Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hãi hùng với hậu quả từ những món 'vạn người mê'

Bệnh do ký sinh trùng hầu hết từ thói quen ăn uống. Dù đã được truyền thông, không ít người dân vẫn vô tư ôm ấp vật nuôi, ăn gỏi và các món "đặc sản" tươi sống.

Mẫu vật gan người nhiễm sán được thu thập tại huyện Nghĩa Hưng (tỉnh Hà Nam Ninh, nay là tỉnh Nam Định) năm 1990 và trưng bày trong bảo tàng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương. Ảnh: Việt Linh.

Chúng ta thường nghĩ rằng cuộc sống hiện đại sẽ không còn tồn tại những sinh vật ký sinh sống bám trong cơ thể người. Nhưng thực tế, giòi ký sinh ở hốc mũi, búi giun trong ruột hay sán lá lỗ chỗ khắp lá gan... là những hiện tượng "hãi hùng" có thật.

Giun sán vốn là những sinh vật rất nhỏ bé. Chúng lây nhiễm vào cơ thể con người thông qua vật chủ trung gian (động vật gần gũi với con người như chó, mèo) và thói quen ăn uống. Cũng từ đây, sự sinh sôi nở rộ của chúng diễn ra ngày đêm, len lỏi rồi lan đến khắp cơ thể.

Bệnh nặng chỉ vì thích ăn "đặc sản"

Bác sĩ Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Hà Nội, cho biết từng tiếp nhận điều trị cho người đàn ông nhiễm rất nhiều loại giun sán chi chít trong cơ thể, thậm chí ở cả não và cơ.

Người đàn ông trung niên ở Vĩnh Phúc đến khám bệnh vì có dấu hiệu đau đầu, chóng mặt, kéo dài một tuần.

Trước đó, bệnh nhân đã có 3 đợt điều trị sán cơ và sán não. Thói quen ăn đồ tái, sống khó bỏ chính là con đường đưa các loại giun sán thâm nhập vào cơ thể.

Cuối tháng 3, các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản - Nhi Quảng Nam cũng "hãi hùng" khi kiên trì gắp ra đến 60 con giun đũa trong đường ruột của bệnh nhi 4 tuổi. Các bác sĩ đã tốn hơn một giờ để có thể lấy hết số ký sinh trùng này ra khỏi cơ thể cháu bé.

Benh do ky sinh trung anh 1

Thói quen ăn tiết canh nhưng cách chế biến không đảm bảo an toàn thực phẩm của người Việt vẫn còn phổ biến. Ảnh: Cleanipedia.

Bác sĩ nhận định nguyên nhân chính khiến giun sán dễ dàng xâm nhập và ký sinh trong cơ thể trẻ là thói quen ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh như thức ăn chưa nấu chín, uống nước chưa đun sôi, không rửa tay sạch sẽ trước khi ăn…

Trường hợp khác là một bệnh nhân thói quen ăn uống cẩn thận hơn, không hề ăn tiết canh. Thế nhưng, người đàn ông này được các bác sĩ khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chẩn đoán nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn.

Cố gắng suy nghĩ lại, anh nhớ ra trước thời điểm nhập viện 3 ngày có tham gia đụng lợn. Trong quá trình mổ lợn và chế biến, bệnh nhân bị đứt tay, sau đó có dùng tay bốc ăn một miếng thịt.

Theo bác sĩ Thiệu, không chỉ do ăn các món tái, sống, bệnh liên cầu lợn còn lây truyền qua các tổn thương, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín.

Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng sinh, chống viêm, truyền dịch và bổ sung điện giải. Sau 3 ngày, bệnh nhân hết sốt và khỏe lại. Theo bác sĩ Thiệu, đây là ca bệnh khá may mắn vì sớm hồi phục.

Benh do ky sinh trung anh 2

Một búi giun đũa người với số lượng lên đến hàng trăm con được phát hiện và thu thập năm 1998 được trưng bày tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương. Ảnh: Việt Linh.

Đừng chủ quan

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, TS.BS Đinh Tuấn Đức, Trưởng khoa Điều trị, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, nhắc đi nhắc lại nỗi trăn trở về tình trạng nhiễm các căn bệnh ký sinh trùng hiện nay ở người dân.

Theo ông, hầu hết, bệnh do ký sinh trùng đều từ thói quen ăn uống của người dân, dù đã được truyền thông nhiều nhưng họ vẫn vô tư chơi đùa, ôm ấp vật nuôi, ăn gỏi sống, rau sống…

PGS.TS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh Trùng, Viện Sốt rét - Ký sinht trùng - Côn trùng Trung ương, cũng cho rằng nhiễm giun sán khó nhận biết nhưng hậu quả rất nặng nề. Chúng thường gây rối loạn tiêu hóa, ngứa ngáy, suy kiệt sức khỏe...

Tình trạng nặng có thể dẫn đến mù mắt, áp xe gan, áp xe phổi, thủng ruột, viêm phúc mạc, phù não, viêm não, xuất huyết não, liệt nửa người... Bệnh ký sinh trùng đường ruột như giun đũa, giun móc, giun kim, điều trị đơn giản.

Benh do ky sinh trung anh 3

TS.BS Đinh Tuấn Đức, Trưởng khoa Điều trị, Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, Viện Sốt rét - Ký sinht trùng - Côn trùng Trung ương, thăm khám cho bệnh nhân bị sán não. Ảnh: Việt Linh.

Tuy nhiên, với ký sinh trùng ở phủ tạng, việc điều trị khó. PGS Dũng phân tích ấu trùng sán lợn lên não, ấu trùng giun đũa chó mèo ở trong gan hay khắp cơ thể, việc điều trị phụ thuộc vào đáp ứng của cơ thể mỗi người với thuốc. Trường hợp đáp ứng tốt có thể điều trị 2-3 đợt đã thuyên giảm nhưng cũng có bệnh nhân phải điều trị 5-6 đợt hoặc lâu hơn nữa.

Đồng quan điểm, TS.BS Đinh Tuấn Đức cho hay các thuốc điều trị giun sán hiện không nhiều, đa số người bệnh điều trị nội khoa, dùng thuốc trong dài ngày. Vì thế, bệnh nhân có thể không tuân thủ đầy đủ, chế độ sinh hoạt có bia rượu sẽ ảnh hưởng tác dụng của thuốc.

"Điển hình, một bệnh nhân tôi đang điều trị bệnh sán não đợt thứ 8. Tuy nhiên, bệnh nhân về nhà vẫn sử dụng rượu, không ý thức được độ nguy hiểm của bệnh. Bệnh nhân bị lên cơn co giật, động kinh lại vào viện điều trị. Những bệnh nhân như vậy không hiếm”, bác sĩ Đức nói.

Các chuyên gia khuyến cáo bệnh giun sán nói chung là bệnh mà mọi đối tượng người dân đều có nguy cơ nhiễm. Biện pháp tốt nhất là dùng thực phẩm phải qua chế biến, nấu chín kỹ, uống nước đun sôi để nguội, rửa tay trước khi ăn. Đồng thời, người dân nên định kỳ tẩy giun 6 tháng/lần cho cả người và vật nuôi.

Những lời từ trái tim bác sĩ

Bác sĩ là một công việc bận rộn, nhiều áp lực song không ít "thiên thần áo trắng" làm việc tại bệnh viện vẫn dành tình yêu cho sách, cho việc sáng tác những tác phẩm của riêng mình.

Từ những kiến thức y khoa được chia sẻ một cách dễ hiểu, gần gũi, cung cấp kiến thức chăm sóc sức khỏe uy tín cho độc giả đến những câu chuyện đời, chuyện nghề tự mình chứng kiến và trải nghiệm, nhiều bác sĩ đã tạo nên những cuốn sách giàu giá trị, được đánh giá cao.

Căn bệnh âm thầm từ các món khoái khẩu của người Việt

Nhiều bệnh ký sinh trùng rất phổ biến ở Việt Nam nhưng lại thuộc danh sách bệnh bị "lãng quên" của WHO.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm