Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng loạt giáo viên bỗng dưng bị ‘đòi' lại tiền thưởng

Nhiều giáo viên, kể cả giáo viên đã nghỉ hưu, bị nhà trường “gọi tên" để hồi lại khoản tiền đã nhận chiến sĩ thi đua, lao động tiên tiến… những năm 2020, 2021.

Theo phản ánh của một số giáo viên trường THCS Nguyễn Văn Cừ (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), đầu năm 2023, họ nhận được thông báo nộp lại tiền thu nhập tăng thêm do sửa quy chế chi tiêu nội bộ của năm học 2020 và 2021.

Trong số các giáo viên đạt danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua bị truy thu tiền của những năm 2020, 2021, có cả giáo viên đã nghỉ hưu. Các giáo viên cho rằng số tiền mỗi người phải nộp lại không nhiều, nhưng không đúng so với quy định.

bi ‘doi' lai tien thuong anh 1

Trường THCS Nguyễn Văn Cừ (quận Sơn Trà, Đà Nẵng). Ảnh: VietNamNet.

Theo thông báo truy thu của nhà trường, người phải nộp lại nhiều nhất là gần 2 triệu đồng. “Điều này không những ảnh hưởng đến quyền lợi của giáo viên nhất là những người đã đạt được thành tích phong trào thi đua, còn gây tâm lý bất ổn trong môi trường sư phạm…”, vị giáo viên chia sẻ.

Hiệu trưởng báo cáo sai sự thật về sửa đổi quy chế chi tiêu nội bộ?

Giáo viên này cho rằng hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Cừ đã sai phạm nguyên tắc tài chính khi sửa quy chế chi tiêu nội bộ năm học 2020, 2021. Các quyết định ban hành không thực hiện đúng căn cứ ban hành quy chế chi tiêu nội bộ, theo Thông tư 56/2022/TT của Bộ Tài chính, đó là phải thống nhất với người lao động và tổ chức công đoàn nhà trường.

Người này cho biết trong cuộc họp ngày 27/3, toàn thể Hội đồng sư phạm đã không đồng ý thông qua việc sửa đổi quy chế chi tiêu nội bộ năm 2020, 2021 vì đã hết năm tài chính và không có căn cứ để sửa đổi. Mặc dù vậy, hiệu trưởng vẫn làm tờ trình “đã thông qua Hội đồng sư phạm nhà trường”.

Cũng theo giáo viên, thời gian gần đây, chất lượng đầu ra của nhà trường giảm, từ 88% học sinh vào trường công, năm 2021-2022 còn 79% và năm 2022-2023 còn 69%. Tỷ lệ học sinh ở lại lớp đã vượt quá 1,2%...

Trong năm học 2021-2022, một giáo viên Thể dục được tập thể hội đồng sư phạm nhà trường nhất trí 100% hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng kết quả xếp loại viên chức chỉ hoàn thành nhiệm vụ. Trong khi đó, một số giáo viên chủ nhiệm có học sinh vi phạm kỷ luật bị đình chỉ học nhưng được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ… Từ đó, giáo viên cho rằng hiệu trưởng đánh giá viên chức theo cảm tính, ý kiến chủ quan.

Bên cạnh đó, giáo viên còn phản ánh chậm trễ trong việc chi trả tiền thêm giờ, tiền nghỉ ốm, tiền tăng thu nhập… cho giáo viên; nhà vệ sinh mới được sửa chữa ba năm và chưa có dấu hiệu xuống cấp nhưng vẫn cho đập, phá và làm mới lại với số tiền 300 triệu đồng. Nhà vệ sinh đã đưa vào sử dụng nhưng vẫn chưa có biên bản nghiệm thu bàn giao.

Việc tính lại thu nhập tăng thêm là thực hiện kết luận của chủ tịch quận

Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Anh Đồng- Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Cừ, cho rằng việc giáo viên “tố” ông sai phạm nguyên tắc tài chính là không có cơ sở vì đến nay không có cơ quan nào kết luận như vậy.

Theo ông, quy chế chi tiêu nội bộ 2020, 2021 là do hiệu trưởng cũ và cán bộ trước đó xây dựng. Việc ông điều chỉnh, bổ sung quy chế chi tiêu nội bộ, tính lại thu nhập tăng thêm năm 2020, 2021 là thực hiện theo Kết luận 1777/KL-UBND ngày 1/7/2022 của Chủ tịch UBND quận Sơn Trà đối với hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Văn Cừ nhằm khôi phục quyền lợi cho các cá nhân bị ảnh hưởng.

Theo Kết luận 1777, việc chia thu nhập tăng thêm năm 2020, 2021 còn bỏ sót đối tượng thụ hưởng hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và đưa danh hiệu chiến sĩ thi đua, lao động tiên tiến để tính là chưa phù hợp với quy định.

Hiệu trưởng cho biết trong báo cáo ngày 10/2 về khó khăn khi thực hiện kết luận 1777 gửi UBND quận, ông đã báo cáo đầy đủ những khó khăn, trong đó, có việc hội đồng sư phạm không đồng ý điều chỉnh quy chế năm chi tiêu nội bộ năm 2020, 2021.

Theo ông, việc thực hiện truy thu tiền thu nhập tăng thêm là việc khá phức tạp, khó khăn vì liên quan đến quyền lợi, có cô đã nghỉ hưu, chuyển đơn vị công tác, thôi việc. Trên cơ sở đó, ngày 15/11, UBND quận đã có công văn 3903 yêu cầu giáo viên nộp lại số tiền do sai sót.

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 24/47 giáo viên nộp lại tiền chênh lệch sau khi sửa quy chế của năm 2020 và 26/46 giáo viên nộp lại tiền chênh lệch của năm 2021.

Bên cạnh giáo viên phải nộp lại tiền cũng có giáo viên được nhận thêm tiền sau khi điều chỉnh quy chế chi tiêu nội bộ. Cụ thể, năm 2020, 25 giáo viên được nhận thêm tiền, năm 2021 là 22 giáo viên. Sau khi hoàn thành số tiền giáo viên nộp lại, nhà trường sẽ nộp về Kho bạc Nhà nước và làm thủ tục chi trả cho giáo viên được nhận thêm tiền.

Liên quan đến phản ánh của giáo viên về việc chất lượng đầu ra của nhà trường ngày càng giảm, ông Đồng cho rằng chất lượng hàng năm của nhà trường vẫn duy trì, đảm bảo. Trường vẫn nằm trong top đầu của quận.

“Chất lượng đầu vào lớp 10 công lập giảm hơn, nguyên nhân giảm do chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm của sở tuyển đầu vào các trường THPT chứ không phải hiệu trưởng về làm chất lượng giảm. Nguyên nhân thứ hai là năng lực học của các em học sinh. Một nguyên nhân nữa do các em chọn trường chưa đúng với thực lực, năng lực của mình”, hiệu trưởng phân trần.

“Về tỷ lệ học sinh ở lại lớp vượt quá 1%, quan điểm của tôi là học sinh đạt đến đâu đánh giá đến đó, kết quả là năng lực học của học sinh. Làm sao đảm bảo kiến thức cơ bản cho các em tiếp tục học các lớp trên”, vị này nói thêm.

bi ‘doi' lai tien thuong anh 2

Công trình nhà vệ sinh sau khi được cải tạo, sửa chữa. Tuy chưa có hồ sơ nghiệm thu bàn giao công trình, do nhu cầu cấp thiết của học sinh, nhà trường đã xin đưa vào sử dụng. Ảnh: VietNamNet.

Về sửa chữa nhà vệ sinh, ông Đồng thông tin do nhà trường có số lượng học sinh đông, tổng cộng 30 lớp với 1.133 học sinh. Nhà vệ sinh tại khối nhà A trước đây chỉ sử dụng được một bên, bố trí chưa phù hợp nam, nữ.

Chính vì thế, sau khi khảo sát thực trạng nhà vệ sinh, các cơ quan chức năng của quận Sơn Trà đã xây dựng hồ sơ đầu tư, cải tạo nhà vệ sinh. Hiện nay, quận đang hoàn tất hồ sơ nghiệm thu bàn giao công trình nhưng do nhu cầu cấp thiết của học sinh, nhà trường đã xin đưa vào sử dụng.

Trước câu hỏi, có hay không việc hiệu trưởng cảm tính khi đánh giá viên chức, ông Đồng cho biết việc đánh giá viên chức theo quy định không thể nói cảm tính. Trong văn bản quy định, hiệu trưởng là người cuối cùng quyết định.

Còn liên quan đến việc chậm trễ trong việc chi trả tiền thêm giờ, tiền nghỉ ốm, tiền tăng thu nhập… cho giáo viên, theo hiệu trưởng THCS Nguyễn Văn Cừ lý do là cần phải làm kỹ, rà soát kỹ để đảm bảo chế độ chính sách đầy đủ cho giáo viên theo quy định.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

Giảng viên đồng loạt ngừng việc vì nợ lương: Sinh viên mất ăn mất ngủ

Sinh viên trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam không khỏi hoang mang, lo lắng trước thông tin nhiều thầy cô ngừng việc tập thể.

https://vietnamnet.vn/hang-loat-giao-vien-bong-dung-bi-doi-lai-tien-thuong-2228636.html

Diệu Thùy - Nguyễn Hiền / VietNamNet

Bạn có thể quan tâm