Sáng 30/4, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho hay đơn vị này vừa công bố hai bệnh nhân Covid-19 có tình trạng nặng khỏi bệnh. Đó là ông Đ.H. (65 tuổi, ở xã Tiến Thắng, Mê Linh, Hà Nội) và bà P.T.Th. (65 tuổi, trú tại xã Hưng Đạo, Chí Linh, Hải Dương), nhiễm nCoV trong đợt dịch bùng phát tại Hải Dương. Trước đó, hai người này đều được điều trị tại khoa Hồi sức tích cực hơn 2 tháng.
Theo bác sĩ Trần Văn Kiên, khoa Hồi sức tích cực, hiện tại, ông H. có thể sinh hoạt bình thường trở lại, được về cách ly tại nhà. Bệnh nhân Th. vẫn cần hỗ trợ do hô hấp còn yếu. Bà được chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương theo dõi thêm.
Trước đó, bệnh nhân H. nhập viện khoa Cấp cứu ngày 1/2. Chỉ hai ngày, ông H. được chuyển điều trị khoa Hồi sức tích cực. Thời điểm này, bệnh nhân đã phải thở máy xâm nhập 7 ngày, tuy nhiên, tình trạng phổi không có xu hướng cải thiện.
Bệnh nhân H. được xác định tổn thương trên 70% phổi, bị tiểu đường, nhiễm thêm vi khuẩn đa kháng. Các bác sĩ lập tức can thiệp ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo) cho người bệnh, mục đích hỗ trợ hô hấp hoàn toàn, chuyển sang chế độ phổi nghỉ. Sau 23 ngày, bệnh nhân dừng can thiệp ECMO, chuyển về thở máy, sau đó cai thở máy, tập hồi phục chức năng.
Hai bệnh nhân Covid-19 nặng cuối cùng trong đợt bùng phát từ Hải Dương đã xuất viện ngày 29/4. Ảnh: BVCC. |
“Hơn 2 tháng qua, bệnh nhân được theo dõi rất sát sao, trong đó, thời điểm chạy ECMO là những ngày vất vả nhất. Ông có các dấu hiệu rối loạn về điện tim đồ, tuy nhiên, sau khi được điều chỉnh điện giải và hỗ trợ các thuốc tim mạch, tình trạng đã ổn định trở lại”, bác sĩ Kiên cho hay.
Ông H. nhiễm nCoV từ con trai làm tại Nhà máy Z153. Thời điểm nhập viện, ông ho nhiều và cơ thể mệt mỏi, lịm dần. Gia đình ông ghi nhận tổng cộng 4 người mắc Covid-19. Những người còn lại cũng đều phải điều trị ở các bệnh viện khác nhau. Do đó, khi ông H. xuất viện, họ mới có cơ hội đoàn viên, sau thời gian ăn Tết xa nhà.
Trong khi đó, bà Th. nhập viện ngày 12/2, chuyển lên khoa Hồi sức tích cực sau đó 3 ngày. Tình trạng suy hô hấp của người phụ nữ 65 tuổi diễn biến nhanh dù không mắc bệnh nền.
Theo bác sĩ Kiên, bà Th. bị tổn thương phổi trên 80%, xơ rất nhiều, chủ yếu ở vùng ngoại vi lan vào. Các bác sĩ đã cho bệnh nhân thở HFNC (máy thở oxy cao dòng). Do đáp ứng điều trị chậm, bệnh nhân phải thở oxy cao dòng hơn 30 ngày, tình trạng mới có thể ổn định.
Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tính đến hết ngày 29/4, cơ sở y tế này còn điều trị cho 45 bệnh nhân Covid-19.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.