Tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Quế, Phó giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Hà Nội), cho biết mỗi chế phẩm máu được bảo quản và lưu trữ ở điều kiện khác nhau. Chế phẩm phổ biến như khối hồng cầu sẽ được bảo quản trong ngân hàng máu với 4-8 độ C, thời gian lưu trữ tối đa 42 ngày.
Việc kéo dài thời gian bảo quản máu sẽ cứu nhiều bệnh nhân nguy kịch. Ảnh: Việt Hùng. |
Trong quá trình này, các bệnh viện cần đảm bảo những đơn vị máu luôn ở điều kiện tốt để lưu trữ với thời gian dài nhất.
Các đơn vị tiểu cầu chỉ có thể bảo quản trong thời gian tối đa 5 ngày với điều kiện lắc liên tục. Với huyết tương, thời gian là một năm.
Thời gian lưu trữ tối đa của các đơn vị máu hiện ở ngưỡng tương đối thấp, đặc biệt với máu hiếm và rất hiếm có số lượng hạn chế. Dù các cơ sở truyền máu đã xây dựng thành công CLB Nhóm máu hiếm trên nhiều tỉnh/thành phố, việc gia tăng thời gian bảo quản máu vẫn là vấn đề cấp bách.
Theo bác sĩ Trần Ngọc Quế, Việt Nam đang xây dựng ngân hàng máu hiếm với công nghệ đông lạnh hồng cầu. Dựa trên công nghệ này, thời gian lưu trữ máu có thể gia tăng đến 10 năm.
Việc kéo dài thời gian bảo quản máu sẽ cứu nhiều bệnh nhân nguy kịch. Một số trung tâm cùng với Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã triển khai dự án lưu trữ máu đông lạnh. Tuy nhiên, giá thành phục vụ công nghệ này tương đối cao nên Việt Nam vẫn chưa thể ứng dụng rộng rãi.
Tiến sĩ Quế cho hay: "Chi phí của việc lưu trữ đông lạnh có thể tới hàng chục triệu đồng mỗi đơn vị máu. Hiện tại, chúng ta không có khả năng lưu trữ máu số lượng lớn để cung cấp cho bệnh nhân. Trong khi đó, bảo hiểm chưa có điều khoản chi trả cho vấn đề này".