Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng nghìn người đồng diễn văn hóa dân gian Tây Nguyên

Hàng nghìn nghệ nhân cùng sinh viên, học sinh các tỉnh Tây Nguyên đi cà kheo, gõ trống đánh cồng chiêng, đàn T'rưng.. hòa mình vào lễ hội văn hóa dân gian trên đường phố KonTum.

2.000 nghệ nhân gõ cồng chiêng, đánh đàn T"rưng trên đường phố Trong khuôn khổ Liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên, chiều 18/3, hơn 2.000 nghệ nhân mặc trang phục truyền thống tham gia lễ hội đường phố diễn xướng gõ cồng chiêng, đánh đàn T'rưng..tạo ấn tượng mạnh cho du khách.
Trong khuôn khổ liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên gắn với Tuần Văn hóa -  Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 3 năm 2016, chiều 18/3, hàng nghìn nghệ nhân cùng học sinh, sinh viên trong trang phục truyền thống nhảy múa hòa mình sôi động trong lễ hội đường phố. 
Những cô gái trẻ mặc váy thổ cẩm, chít khăn đỏ trên đầu, tươi cười rạng rỡ thể hiện điệu múa truyền thống của dân tộc mình trên đường phố Kon Tum. Chị Cil Jing (ngụ huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) thổ lộ, tham gia đồng diễn điệu múa truyền thống của đồng bào Cil, chị cảm thấy trân trọng hơn văn hóa dân gian của quê hương. "Đến với liên hoan nghệ thuật dân gian Tây Nguyên, tôi càng thấy tự hào Việt Nam mình có nhiều dân tộc anh em đậm đà bản sắc dân tộc", cô gái trẻ nói.
Các nghệ nhân cùng trai làng gõ cồng chiêng trên phố mang âm hưởng núi rừng đại ngàn Tây Nguyên. 
Từ trái bầu hồ lô và vài thanh lồ ô, nghệ nhân này thổi vào tạo âm thanh tựa như bản hùng ca của thác đổ, chim muông quần tụ bay về gây ấn tượng mạnh cho du khách. 
Những chàng trai mặc khố, các cô gái mặc váy được làm từ vỏ cây rừng tham gia lễ hội văn hóa dân gian Tây Nguyên trên đường phố. 
Các nghệ nhân mặc trang phục thổ cẩm gõ trống, đánh chiêng trên đường phố Kon Tum. 
Chàng trai trẻ thả hồn theo từng tiếng chiêng. 
Hàng trăm học sinh hóa trang lá cây quanh cơ thể, đeo mặt nạ- biểu tượng thần linh che chở bản làng mình phía trước ngực, đi cà kheo suốt hơn 1 km trên đường phố Kon Tum. 
Các nghệ nhân cũng đeo mặt nạ, trình diễn các loại nhạc cụ truyền thống làm bằng những thanh tre, lồ ô. 
Nghệ nhân Ka Ly Tran(28 tuổi, ngụ  phường Thắng Lợi, TP Kon Tum) say sưa chơi đàn T'rưng trên đường phố. 
Bé trai Kasaryô (5 tuổi, con nghệ nhân KaLyTran) tham gia lễ hội đường phố với loại nhạc cụ Rongsos sành điệu.
Các đoàn nghệ nhân tỉnh Kon Tum và Gia Lai gõ cồng chiêng diễu hành trên đường phố. 
Các cô gái trẻ mang gùi tái hiện hình ảnh sơn nữ dịu dàng mang lồ ô ra suối lấy nước về làng. 
Khoảnh khắc nhí nhảnh của sơn nữ trong điệu múa xòe truyền thống trong lễ hội văn hóa dân gian Tây Nguyên. 

Thứ trưởng Bộ Văn hóa và Du lịch Đặng Thị Bích Liên cho biết, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị di sản này là nền tảng kế thừa và phát huy văn hóa mang đậm bản sắc của dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên.

Theo bà Liên, sau 10 năm được UNESCO ghi danh, di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã có những đóng góp tích cực vào đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng các dân tộc nơi đây. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã góp phần to lớn trong quá trình bảo tồn, gìn giữ bản sắc, tính đa dạng văn hóa vùng miền, quốc gia và quốc tế.






Minh Hoàng

Bạn có thể quan tâm