Tâm điểm của Hội chợ Sushi-Con, được xem là hội chợ ẩm thực Nhật Bản lớn nhất trên đất Mỹ, là con cá ngừ vây xanh khổng lồ nặng hơn 180 kg được chế biến thành món sushi trứ danh của người Nhật.
Kỳ quan biển khơi này được vận chuyển từ thành phố cảng Barcelona vào sáng 27/9, sau đó dừng chân qua đêm ở một nhà kho ở New Jersey trước khi cập bến khu triển lãm Metropolitan Pavilion ở Chelsea thuộc Manhattan sầm uất.
Trong quá trình vận chuyển, con cá ngừ khổng lồ được bảo quản cẩn thận để đảm bảo độ tươi trước khi phục vụ thực khách. Ảnh: New York Times. |
Metropolitan Pavilion là nơi tổ chức Hội chợ Sushi-Con, được diễn ra dưới hình thức tiệc buffet với vé vào cửa có giá 120 USD.
Tại đây, hơn 50 đơn vị tham gia cung cấp mẫu cá và các sản phẩm khác cho thực khách. Mặc dù tâm điểm của hội chợ là ẩm thực Nhật Bản song các mẫu cá được đưa đến từ khắp nơi trên thế giới.
Tiết mục chính của sự kiện là “màn cắt cá ngừ đỉnh cao”, nơi con cá ngừ dài gần bằng quả ngư lôi với vảy bạc lóng lánh sẽ được thái ra và phục vụ cho thực khách.
Từ Barcelona đến New York
Trên thực tế, dòng cá ngừ vây xanh có thể nặng đến hàng tấn. Tuy nhiên, con cá ngừ tâm điểm của Sushi-Con năm nay được chọn cho tiết mục chính bởi chất lượng thịt chứ không đơn thuần là vì kích thước.
Món sushi cao cấp đòi hỏi thịt từ những con cá ngừ có chiếc bụng tròn, cho thấy một lớp mỡ dồi dào.
Con cá ngừ đặc biệt nặng hơn 180 kg này bị bắt vào tháng 6 ngoài khơi đảo Ibiza (Tây Ban Nha) thuộc Địa Trung Hải bởi hạm đội Balfegó.
Mùa đánh bắt cá ngừ vây xanh ở Đại Tây Dương bắt đầu vào cuối tháng 5 và chỉ kéo dài 5 tuần.
Một số hoạt động đánh bắt bao gồm phương thức sử dụng lưới, móc và lao. Tuy nhiên, Balfegó ưu tiên bắt sống cá ngừ với phương châm khai thác bền vững và đề cao chất lượng thay vì số lượng.
“Khách hàng ở mỗi thị trường có thị hiếu riêng”, Youssef Meski, giám đốc bán sỉ của Balfegó, nói. “Người châu Âu không thích cá có nhiều mỡ, trong khi thị trường Trung Quốc và Mỹ lại chuộng mặt hàng này. Đó là sở thích về mặt hương vị”.
Con cá ngừ nặng hơn 180 kg là tâm điểm của Sushi-Con, sự kiện thu hút hàng nghìn thực khách từ khắp nơi trên nước Mỹ. Ảnh: New York Times. |
Con cá ngừ khổng lồ nói trên có tuổi thọ vào khoảng 10 năm. Quá trình đánh bắt nó được tiến hành nhanh gọn vì các thuỷ thủ không muốn con cá phải chết một cách đau đớn. “Nếu con cá chết một cách quằn quại, chất lượng thịt sẽ bị ảnh hưởng”, ông Meski cho biết.
Sau khi hoàn tất quá trình moi ruột, những con cá ngừ được ướp trong bể chứa đầy đá và muối để đảm bảo độ tươi.
Khi “màn cắt cá ngừ đỉnh cao” chuẩn bị diễn ra, khoảng 1.000 người xếp hàng dài từ đường số 18 xuống tại Đại lộ số 6 để mục sở thị và thưởng thức con cá ngừ nặng hơn 180 kg.
Các thực khách đổ về Sushi-Con không chỉ bao gồm dân New York mà có cả các tín đồ ẩm thực đến từ nhiều nơi trên khắp nước Mỹ.
Ảnh: New York Times. |
“Tôi mới đến tối qua”, Matt McClain (27 tuổi), đến từ Arizona, nói với New York Times khi đang xếp hàng trước Metropolitan Pavilion. “Tối nay chắc tôi phải ngủ ở sân bay mất”.
Màn cắt cá ngừ kỳ công
Sau khi sự kiện mở cửa đón thực khách, hội trường trở nên chật kín với không khí như một buổi biểu diễn nhạc rock.
Kouama Yanta, người được giới thiệu là “nghệ nhân cắt cá ngừ điêu luyện nhất New York”, đảm trách việc thái con cá ngừ tuyệt phẩm.
Với vài nhát rựa khéo léo, ông Yanta cắt rời phần đầu con cá ngừ và giơ lên cao. Đám đông hò reo, vài nguời giơ điện thoại lên chụp lại khoảnh khắc này.
Ông Yanta tiếp tục lọc bỏ xương giữa của con cá ngừ. Công đoạn cắt ban đầu mất khoảng 10 phút.
Sau khi hoàn tất việc cắt cá ngừ với những khoanh thịt lớn, ông Yanta rời sân khấu, nhường chỗ cho các đầu bếp sushi cùng bộ dao sắc lẹm của họ.
Sau sự kiện chính, các thực khách tản ra, nếm thử các loại hải sản của những gian hàng khác nhau. Không khí lễ hội phủ khắp hội chợ.
Thực khách thưởng thức những miếng cá ngừ tươi được vận chuyển từ Địa Trung Hải đến New York. Ảnh: New York Times. |
“Mặc dù đảm nhận việc cắt con cá ngừ này song thịt của nó không hợp khẩu vị của tôi”, ông Yanta nói với New York Times. Ông cho biết bản thân ưa thích các loại cá mà ông đã ăn thời thơ ấu, đơn cử như cá rô phi.
Ba đầu bếp đảm nhận trọng trách chế biến con cá ngừ khổng lồ thành món sushi bao gồm Kazushige Suzuki, Masato Oyamo và Kazutaka Iimori, người đã có hơn 60 năm kinh nghiệm đứng bếp sushi.
Mỗi đầu bếp sử dụng một bộ dao chuyên biệt. “Các đầu bếp không được sử dụng dao của nhau, giống như người bình thường không ai mặc đồ lót của nhau vậy”, ông Iimori nói.
Khi được hỏi về những thay đổi trong giới ẩm thực sushi ở Mỹ trong những năm gần đây, ông Iimori nhận xét: “Giờ đây, mọi người có nhiều kiến thức hơn. Chất lượng cá tốt hơn, ngư dân bảo quản cá tốt hơn và hệ thống phân phối cũng đã hoàn thiện hơn”.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.