Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hai căn bệnh nguy hiểm tấn công 'tinh binh' của phái mạnh

Quai bị và ung thư là hai căn bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng và số lượng tinh trùng của đàn ông.

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng bộ môn Mô - Phôi, Đại học Y Hà Nội; Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, cho hay trong số các nguyên nhân khiến các cặp vợ chồng không có con, 35% do chồng. Nguyên nhân chủ yếu liên quan tới tinh trùng (số lượng và chất lượng).

Dưới đây là hai căn bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh trùng của phái mạnh:

Quai bị

Quai bị là một trong những căn bệnh nguy hiểm ở nam giới. Tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, tiến sĩ Hà cùng đồng nghiệp đã gặp nhiều đàn ông bị quai bị đến khám với chất lượng tinh trùng giảm rõ rệt.

Để tránh trường hợp xấu nhất có thể xảy ra, đặc biệt đối với nam giới trưởng thành, bác sĩ này khuyên những người khi có triệu chứng mắc bệnh quai bị nên đi khám và kiểm tra kỹ lưỡng.

Nếu phát hiện mắc quai bị có biến chứng viêm tinh hoàn, nam giới nên nghĩ tới biện pháp trữ đông tinh trùng tại ngân hàng. Khi có nhu cầu sinh con, họ có thể lấy số tinh trùng này để thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản.

“Tại trung tâm, nhiều trường hợp mắc quai bị đến kiểm tra và gửi tinh trùng. Đối với bệnh nhân mào tinh không còn tinh trùng, chúng tôi phải sinh thiết ống dẫn tinh để tìm tinh trùng, giữ lại “con giống” cho họ”, tiến sĩ Hà chia sẻ.

Thống kê tại trung tâm cho thấy rất nhiều trường hợp nam giới có tinh trùng bất thường, yếu, dị dạng hoặc xuất tinh nhưng không có tinh trùng có tiền sử mắc bệnh quai bị.

Ung thư

Nam giới mắc ung thư cũng cần phải lưu trữ tinh trùng. Theo tiến sĩ Hà, ung thư không làm ảnh hưởng tới tinh trùng, nhưng các biện pháp điều trị căn bệnh này (hóa trị, xạ trị) sẽ tác động trực tiếp và tiêu cực đến chúng. Người bệnh buộc phải giữ lại tinh trùng tốt nhất trước khi tiến hành trị bệnh. Tuy nhiên, điều này chưa được nhiều người nghĩ tới.

Tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Công nghệ mô ghép, tiến sĩ Hà vừa hỗ trợ trữ đông tinh trùng thành công cho một nam bệnh nhân bị ung thư gan.

Người chồng còn khá trẻ, bị ung thư gan giai đoạn nặng. Khi phát hiện bệnh, anh nhất quyết trữ đông tinh trùng để sau này vợ có thể mang bầu. Sau khi lấy tinh dịch thành công, anh mới đồng ý trị bệnh. Hiện, vợ anh đã có bầu nhờ vào mẫu tinh trùng được gửi tại trung tâm. Đứa con là động lực lớn để anh trị bệnh.

truong hop nguy hiem voi tinh trung anh 1
Các mẫu tinh trùng được đông lạnh trong các bình nito lỏng ở nhiệt độ -196 độ C, được đánh số, tên cẩn thận. Ảnh: Việt Hùng.

Theo tiến sĩ Hà, trữ đông tinh trùng là kỹ thuật khá dễ, 23 trung tâm hỗ trợ sinh sản trên cả nước đều làm được. Các quý ông sẽ được làm các xét nghiệm loại trừ bệnh lây nhiễm cũng như đánh giá chất lượng tinh trùng. Sau đó, mẫu tinh trùng được họ tự lấy trong những căn phòng thủ dâm.

Trường hợp không có tinh trùng trong tinh dịch sẽ được bác sĩ sử dụng kỹ thuật chọc từ mào tinh hoặc mô tinh hoàn để lấy tinh trùng.

Tinh trùng nhanh chóng được đặt trong tủ ấm để mẫu ly giải, thông thường khoảng 30 phút. Mẫu tinh trùng được kiểm tra cẩn thận trong phòng lab với điều kiện vô trùng. Mẫu đạt chuẩn có thể đông tinh sẽ được thông báo cho chủ nhân để hoàn thiện hồ sơ trước khi đặt vào bình bảo quản. Đông tinh có thể bảo quản trong nhiều năm. Khi cần, chúng sẽ được rã đông và tiến hành các biện pháp hỗ trợ sinh sản.

Các mẫu tinh trùng được đông lạnh trong các bình nito lỏng ở nhiệt độ -196 độ C, được đánh số, tên cẩn thận. Mỗi đàn ông có thể có nhiều mẫu tinh trùng, tùy thuộc vào số lượng, chất lượng khi lấy.

Tiến sĩ Hà cho biết nam giới có thể lưu giữ tinh trùng vài chục năm, thế giới từng có em bé được thụ tinh thành công từ tinh trùng được bảo quản tới 20 năm.

Tại Việt Nam, chi phí bảo quản tinh trùng rất rẻ. Trong năm đầu tiên, bệnh nhân phải trả 3 triệu đồng và khoảng 1,7 triệu đồng phí duy trì cho mỗi năm.

Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm