Theo Thạc sĩ Tâm lý học, Nguyễn Thị Mai Hương, Giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đối với trẻ bị xâm hại hoặc lạm dụng tình dục, hầu hết những hành vi bất bình thường do hậu quả của sẽ mất đi theo thời gian.
Tuy nhiên bố mẹ và người trong gia đình phải là người giúp cho quá trình phục hồi bằng cách giao tiếp cởi mở với trẻ. Bố mẹ nên cho trẻ biết điều gì đang diễn ra, cho dù các em không biết được chi tiết cụ thể như thế nào. Khẳng định lại cho trẻ biết rằng các em được an toàn và được chăm sóc. Trẻ cần được khuyến kích tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí.
Giáo dục giới tính sớm sẽ giúp trẻ tránh nguy cơ bị xâm hại tình dục. Ảnh: Tribune.
|
“Nói một cách công bằng, không nên tỏ ra quá bảo vệ đối với trẻ sau sự việc đau buồn. Hầu hết trẻ em sẽ thích ứng và vượt qua những khủng hoảng với tình yêu thương và sự hỗ trợ (vừa đủ và đúng cách) của gia đình hay người chăm sóc và bạn bè”, chuyên gia Mai Hương cho biết.
Đặc biệt, cha mẹ cần không ngừng trau dồi, học hỏi kiến thức để cung cấp cho con theo đúng sự phát triển của lứa tuổi. Học cách làm bạn với con để con dễ dàng chia sẻ và khuyến kích con bày tỏ khó khăn của mình. Cha mẹ cũng cần phối hợp với nhà trường trong việc giáo dục giá trị và kỹ năng sống giúp trẻ ứng phó với tình huống xấu nhất.
Giáo dục giới tính sớm cho trẻ
“Trẻ cần được giáo dục giới tính từ mẫu giáo để nhận biết giới tính và cách bảo vệ cơ thể mình, ví dụ như 'quy tắc đồ lót' là một trong những video nên được sử dụng cho các bé, rất khoa học và phù hợp lứa tuổi các con”, thạc sĩ Mai Hương khuyến nghị.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Lan Hải cũng cho rằng giáo dục giới tính sớm cho trẻ nhỏ giúp trẻ tránh bị lạm dụng, xâm hại.
Giáo dục về giới tính cho con với thái độ tự nhiên, ôn hòa, thẳng thắn không nói dối, không cần tỉ mỉ chi tiết. Trả lời cho con một cách rõ ràng, dứt khoát không liên tưởng. Khi giáo dục giới tính không nhất với giáo dục tình dục, vì thế đừng bao giờ coi là quá sớm để bắt đầu dạy về giới tính cho trẻ. Nội dung giáo dục giới tính cần mở rộng theo lứa tuổi. Dạy trẻ cách bảo vệ chính mình với quy tắc“ bàn tay” và “đồ lót”.
Quy tắc bàn tay
1. Ôm hôn: Dùng với người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột.
2. Nắm tay: Với bạn bè, thầy cô, họ hàng.
3. Bắt tay: Khi gặp người quen.
4. Vẫy tay: Nếu đó là người lạ.
5. Xua tay không tiếp xúc, thậm chí hét to và bỏ chạy nếu những người xa lạ mà bé cảm thấy bất an, tiến lại gần và có cử chỉ thân mật.
Quy tắc quần lót:
- Nói với trẻ rằng không một ai có thể được nhìn hay chạm vào vùng kín của bé. Bố mẹ, ông bà chỉ được phép chạm vào khi vệ sinh cho con.
- Nếu bất cứ ai chạm vào “vùng đồ lót” thì con có quyền nói người đó dừng lại. Nếu họ vẫn cứ tiếp tục thì hét lên và bỏ chạy, sau đó kể lại cho người lớn biết.
- Hãy cho trẻ biết rằng cơ thể trẻ thuộc về chính bé. Không ai có quyền làm bất cứ điều gì với cơ thể bé mà khiến bé khó chịu. Nếu ai cố tình, trẻ cần biết nói: “Không”.