Đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM chia sẻ với Zing.vn quan điểm của ông về vấn đề hài kịch, kịch nói miền Nam đang gặp khó khăn trước sự bùng nổ của game show hài truyền hình.
Đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu hiện là Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM. |
Hài kịch không thể chết
- Thưa ông, thời gian qua hài kịch nói riêng và sân khấu nói chung rất khó khăn vì các điểm diễn thu hẹp, khán giả ít dần. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này?
- Nói khó khăn thì sân khấu khó khăn từ xưa rồi nhưng hiện tại mức độ khó hơn trước nhiều bởi sự ảnh hưởng quá lớn của các chương trình truyền hình thực tế. Đây là quy luật phát triển tất yếu của thời buổi công nghệ. Mỗi thời điểm, loại hình này hưng thịnh thì loại hình khác sụt giảm.
Có thể nói, sự khó khăn của sân khấu TP HCM là khó khăn cả khách quan và chủ quan. Việc phủ sóng nhiều các game show hài với sự góp mặt của các danh hài nổi tiếng tất nhiên sẽ thu hút khán giả. Nhu cầu giải trí được các kênh truyền hình đáp ứng nhiều nên khán giả không mặn mà với sân khấu. Mà nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, giải trí hiện nay cũng đòi hỏi cao hơn trước. Khán giả muốn được thỏa mãn cả phần nghe và phần nhìn. Trong khi đó, sân khấu ở TP HCM đều khá cũ, đơn điệu.
Đó là chưa kể nội dung chưa được đổi mới. Bao nhiêu năm qua, đề tài vẫn bấy nhiêu đó, vẫn cách thể hiện cũ.
Lỗi không thể đổ hết cho các game show hài truyền hình.
Nếu không nghĩ ra cách chuyển mình, sân khấu khó đứng vững trong thời buổi này.
- Trước đây, các nhóm hài có thể chạy show trong 40 điểm diễn nhưng hiện nay chỉ còn sân khấu Trống Đồng và 126. Ông nghĩ sao khi nhiều người cho rằng, hài kịch có thể sẽ biến mất trong thời gian tới?
- Sự thu hẹp của sân khấu hài một phần vì sự nở rộ của truyền hình thực tế nhưng cũng vì các nhóm hài đã hết vốn. Bấy nhiêu mảng miếng được sử dụng trong nhiều năm mà không có sáng tạo, biến tấu thì khán giả sẽ nhàm chán. Trong khi đó game show hài được đầu tư sân khấu, cảnh trí đẹp, sự xuất hiện của những nghệ sĩ tên tuổi, lại được chiếu miễn phí, tất nhiên khán giả sẽ chọn game show. Đó là chưa kể sân khấu hài thiếu những tên tuổi lớn xuất hiện.
Nói như thế không có nghĩa là nó sẽ không thể tồn tại bởi nhu cầu giải trí của khán giả vẫn rất lớn. Dù truyền hình thực tế phát triển mạnh đến đâu thì cũng không thay thế được sân khấu. Cảm giác ngồi trước màn hình xem vẫn không thể so sánh được việc trực tiếp xem nghệ sĩ biểu diễn và giao lưu với họ. Vì thế, tôi cho rằng, đây chỉ là một chu kỳ mà sân khấu trùng xuống thôi.
- Nếu so với các bộ môn nghệ thuật khác như cải lương, tuồng chèo được nhà nước hỗ trợ thì hài kịch, kịch nói dường như lại không được ưu ái. Vì sao vậy thưa ông?
- Cải lương, tuồng chèo là những loại hình sân khấu truyền thống, gắn với yếu tố văn hóa của dân tộc. Những bộ môn này được coi là di sản văn hóa phi vật thể của đất nước. Nhà nước đầu tư là muốn lưu giữ văn hóa dân tộc. Còn hài kịch, kịch nói là loại hình nghệ thuật hiện đại. Nhà nước chỉ tạo điều kiện để phát triển. Còn phát triển thế nào thì do chính người làm trong lĩnh vực này quyết định. Có thể nói, việc đó khá sòng phẳng: nếu làm tốt thì khán giả đón nhận, còn không tốt thì phải chấp nhận bị khán giả quay lưng.
Các nghệ sĩ hài trong chương trình Ơn giời cậu đây rồi. |
Hài kịch, kịch nói phải tự thân vận động
- Sân khấu vẫn được coi là thánh đường nghệ thuật, là nơi nghệ sĩ thể hiện tối đa khả năng diễn xuất nhưng hình như nghệ sĩ sân khấu hiện không sống được với nghề nên đành chuyển sang đóng phim và chạy show các chương trình truyền hình thực tế?
- Đó là thực tế, là khó khăn chung của các sân khấu vì không có đội ngũ diễn viên chuyên tâm vào nghề. Những vở kịch trước kia, diễn viên phải tập ròng rã 1, 2 tháng thì nay có khi chỉ tập 1-2 tuần mà thường chỉ là tranh thủ tập sau khi đi đóng phim, quay chương trình. Sự thiếu tập trung sẽ khiến chất lượng vai diễn giảm. Tuy nhiên, diễn viên phải chạy show mới đảm bảo thu nhập, ổn định cuộc sống. Điều này cũng không trách được họ. Nếu không có tiền, ai có thể sống chết với nghề?
Thực tế, mỗi đêm diễn, vất vả khóc cười với nhân vật, diễn viên chỉ nhận vài trăm ngàn, cao nhất là 1 triệu. Mỗi tuần chỉ diễn vào cuối tuần. Thu nhập mọi người có thể nhẩm tính từ sân khấu chắc chắn sẽ không đảm bảo cuộc sống cho diễn viên. Cái khó này như vòng tròn luẩn quẩn, đến nay chưa có lối thoát.
- Nhiều diễn viên hài ít tên tuổi hiện nay không còn sân khấu diễn, nếu có mỗi suất chỉ vài trăm ngàn và một tháng chỉ có 2-3 suất. Hội sân khấu có kế hoạch giúp đỡ họ thế nào?
- Sự phân cấp thu nhập, danh tiếng là quy luật khắc nghiệt của nghệ thuật. Trong nghề này, ai giỏi, ai may mắn và nổi tiếng thì cuộc sống dư dả còn không thì khó khăn. Đa số các diễn viên đều hiểu nghề này khắc nghiệt nhưng vẫn theo đuổi vì quá đam mê. Họ có thể sống thiếu thốn nhưng vẫn không bỏ nghề. Hội sân khấu TP HCM hiện chỉ được nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để hoạt động, còn việc giúp đỡ nghệ sĩ gặp khó khăn thì đa số là nhờ các mạnh thường quân và ưu tiên dành cho nghệ sĩ già, neo đơn.
- Nhiều sân khấu hiện nay kêu gọi sự giúp đỡ của nhà nước để duy trì hoạt động, theo ông đó có phải là giải pháp hiệu quả?
- Theo tôi, đây là giải pháp không khả thi. Trước hết ở vấn đề đầu tư của nhà nước. Hiện nay, sân khấu ở TP HCM đa số thuộc tư nhân, nhà nước đầu tư thì tiền thu lại sẽ thuộc về ai. Đó là chưa kể, với số lượng nhiều sân khấu như thế, nhà nước đầu tư cho ai?Nhà nước không thể đủ điều kiện để làm hết tất cả. Để cứu mình trong thời điểm khó khăn này, tự thân các sân khấu phải tìm cách. Vấn đề sáng tạo, phương thức thể hiện thế nào là do nghệ sĩ.
Các cấp quản lý không thể nghĩ ra.