Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai người mắc bệnh lạ ở Quảng Ngãi đã sử dụng gạo mốc

Sau khi phát hiện hai ca mắc bệnh viêm da dày sừng, các chuyên gia y tế đã về huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) kiểm tra, ghi nhận gia đình bệnh nhân đã sử dụng gạo ẩm mốc.

TS Viên Quang Mai, Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang (Khánh Hòa) cho biết, đoàn công tác của Viện cùng Sở Y tế Quảng Ngãi về xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà kiểm tra - nơi mới xuất hiện hai ca bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân.

Hai benh nhan viem da day sung ban tay,  ban chan su dung gao moc anh 1
Bệnh nhân Đinh Văn Nguyên mắc bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân đang được điều trị ở Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi. Ảnh: Minh Hoàng.

Bước đầu, đoàn công tác ghi nhận gạo dùng nấu ăn hàng ngày của hai bệnh nhân Đinh Văn Nguyên và Đinh Văn Hoa đã bị ẩm mốc, nhiều hạt ố màu đen, điều kiện vệ sinh không bảo đảm.

Tuy nhiên theo ông Mai, chưa đủ chứng cứ khoa học để khẳng định gạo ẩm, mốc là nguyên nhân gây ra bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. "Chúng tôi đang tìm hiểu liệu có sự kết hợp giữa gạo mốc với nhiều yếu tố, tác nhân khác gây bệnh này hay không”, ông Mai nói.

Trước tình hình này, ngành y tế Quảng Ngãi lấy các mẫu gạo, nước… gửi đi xét nghiệm để tiếp tục tìm nguyên nhân gây bệnh. Đồng thời, cơ quan này tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng, tuyên truyền, vận động người dân tổng vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, không ăn gạo bị ẩm mốc...

Hai benh nhan viem da day sung ban tay,  ban chan su dung gao moc anh 2
Các chuyên gia y tế về làng thăm khám cho người dân mắc bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân ở huyện vùng cao Ba Tơ năm 2014. Ảnh: Minh Hoàng.

Về vấn đề này, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã chỉ đạo ngành y tế Quảng Ngãi cùng cơ quan chức năng tăng cường các hoạt động phòng chống hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân.

Theo đó, cơ quan y tế cần giám sát dịch tễ, phát hiện sớm và quản lý hiệu quả các trường hợp bệnh, người có men gan cao và người có nguy cơ mắc bệnh tại cộng đồng; tập trung khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh.

Hướng dẫn người dân thu hoạch, bảo quản và sử dụng gạo bảo đảm chất lượng, phòng tránh nhiễm vi nấm mốc; hướng dẫn người dân ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất để nâng cao thể trạng; giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh nhà ở, cộng đồng và sử dụng nước sạch trong sinh hoạt.

Sau hai năm, ngày 18/8, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi tiếp nhận điều trị hai cha con ông Đinh Văn Nguyên (46 tuổi) và Đinh Văn Hoa (21 tuổi, ngụ thôn Làng Chai, xã Sơn Ba, huyện miền núi Sơn Hà) cùng có hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. 

Hai benh nhan viem da day sung ban tay,  ban chan su dung gao moc anh 3
Xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi - nơi mới xuất hiện hai người dân mắc bệnh viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân. Ảnh: Minh Hoàng.

Viện Vệ sinh - Y tế Công cộng TP HCM từng  công bố kết quả kiểm nghiệm cho thấy, hầu hết mẫu gạo lúa lấy tại huyện Ba Tơ đều nhiễm nấm mốc. Trong đó mẫu lúa lấy ở xã Ba Nam - nơi xuất hiện những ca bệnh mới có độc tố Aflatoxin cao hơn 100 lần cho phép.

Đầu tháng 3/2013, Bộ trưởng Y tế căn cứ kết quả nghiên cứu dịch tễ học can thiệp từ tháng 5/2012 nhận định hội chứng viêm da dày sừng bàn tay bàn chân ở Quảng Ngãi là do độc tố vi nấm, chủ yếu Aflatoxin, do ăn gạo cũ mốc, trên cơ địa người bị thiếu vi chất. 

Thống kê của cơ quan chức năng Quảng Ngãi thời điểm cuối năm 2014, hơn 250 người mắc hội chứng dày sừng bàn tay, bàn chân, 25 người tử vong, trong đó chủ yếu xảy ra ở xã Ba Điền (huyện Ba Tơ). 

Minh Hoàng

Bạn có thể quan tâm