Công trình nghiên cứu máy in 3D siêu rẻ đã gây ngỡ ngàng cho cả ban tổ chức, giám khảo khi chỉ thực hiện vỏn vẹn trong thời gian một tháng 5 ngày. Chủ nhân của sáng kiến này là 2 học sinh lớp 9 Trần Phạm Khánh Duy và Đặng Hoàng Minh Nhật, đến từ trường THCS Vân Đồn.
Theo nhóm nghiên cứu, in 3D được mệnh danh là công nghệ của tương lai. Từ khi được tạo ra, công nghệ in 3D đã vượt qua mọi giới hạn, thực hiện hóa rất nhiều ý tưởng của con người. Công nghệ in 3D được phổ biến rộng rãi trong trong các lĩnh vực như: Y tế, giáo dục, nghệ thuật, kiến trúc… Tuy nhiên, giá thành của chiếc máy này khá cao.
Máy in 3D siêu rẻ của 2 học sinh lớp 9. Ảnh: Người Lao Động. |
Theo Trần Phạm Khánh Duy, trên thị trường, loại máy này có giá từ 10 triệu đồng trở lên, không phù hợp điều kiện kinh tế của các trường THCS.
Trong khi đó, rất nhiều học sinh thật sự cần những vật mẫu sống động hơn là những hình ảnh đơn điệu trong SGK.
Hiểu được nhu cầu đó, Duy cùng Nhật nghiên cứu, lắp ráp máy in 3D phục vụ cho việc dạy học ở trường phổ thông.
Trong quá trình nghiên cứu, các em phải so sánh tính chất vật lý của các vật liệu để định hướng, chọn lựa các loại vật liệu đúng, vừa tiết kiệm nhưng phải bảo đảm được chất lượng của máy in.
Chiếc máy in 3D hiện đại nhưng siêu rẻ đã được ra đời bằng các loại vật liệu... nhôm và sắt, các loại gối đỡ kim loại và dây gút. Chính vì thế, chiếc máy in 3D khi hoàn thành chỉ có giá 4,5 triệu đồng.
Giá thành rẻ, lại tạo ra được những mẫu vật ưng ý trong giảng dạy, học tập nên nhóm nghiên cứu đã đặt tên cho công trình là "Công cụ cho những ước mơ".
Theo nhóm nghiên cứu, với giá thành phù hợp, dự kiến hướng đi của sản phẩm là cung cấp máy in để giáo viên các trường có thể in ra vật mẫu phục vụ cho môn học. Tiết kiệm được chi phí cho các nhà trường.