Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai người đi bộ về Kon Tum, dọc đường được tặng xe đạp, xe máy

Thất nghiệp, hết tiền tiết kiệm, Huyền và Đủ dắt nhau đi bộ về Kon Tum. Trên đường đi, hai em được mọi người giúp đỡ, tặng phương tiện để về tới nhà.

Ngày 1/8, nói với Zing, em Trần Thị Huyền (18 tuổi) và Trần Văn Đủ (17 tuổi, cùng ngụ huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) cho biết sau 3 ngày di chuyển đã về đến địa phương và đang thực hiện cách ly theo quy định.

Huyền chia sẻ cả hai đi làm công nhân tại TP Đồng Xoài (Bình Phước). Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, không có việc làm, tiền tiết kiệm Huyền và Đủ cùng hết.

"Lúc đó chúng em chỉ còn 200.000 đồng. Biết khó lòng cầm cự nếu như ở lại, cả hai bàn nhau về quê. Do các địa phương đều cấm xe khách nên cả hai gói tạm vài bộ quần áo, một ít bánh ngọt rồi dắt nhau đi bộ", Huyền nói.

Cap doi di bo ve que anh 1

Huyền và bạn trai đi bộ được mấy chục km thì được tặng xe đạp. Ảnh: T.L.

Theo Huyền, khi đi bộ được hơn 10 km, cả hai đã mệt lả, ngồi bệt bên vệ đường để nghỉ. Một số người đi đường phát hiện, thương tình nên tặng cho hai em một chiếc xe đạp cũ để làm phương tiện về quê.

Có xe đạp, Đủ và Huyền có thêm động lực về quê nhà. Cả hai thay nhau chở đến chốt kiểm soát dịch Đắk R'tih (TP Gia Nghĩa, Đắk Nông).

Tại đây, do không có giấy xét nghiệm Covid-19, cả hai không được cho qua, phải tá túc lại qua đêm.

Qua trò chuyện, lực lượng chức năng nắm được tình hình khó khăn của hai người. Nhanh chóng, nhiều mạnh thường quân được kêu gọi giúp đỡ. Ngoài thức ăn, hai em còn được giúp đỡ tiền.

“Số tiền các anh chị ủng hộ đủ để chúng em mua chiếc xe máy cũ. Thấy khó khăn, chủ xe còn giảm giá xuống chỉ còn 2 triệu đồng và giúp đổ đầy bình xăng. Chúng em cũng được tạo điều kiện xét nghiệm Covid-19”, Huyền nhớ lại.

Cap doi di bo ve que anh 2

Cả 2 được các mạnh thường quân tặng xe máy để về quê. Ảnh. T.L.

Sau 3 ngày di chuyển từ đi bộ, đến xe đạp rồi xe máy, Huyền và Đủ đã đến địa bàn Kon Tum.

"Không còn sự lựa chọn nào khác, chúng em phải quyết định về quê. Có những lúc em tưởng sẽ không tiếp tục được, may mắn cả hai đã gặp được những anh chị rất tốt, giúp đỡ rất tận tình. Em thật lòng muốn cảm ơn đến mọi người, mong những người có hoàn cảnh khó khăn như chúng em cũng được giúp đỡ như vậy”, em Huyền chia sẻ thêm.

Ngày 1/8, Công an tỉnh Bình Phước cho biết có hàng nghìn người, phương tiện từ TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai tập trung tại khu vực giáp ranh tỉnh để về Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên.

Để giải quyết tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền yêu cầu đối với người dân Bình Phước đã về đến các chốt kiểm soát của tỉnh thì giải quyết cho những người có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 được về nhà.

Theo UBND tỉnh Bình Phước, đây là lần giải quyết cuối cùng của địa phương đối với các trường hợp đang ùn ứ tại 2 chốt trên địa bàn huyện Đồng Phú và Chơn Thành, giáp ranh tỉnh Bình Dương.

Sau ngày 1/8, tỉnh Bình Phước sẽ thực hiện nghiêm theo công điện của Thủ tướng về nguyên tắc “ai ở đâu ở đấy”.

Người đàn ông đi bộ 16 ngày từ Đắk Lắk về Bình Phước để tránh dịch

Vì không có tiền bắt xe từ Đắk Lắk về nhà chị gái ở Bình Phước, anh Trần Văn Khánh đi bộ hơn 180 km trong 16 ngày. Tới Đắk Nông, anh được nhiều người giúp đỡ.

Tây Nguyên

Bạn có thể quan tâm