bé còn lại trong bụng mẹ.
May mắn, chỉ sau 1 tuần, cổ tử cung dần đóng lại, các dấu hiệu nhiễm khuẩn giảm hẳn và thai nhi tiếp tục phát triển ổn định trong bụng mẹ.
Đến tuần thai thứ 31, sản phụ xuất hiện dấu hiệu tiền sản giật nặng, buộc bác sĩ phải quyết định mổ lấy thai để đảm bảo an toàn. Ca mổ diễn ra thành công, bé gái chào đời nặng 1,2 kg và được chuyển đến khoa Sơ sinh để chăm sóc đặc biệt.
Sau một tháng, bé gái khỏe mạnh, tăng cân lên 2,5 kg và được xuất viện về với mẹ. Bé trai tiếp tục theo dõi tại khoa, phát triển tích cực, cân nặng tăng từ 730 g lên 2,3 kg.
Mang đa thai sau thụ tinh ống nghiệm tiềm ẩn nhiều rủi ro. Người mẹ dễ gặp các biến chứng như sảy thai, sinh non, thiếu máu, tăng huyết áp, tiểu đường, băng huyết. Thai nhi sinh non tháng, nhẹ cân thường đối mặt với các vấn đề về hô hấp, nhiễm trùng sơ sinh, xuất huyết não, vàng da và bệnh lý võng mạc.
Ngoài ra, cặp song sinh chào đời từ can thiệp y khoa có nguy cơ dị tật bẩm sinh cao gấp đôi bình thường, bao gồm bệnh nứt đốt sống, khuyết tật ống thần kinh. Một số thai nhi còn có nguy cơ mắc hội chứng truyền máu song thai, xoắn hoặc thắt nút dây rốn, gây tử vong trong bụng mẹ.
Các bác sĩ khuyến cáo thai phụ mang đa thai cần được quản lý thai kỳ tại các cơ sở chuyên khoa uy tín để theo dõi toàn diện, phát hiện sớm bất thường và có kế hoạch điều trị phù hợp, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Trẻ em không phải sinh ra đã khỏe mạnh về cảm xúc, trẻ phải được tôi luyện. Trẻ cần được nuôi dưỡng và dạy bảo các kỹ năng xác định cảm xúc của mình và thể hiện ra theo cách tích cực, từ đó, trẻ có thể kết nối với những người khác theo cách thông minh về cảm xúc.
Cuốn sách Đứa trẻ khỏe mạnh về cảm xúc mang tới cái nhìn toàn diện hơn về vai trò của việc giáo dục trong quá trình định hình tính cách của con trẻ. Trong hành trình nuôi dưỡng một đứa trẻ việc xây dựng một thế giới tinh thần phong phú, quan trọng không kém gì quá trình phát triển về thể chất.