Sinh sống và làm việc tại tỉnh Sơn La, chị Phạm Nga và chồng vẫn đi làm trong thời gian các con ở nhà nghỉ phòng dịch. Không có bố mẹ ở bên cạnh thường xuyên, hai con của chị Nga đã tự chăm sóc bản thân và học trực tuyến ở nhà.
Con gái lớn của chị, Đinh Hương Giang, đang học lớp 6, đã biết nấu ăn, phụ giúp mẹ chuẩn bị bữa cơm cho cả gia đình và chăm sóc em trai nhỏ (4 tuổi rưỡi), để mẹ yên tâm làm việc.
Chị Phạm Nga và con gái của mình. Ảnh: NVCC. |
Cho con phụ giúp việc nhà
Thời gian dịch Covid-19, công việc ở tòa án của chị Nga vẫn diễn ra bình thường. Chồng của chị làm ở bệnh viện nên bận rộn hơn. Tuy cơ quan làm việc chỉ cách nhà khoảng 1 đến 2 km, chị Nga vẫn không yên tâm vì hai con nhỏ phải tự chăm sóc nhau lúc bố mẹ đi làm.
Thời gian đầu, khi các con được nghỉ phòng dịch, chị Nga đã nhờ bà nội xuống để chăm sóc hai cháu. Sau đó, do bà nội còn phải trông nom thêm một cháu nhỏ tuổi hơn, nên không thể thường xuyên chăm hai con của chị.
Đi làm, nữ phụ huynh đã cho con sử dụng điện thoại, để khi có chuyện gấp, có thể xin phép cơ quan về nhà liền với con. Chị Nga cũng nhờ cụ ông và cụ bà ở nhà bên cạnh thường xuyên sang kiểm tra các con như thế nào.
Bé Đinh Hương Giang, con gái chị Nga đã biết nấu ăn từ khi học lớp 5. Ảnh: NVCC. |
Ba mẹ vắng nhà, Hương Giang và em trai đã tự chăm sóc nhau. Dựa trên kinh nghiệm cùng mẹ nấu ăn, khoảng thời gian nghỉ dịch, con gái lớn của chị Nga đã tự chuẩn bị bữa cơm cho gia đình, đợi bố mẹ tan ca buổi trưa về nhà thưởng thức.
"Tôi không bảo con nấu ăn. Trước đây, mỗi khi tan ca, 11 giờ trưa, tôi sẽ về nhà và nấu ăn cho cả gia đình. Thời gian nghỉ dịch, con gái thấy tôi đi chợ sớm có để sẵn đồ ăn trong tủ lạnh, nên đã tự nấu ăn cho bố mẹ", chị Nga nói.
Ban đầu, thấy con muốn nấu ăn, nữ phụ huynh đã có suy nghĩ sẽ ngăn cản, sợ con gặp nguy hiểm khi vào bếp. Tuy nhiên, vì thấy con thích công việc này, chị Nga đã đồng ý và thiết kế lại các dụng cụ nấu ăn, để đảm bảo an toàn cho con.
"Bữa cơm đầu tiên con nấu, tôi rất bất ngờ. Khi bố mẹ đi làm về, con gái đã dọn cơm trên bàn rồi. Hôm đó, con nấu món giá xào với thịt và canh rau ngót. Hai vợ chồng nhìn nhau, xúc động và cảm thấy con đã trưởng thành. Tôi cũng yên tâm phần nào và nghĩ là con đã biết tự lập, yêu thương bố mẹ và muốn giúp bố mẹ trong việc nhà. Đó cũng là niềm động viên rất lớn đối với tôi", chị Nga chia sẻ.
Từ những món ăn đơn giản được mẹ hướng dẫn, Hương Giang đã biết chế biến thêm nhiều món phức tạp hơn. Các món ăn mà nữ sinh lớp 6 thực hiện đều dựa trên kinh nghiệm khi cùng mẹ vào bếp.
"Đối với tôi, tất cả món ăn do con nấu đều là những bữa cơm ngon nhất mà tôi từng thưởng thức", chị Nga nói.
Nữ phụ huynh không ép con gái phải nấu ăn thường xuyên, mà cho con được thoải mái làm điều mình thích. Khi phải trông em hoặc học trực tuyến, không thể nấu ăn phụ mẹ, Hương Giang sẽ cắm cơm trước, nhặt rau hoặc chuẩn bị nguyên liệu để mẹ về chế biến.
Những món ăn mà con gái chị Nga đã nấu. Ảnh: NVCC. |
Kiểm soát việc con sử dụng thiết bị điện tử
Thời gian nghỉ ở nhà, con gái của chị Nga đã tự đăng ký khóa học Tiếng Anh online. Đối với cậu con trai hơn 4 tuổi, chị Nga dựa trên mong muốn của con, đăng ký hai lớp học Toán và Tiếng Anh trực tuyến. Vì con phải sử dụng thiết bị điện tử khi học tập, trong lúc bố mẹ không bên cạnh, chị Nga lo lắng về việc con phải tiếp xúc với các thiết bị này.
Nữ phụ huynh đã thực hiện nhiều giải pháp khác nhau để con sử dụng thiết bị điện tử hiệu quả. Cụ thể, mỗi khi con học online, chị Nga sẽ nhờ bà nội xuống kèm cháu học bài. Đối với điện thoại di động, trước khi đưa cho con sử dụng, nữ phụ huynh đã đồng bộ với điện thoại của mình.
Ngoài ra, chị Nga cũng sử dụng phần mềm đóng băng để hạn chế những nội dung độc hại, không phù hợp với lứa tuổi của con. Khi con sử dụng máy tính, nữ phụ huynh cũng thường xuyên kiểm tra lịch sử truy cập.
Với những giải pháp của mình, chị Nga tự tin là bản thân có thể kiểm soát việc sử dụng thiết bị điện tử của con.
"Tôi thường chỉ ra những nội dung mà con có thể xem và cách để con chắt lọc thông tin. Bởi vì việc cấm đoán con trẻ sử dụng các thiết bị điện tử là không thể. Các con bắt buộc phải sử dụng để học tập", nữ phụ huynh nói.
Trước đây, mỗi cuối tuần, hai vợ chồng chị Nga sẽ đưa con lên trung tâm thành phố để vui chơi. Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp, kế hoạch này của gia đình không thể thực hiện. Tận dụng khuôn viên nhà ở, nữ phụ huynh đã mua thêm đồ chơi để con có thể giải trí và hoạt động ngoài trời sau thời gian học tập.
"Điều quan trọng nhất là bố mẹ phải thường xuyên suy nghĩ về con mình, xem con ở độ tuổi nào, sở thích của con là gì, và giai đoạn phát triển hiện tại của con ra sao. Nếu sở thích của con là chính đáng, bố mẹ nên tìm cách giúp con phát huy sở thích đó, tìm ra cách để con vừa học vừa chơi với sở thích của mình. Đối với tôi, nguyên tắc cơ bản nhất khi giáo dục con là tôn trọng và lắng nghe để thấu hiểu", chị Nga nói.