Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàn Quốc cố ngăn giới trẻ nói chuyện chèn tiếng Anh

Theo SCMP, tiếng Hàn là niềm tự hào dân tộc lẫn sức mạnh mềm quan trọng của quốc gia. Việc thanh thiếu niên trộn lẫn tiếng mẹ đẻ với tiếng Anh bị coi là làm hỏng ngôn ngữ nước này.

Vì muốn biết thêm về công việc con trai mình làm, bà Cho Mi Hak (66 tuổi) từng lén xem tin nhắn trao đổi của con với bạn bè và đồng nghiệp. Tuy nhiên, bà không thể hiểu đa số từ ngữ trong cuộc hội thoại.

"Tôi không thể dịch nổi hai bên đang nói điều gì, vô số từ lạ xuất hiện, giống như từ viết tắt hoặc kết hợp giữa tiếng Anh và tiếng Hàn", bà nói.

Han Quoc co ngan gioi tre noi chuyen chen tieng Anh anh 1

Konglish - từ kết hợp giữa tiếng Anh và tiếng Hàn - đang càng phổ biến hơn với thế hệ trẻ tuổi ở xứ củ sâm. Ảnh: Reuters.

Sau đó, bà Cho phát hiện được Bepu có nghĩa là bạn thân, Ah-Ah có nghĩa là cà phê Americano pha đá, Inssa là người trong cuộc còn Assa là người ngoài cuộc.

Những từ con trai bà Cho sử dụng được gọi là Konglish - pha trộn giữa tiếng Hàn và tiếng Anh - thịnh hành trong giới trẻ xứ kim chi và xa lạ với thế hệ lớn tuổi hơn.

Trong thời gian dịch bệnh Covid-19, các từ mới tiếp tục ra đời như unsact (thanh toán không tiếp xúc), corona blue (buồn bã, trầm cảm vì dịch), spandemic (các chi phí trong mùa dịch như phí giao hàng).

Đối với lớp trung niên, các từ Konglish hủy hoại tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ họ coi là niềm tự hào dân tộc.

"Nhiều thanh niên bỏ qua các quy tắc chính tả và dùng tiếng lóng mới theo ý thích. Vậy còn gì là ý nghĩa ngày kỷ niệm tiếng Hàn quốc gia ra đời", No Bo-kyun (69 tuổi) phàn nàn.

Với quan điểm tiếng Hàn là một trong những yếu tố cho sức mạnh mềm của đất nước, chính phủ Hàn Quốc đã cam kết can thiệp vào việc sử dụng ngôn ngữ pha trộn.

Han Quoc co ngan gioi tre noi chuyen chen tieng Anh anh 2

Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum không ủng hộ việc nói trộn lẫn hai ngôn ngữ. Ảnh: EPA.

Trong lễ kỷ niệm 575 năm tiếng Hàn vào tuần trước, Thủ tướng Kim Boo-kyum cho biết chính phủ sẽ đi đầu giải quyết chuyện chèn tiếng nước ngoài vào tiếng mẹ đẻ.

"Đất nước sẽ không thể vươn lên top 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới và phát triển thành cường quốc kỹ thuật số nếu không có tiếng Hàn. Kpop và làn sóng Hallyu cũng hưởng lợi lớn từ ngôn ngữ mẹ đẻ để được yêu thích khắp thế giới", thủ tướng phát biểu.

“Chính phủ sẽ nỗ lực để giảm việc dùng từ ngữ nước ngoài và chuyển chúng thành các từ dễ hiểu trong tiếng Hàn".

Kim Seoncheol, một quan chức cấp cao tại Viện Ngôn ngữ Quốc gia Hàn Quốc, cho biết hiện tượng chèn tiếng Anh mang tính hiệu ứng đám đông trong giới trẻ.

"Họ nghĩ rằng Konglish vui và thú vị nhưng thật đáng tiếc khi dùng những từ ngữ vốn không đúng trong tiếng Anh thay vì ngôn ngữ mẹ đẻ thuần túy", Kim nói.

Ngay cả với người trẻ như Hyun Ye Rim (24 tuổi), cô không bắt kịp tiếng lóng của các thanh, thiếu niên khác. Song, cô cho rằng thế hệ lớn tuổi không nên lo lắng về điều này quá nhiều.

Han Quoc co ngan gioi tre noi chuyen chen tieng Anh anh 3

Tiếng Hàn được coi là sức mạnh mềm, góp phần giúp các bộ phim như Squid Game trở nên thịnh hành. Ảnh: Netflix.

“Tôi nghĩ rằng cứ để những người trẻ nói theo cách họ thích vì điều đó tăng cảm giác gần gũi giữa họ, trở thành đặc điểm nhận biết họ với các thế hệ khác", Ye Rim cho hay.

Sự nổi lên của K-pop và K-drama, chưa kể đến những bộ phim nổi tiếng gần đây của Netflix như Squid Game, đã thúc đẩy sự quan tâm của quốc tế đến văn hóa đại chúng Hàn Quốc.

Từ điển tiếng Anh Oxford năm nay đã thêm 26 thuật ngữ tiếng Hàn mới, ví dụ như Hallyu (làn sóng Hàn Quốc), mukbang (video phát sóng ăn uống trước nhiều khán giả), chimaek (ăn gà rán kèm uống bia).

Trong khi đó, hầu hết con phố mua sắm và cửa hàng bách hóa ở Seoul đều được trang trí bằng các bảng hiệu viết bằng từ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Nhiều cái tên trong số chúng viết sai chính tả, trong khi hướng dẫn trên máy bán hàng tự động cũng thường bằng tiếng Anh.

Mặt tối của ngành phẫu thuật thẩm mỹ ở Hong Kong

Theo SCMP, việc bỏ tù các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ ở Hong Kong vì gây ra sai lầm chết người cho thấy sự cần thiết phải siết chặt lại việc quản lý ngành dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp.

Hiền Thy

Bạn có thể quan tâm