Một ngày sau sự việc Hội đồng thi 59 người phục vụ 1 thí sinh thi Sử tại Nghệ An hay duy nhất một học sinh chọn môn sử tại hội đồng THPT Quang Trung (Hà Nội) được truyền đi, những bình luận của cộng đồng mạng xoay quanh lựa chọn của hai nữ sinh này vẫn chưa hề hạ nhiệt.
Nhiều bạn trẻ dí dỏm gọi Nga và Linh là những "thanh niên cứng của năm" bởi ba lý do sau:
Một mình một hội đồng thi
Đây là sự việc hiếm hoi trong các kỳ thi thi tốt nghiệp, khi một Hội đồng thi có đến hàng chục giám thị, bảo vệ, phục vụ, lực lượng công an, quân đội lại chỉ phục vụ cho duy nhất thí sinh.
Dù chỉ có một mình tại Hội đồng coi thi 59 người, trường THPT Thái Lão, Nghệ An nhưng Nga không hề nao núng, trái lại, cô tỏ ra bình tĩnh trong suốt quá trình làm bài, kết thúc môn thi trước 20 phút so với quy định. Mặc dù khá rụt rè khi tiếp xúc với báo giới nhưng Nga cho biết mình đã làm tốt cả ba câu hỏi.
Hình ảnh một mình làm bài tại hội đồng thi THPT Thái Lão (Nghệ An) của Nga trở thành tâm điểm trên nhiều diễn đàn và các fanpage có hơn một triệu thành viên theo dõi. |
Khánh Linh - thí sinh duy nhất chọn môn Sử tại Hội đồng thi TP Hà Nội lại tự tin đón nhận sự quan tâm của giới truyền thông ngay trước giờ thi. Linh từng khiến gia đình khá lo lắng khi là thí sinh duy nhất của trường chọn thi môn Sử. Nhờ sự động viên của nhà trường, cộng với sức học khá vững của Linh, bố mẹ cô mới an tâm vào quyết định của con.
Khánh Linh là thí sinh duy nhất chọn môn Sử tại hội đồng THPT Quang Trung - Hà Nội. Ảnh cắt ra từ clip. |
Dù chỉ phục vụ một thí sinh nhưng chủ tịch hội đồng coi thi ở các điểm trên vẫn nhắc nhở cán bộ coi thi nên nghiêm túc chấp hành quy chế thi nhưng tránh gây áp lực cho thí sinh.
Như vậy, việc chọn thi môn Sử, làm bài thi một mình giữa hàng chục giám thị của hai nữ sinh diễn ra không hề đơn giản. Nó không chỉ mang lại nhiều áp lực cho bản thân người dự thi mà ngay cả nhà trường, gia đình, những cán bộ coi thi cho Nga và Linh cũng trăn trở, cẩn trọng vì trở thành tâm điểm chú ý của dư luận.
"Sử 12 rất nặng vậy mà hai em vẫn giữ được niềm đam mê với môn học này, tôi rất khâm phục. Học bằng sức của mình, có kiến thức thật sự, biết phát huy môn học thế mạnh là một lợi thế, rất mừng khi các em không chạy theo thị hiếu số đông mà từ bỏ nó đam mê của mình. Chúc các có kết quả tốt trong kì thi tốt nghiệp - đại học" - thành viên Lê An Tuấn động viên hai nữ sinh dũng cảm chọn môn Sử.
Say mê môn học khó
Điều khiến cả Nga và Linh trở thành thí sinh duy nhất của hai Hội đồng thi trên không nằm ngoài lý do: Có tình yêu đặc biệt với Lịch sử - môn học vốn là ác mộng của nhiều học sinh.
Khánh Linh khiến nhiều bạn đồng học ngưỡng mộ khi cho biết kết quả trung bình môn Sử năm lớp 12 cao trên 9, thi thử môn Sử đạt loại giỏi. Nữ sinh tự tin chọn khối C để thi đại học năm nay.
Đoàn Thị Nga cũng không kém cạnh, cô là học sinh giỏi môn Sử của trường. Năm học vừa rồi Nga đại diện cho trường đi thi học sinh giỏi môn Sử và đạt giải khuyến khích tỉnh.
Chính những thành tích tốt trong môn học khó đã trở thành động lực lớn thúc đẩy Nga và Linh kiên định với lựa chọn của mình.
Nga trong phòng thi chiều 3/6. Ảnh: Phạm Hòa. |
"Lúc đầu trường có khoảng 7-8 em đăng ký thi tốt nghiệp môn Sử. Sau đó thấy ít người quá, các em chuyển sang môn tự chọn khác. Riêng Khánh Linh ở lớp 12D1 vẫn quyết tâm chọn môn này" - thầy Đỗ Đức Hòa, hiệu trưởng trường THPT Quang Trung nơi Linh theo học cho biết.
Tự tin với bài làm
"Đề thi có 3 câu thì em làm được cả 3 câu hoàn chỉnh. Em rất tự tin với bài làm của mình" - Nga chia sẻ. Cô cũng cho biết thêm mình cảm thấy buồn vì tình trạng học môn này hiện nay của các bạn. “Hy vọng sang năm sẽ có nhiều thí sinh thi môn Sử hơn” - cô nói.
Cộng đồng mạng chia sẻ thông tin về Khánh Linh và gọi cô là "thí sinh cứng của năm". |
Nụ cười tươi tắn của Linh sau khi kết thúc bài làm. Ảnh Quyên Quyên. |
Trong khi đó, Khánh Linh kết thúc buổi thi đặc biệt với nụ cười rạng rỡ trên môi. Ngay sau khi kết thúc môn Lịch sử, trong vòng vây của đông đảo phóng viên, Thùy Linh vẫn rất tự tin. Cô chia sẻ mình sẽ đạt điểm 10 môn thi này.
Đến chiều nay, khi thí sinh đã trải qua môn Toán, Hóa, Địa, nhưng trên mạng, chủ đề về hai thí sinh thi Sử vẫn nóng.
Các thành viên chia sẻ với nhau, một phần cảm phục sự tự tin của thí sinh đối với môn học khiến bao người... nhức nhối. Một số bày tỏ mong muốn ngành giáo dục có phương thức dạy thú vị hơn để không còn tình cảnh mỗi phòng thi chỉ có một hai thí sinh thi Sử, cổng trường thi đìu hiu.
"Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: Dân ta phải biết Sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Câu nói của Bác đúng mãi trong mọi thời đại. Buồn thay lớp trẻ hiện đại không nhận ra điều đó! Nguyên nhân do đâu và các giải pháp như thế nào? Học phải đi đôi với hành. Phải kết hợp học lý thuyết voi đi tham quan các di tich lịch sử hoặc sáng tạo ra những trò chơi truyền hình ngày càng có nhiều câu hỏi liên quan đến lĩnh vực này. Suốt ngày bắt học sinh thuộc hay tóm tắt ý chính, rồi gạch đầu dòng, chia thành ý. Quá nhàm chán", ý kiến của độc giả Nguyen Sang.
"Càng ngày càng thấy môn Sử bị ghẻ lạnh, rất hiếm thí sinh chọn thi môn Sử. Điều này là đáng buồn và đáng báo động. Như bài báo đã phân tích, một người dân mà không hiểu gì về lịch sử nước nhà thì khó mà nói yêu nước, tự hào dân tộc. Tây họ dù phát triển nhưng môn lịch sử nước họ rất được chú trọng và người dân rất hiểu về lịch sử nước mình", độc giả Trần Thị Kim Luyến bình luận dưới bài viết "Thấy gì qua việc 59 người túc trực một sĩ tử thi Sử?".