Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hàng nghìn trẻ đến bệnh viện ở TP.HCM khám vì sốt siêu vi

Dù đã điều trị ở bệnh viện tỉnh hơn 4-5 ngày, bé trai 2 tuổi vẫn không có dấu hiệu hạ sốt. Do đó, bà ngoại cùng mẹ tức tốc đưa bé lên TP.HCM để điều trị.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Mạnh Hưng đang khám cho bệnh nhi bị sốt siêu vi. Ảnh: Nam Giao.

Ngồi xe gần 4 giờ từ Tây Ninh lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM), bà N.A., bà ngoại của cặp sinh đôi 2 tuổi, nghẹn ngào nói: “Không ngoài dự đoán, khi ngồi xe đường dài, 2 đứa nhỏ lừ đừ, mệt mỏi và nôn ướt hết cả người tôi. Dù xót cháu, tôi với mẹ chúng vẫn cố gắng đưa lên trên này để khám bệnh”.

Bà A. cho biết 2 bé bị bệnh hơn một tuần nhưng tình trạng của bé trai nặng hơn. Mặc dù đã cho uống thuốc và nhập viện ở quê khoảng 4-5 ngày, vừa về nhà, bé bắt đầu nôn ói. Do đó, gia đình gấp gáp đưa bé lên TP.HCM để khám.

Trẻ sốt và nôn ói nhiều ngày liền

Chia sẻ với Zing, bà N.A. cho hay cách đây một tuần, 2 cháu có dấu hiệu sốt nên đã đi khám và mua thuốc ở bệnh viện tư. Trong khi bé gái đã giảm sốt chỉ sau 2 ngày uống thuốc, bé trai có triệu chứng sốt cao kèm nôn ói nên đã nhập viện tuyến tỉnh để điều trị.

Chưa kịp vui mừng khi bé xuất viện sau 4-5 ngày điều trị, gia đình hoảng hốt khi thấy bé tiếp tục nôn ói và phát sốt trở lại. Ngay trong đêm, bà ngoại và mẹ đưa 2 bé lên Bệnh viện Nhi đồng 2 để thăm khám.

“Tình trạng cháu trai nặng hơn, nó không chịu ăn, cố gắng ép ăn được vài muỗng thì ho và nôn ra hết. Bác sĩ chỉ định đi xét nghiệm máu trước và có khả năng phải nhập viện để theo dõi thêm”, bà ngoại bé chia sẻ.

Trong khi đó, bé gái đã đỡ sốt, có thể chạy nhảy và ăn uống bình thường. Nhưng do bé vẫn còn ho, sổ mũi, bác sĩ kê toa thuốc để giảm triệu chứng và hẹn ngày tái khám.

sot sieu vi anh 1

Bà ngoại và cháu gái đang ngồi chờ bé trai đi xét nghiệm máu. Ảnh: Nam Giao.

Tương tự, con gái hơn 4 tháng tuổi của chị V.M.T. (sống tại tỉnh Bình Dương) cũng bị sốt gần một tuần. Trước đó, chị đã cho con đi khám ở bệnh viện tư nhưng vẫn không thuyên giảm. Thấy con sốt nhiều ngày kèm theo sổ mũi và thở khò khè, chị T. lo lắng nên đưa con đến bệnh viện công.

“Con thường quấy khóc, nhất là vào ban đêm. Từ khi con phát sốt, tôi thấy con ít bú và dễ nôn ói”, chị T. chia sẻ.

Bệnh siêu vi vào mùa

Trao đổi với Zing, bác sĩ Lê Công Thiên, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết sốt siêu vi (hay nhiễm siêu vi) là tình trạng sốt do siêu vi trùng gây ra. Thời tiết lạnh hoặc thời điểm giao mùa từ nắng sang mưa tạo điều kiện thuận lợi cho siêu vi trùng phát triển và lây lan.

Bệnh có thể xảy ra ở mọi người lứa tuổi đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi hoặc người cao tuổi có sức đề kháng và hệ miễn dịch yếu. Sốt siêu vi chia ra làm nhiều loại, trong đó thường gặp là siêu vi gây bệnh đường hô hấp và siêu vi gây bệnh đường tiêu hóa.

Triệu chứng ở mỗi loại đa dạng nhưng nhìn chung, hầu hết người bệnh đều bị sốt từ nhẹ đến nặng (khoảng 37,5 độ C đến hơn 39 độ C). Đối với siêu vi đường hô hấp, bệnh sẽ kèm theo biểu hiện ho, sổ mũi, đau nhức cơ hay đỏ mắt. Trong khi đó, siêu vi liên quan đường tiêu hóa sẽ gây nôn ói và tiêu chảy.

Theo bác sĩ Thiên, mỗi ngày, Nội khoa của Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận khoảng 2.500-3.000 trẻ đến khám. Trong đó, bệnh sốt siêu vi chiếm đa số và biểu hiện ở các triệu chứng như viêm đường hô hấp, viêm họng, viêm mũi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm đường tiêu hóa, tiêu chảy cấp…

Tùy theo từng loại siêu vi xâm nhập và phản ứng của cơ thể, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng như sốt cao kèm co giật, mất nước, rối loạn điện giải và ảnh hưởng đến tri giác của trẻ. Trong trường hợp nặng hơn, siêu vi tấn công lên não có thể gây viêm não. Bên cạnh đó, siêu vi đường tiêu hóa còn gây tiêu chảy nhiều, dẫn đến mất nước và trĩ mạch.

Tuy nhiên, bác sĩ Thiên cho hay phụ huynh không cần quá lo lắng vì đa phần nhiễm siêu vi gây ra các triệu chứng nhẹ, nếu biết chăm sóc đúng cách, trẻ có thể tự khỏi trong khoảng 7-10 ngày.

Để phòng ngừa bệnh sốt siêu vi, bác sĩ Thiên khuyến cáo phụ huynh nên cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, ăn chín uống sôi và bổ sung đủ nước mỗi ngày. Ngoài ra, trẻ nên được sinh hoạt trong môi trường sạch sẽ, thoáng mát, ít có dao động về nhiệt độ.

Do nhiễm siêu vi rất dễ lây lan, trẻ nên rửa tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc người có nguy cơ nhiễm bệnh và tham gia chương trình tiêm chủng mở rộng để giảm nguy cơ mắc bệnh.

Thế nào là chế độ ăn kiêng tốt nhất? Làm thế nào để ngừng lo lắng về cân nặng và tập trung vào việc sống lành mạnh? Để giải quyết mối quan tâm về vấn đề này, mục Sức khỏe của Zing giới thiệu bạn cuốn sách Chỉ dẫn để sống khỏe toàn diệncủa tác giả Shaun Francis. Sách sẽ giúp người đọc tập trung việc ăn uống lành mạnh, rèn luyện thể chất và giữ tinh thần minh mẫn trong thời buổi bận rộn.

Những người nên hạn chế uống nước dừa

Nước dừa có tác dụng giải nhiệt và lành tính nhưng không phải bất kỳ ai cũng có thể uống thoải mái.

Nam Giao

Bạn có thể quan tâm