Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Hàng quán mới mở lại 2 tháng lại tiếp tục đóng cửa

Nhiều hàng ăn, quán cà phê ở vùng cam Hà Nội lo lắng tìm cách tránh lỗ khi phải dừng phục vụ khách tại chỗ chỉ sau 2 tháng mở trở lại.

dong cua quan du ban mang ve anh 1

Vừa trang trí không gian quán theo chủ đề Giáng sinh được ít lâu, tiệm cà phê nổi tiếng trên phố Hàng Điếu (quận Hoàn Kiếm) phải tạm đóng cửa lần thứ 3 trong năm nay vì dịch bệnh.

Thay vì chuyển sang hình thức bán mang về theo chỉ thị của UBND phường Cửa Đông, quán chấp nhận ngừng hoạt động, cho nhân viên tạm nghỉ không lương để tránh lỗ.

“Khác với hàng ăn, khách tới quán không chỉ vì đồ uống, mà còn để trải nghiệm không gian. Chúng tôi từng thử bán mang về nhưng hầu như không có khách. Nếu giờ tiếp tục take away, có khi quán còn thiệt hại nặng nề hơn”, Mạnh (22 tuổi), quản lý tại cơ sở này, nói.

dong cua quan du ban mang ve anh 2

Cơ sở Hàng Điếu của chuỗi cà phê, nơi Mạnh làm quản lý, đóng cửa dù được bán mang về.

Tính đến trưa 19/12, nhiều khu vực ở Hà Nội đã dừng hàng ăn, uống tại chỗ, bao gồm quận Đống Đa, quận Hai Bà Trưng và 5 phường quận Hoàn Kiếm.

Đa số chủ nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cho biết họ đã quen với việc đóng - mở liên tục theo diễn biến dịch bệnh. Do đó, không khó để họ nhanh chóng chuyển sang mô hình bán mang về ngay khi nhận thông báo mới.

Song, một số khác chọn cách đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh để tối thiểu hóa thua lỗ.

Nơi đóng cửa, chỗ bán cầm chừng

Chia sẻ với Zing, quản lý Mạnh cho biết chi nhánh tại Hàng Điếu bắt đầu đón khách tại chỗ trở lại từ giữa tháng 10. Chỉ hơn 2 tháng sau, việc kinh doanh lại bị đình trệ vì dịch bệnh, khiến đội ngũ nhân viên ít nhiều đều chán nản.

“Cơ sở này đi vào hoạt động từ đầu năm nay, nhưng liên tục lao đao vì dịch Covid-19. Ngành F&B không được coi như dịch vụ thiết yếu nên tác động càng nặng nề hơn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chấp hành quy định, cố gắng tìm cách duy trì, giảm lỗ nhất có thể”.

Chỉ sau hơn một năm hoạt động, quán cà phê ở phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng) của chị Trần Linh (27 tuổi) cũng trải qua một lần tạm đóng cửa, 3 đợt chuyển sang bán mang đi.

Từ trước khi mở quán, chủ quán đã tính với trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch để có kế hoạch “cầm chừng”, duy trì chi phí vận hành.

“Trước tình hình hiện tại, việc tạm dừng buôn bán tại chỗ là phương án hợp lý. Song với mặt hàng cà phê, trải nghiệm dịch vụ tại chỗ sẽ có lợi hơn nhiều. Thú thực, doanh thu của quán tôi giảm ít nhất 50% so với bình thường”, chị kể.

Năm nay, Trần Linh và các nhân viên tại quán không đầu tư quá nhiều vào việc trang trí Noel vì lo ngại dịch bệnh.

“Chúng tôi chỉ trang trí vừa đủ, tạo không khí khích lệ tinh thần đội ngũ nhân viên và khách hàng sau một năm quá khó khăn. Quán tôi có tới 80% khách quen, họ đều hiểu và chia sẻ cùng nên chúng tôi có thêm động lực duy trì”, chị nói.

Nhìn quầy bar trống và dãy bàn không bóng người, Duy (29 tuổi), barista tại một quán cà phê trên phố Lý Nam Đế (quận Hoàn Kiếm) , không giấu nổi nét buồn.

Dù vốn chuẩn bị tinh thần cho những tình huống xấu khi dịch Covid-19 kéo dài, anh vẫn bồn chồn, sốt sắng do việc kinh doanh nhiều lần bị gián đoạn.

dong cua quan du ban mang ve anh 5

Áp lực kinh tế từng khiến Duy cân nhắc đổi nghề.

“Từ khi đại dịch bùng phát tới nay, quán tôi phải tạm đóng cửa 2 lần, luân phiên bán tại chỗ và mang về 3 lần. Lượng khách vì thế cũng giảm hơn 50%, giờ chủ yếu chỉ đón khách quen”, nam barista chia sẻ.

Duy nói thêm anh và các đồng nghiệp không còn bị động khi phải gấp rút thay đổi hình thức hoạt động của quán nữa. Song, nỗi lo của anh ngày một chồng chất do chi phí thuê mặt bằng, nhập nông sản, nhân công tăng cao.

“Tôi tự hỏi liệu có thể duy trì kinh doanh không khi các khoản chi cứ đội lên từng ngày. Tôi không nghĩ dịch bệnh sẽ kết thúc trước nửa đầu năm sau nên cũng tính tới việc tạm đóng cửa một thời gian để bảo toàn nguồn vốn”, Duy kể.

Trước đó, quán cà phê nơi anh làm việc từng phải đóng cửa một cơ sở ở phố Thọ Xương (quận Hoàn Kiếm) khi dịch Covid-19 bùng phát. Khi nghĩ lại, Duy thầm thấy may mắn khi đưa ra quyết định đúng đắn để tránh lỗ nặng vào thời điểm đó.

Bị ảnh hưởng nặng nề, anh từng cân nhắc tới chuyện đổi nghề khi áp lực kinh tế, tương lai đè nặng lên vai.

“Giờ, chúng tôi vừa phải duy trì chất lượng sản phẩm, gồng gánh đủ chi phí, vừa giữ nguyên giá cả đồ uống để giữ khách. Nếu dịch bệnh kéo dài, có lẽ tôi phải gác lại đam mê, hoặc thất nghiệp trong thời gian dài”, Duy nói.

Không dám tính xa

Chị Hiền (54 tuổi), chủ quán bún chả trên phố Trần Xuân Soạn (quận Hai Bà Trưng), không khỏi thất vọng khi một lần nữa phải chuyển sang bán mang về.

“Với tôi, hạn chế thực khách đến dùng bữa tại quán đồng nghĩa bảo vệ sức khỏe của mình. Tuy nhiên, song song với đó là nỗi lo lắng về kinh tế”, chị chia sẻ.

Trung bình mỗi ngày, chị bán được vài chục suất - chỉ bằng 1/3 so với thời điểm phục vụ tại chỗ. Phần lớn người tìm đến mua là khách quen tích lũy được trong gần 30 năm hoạt động của cửa hàng.

“Nhìn chung, tôi mở bán để giữ khách thôi, chứ không được đồng lãi nào. Nếu không nhờ buôn bán ngay tại nhà riêng, có lẽ quán đóng cửa lâu rồi vì trụ không nổi”, chủ quán nói thêm.

dong cua quan du ban mang ve anh 8

Chị Hiền mở bán mang về để giữ chân khách quen.

Tiến Tuấn (50 tuổi), chủ quán phở trên phố Hàng Điếu (quận Hoàn Kiếm), nhẹ gánh phần nào nhờ có sẵn mặt bằng kinh doanh, giúp anh tiết kiệm được khoản lớn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh.

Anh cho biết hoạt động bán mang về chỉ có thể bù đắp khoảng 40% doanh thu. Nếu phải gánh thêm chi phí thuê mặt bằng, rất có thể anh đã đóng cửa quán từ năm 2020.

“2 năm Covid-19 là quãng thời gian khó khăn nhất trong suốt 35 năm kinh doanh của tôi”, chủ quán chia sẻ.

Mặt khác, anh Tuấn đã quen với quy định kinh doanh thay đổi theo diễn biến của dịch bệnh. Nhờ xác định sống chung với dịch bệnh, anh và các nhân viên không còn rơi vào thế bị động.

Mọi công tác chuẩn bị thay đổi mô hình bán hàng của quán, từ phục vụ tại chỗ sang bán mang về, diễn ra nhanh chóng và thuận tiện. Từ trưa 19/12, khách đến mua được yêu cầu quét mã QR khai báo y tế và đứng chờ sau tấm chắn lớn bằng nhựa.

“Với số ca nhiễm gia tăng mạnh trong những tuần gần đây, việc chuyển sang bán mang về là điều có thể đoán được. Đó cũng là vì sự an toàn của chính tôi”, anh nói.

Không may mắn như anh Tuấn và chị Hiền, Đại Linh (31 tuổi) phải tìm cách xoay xở để duy trì cửa hàng xôi trên phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng).

dong cua quan du ban mang ve anh 9

Đại Linh không dám bàn đến tình hình kinh doanh của quán trong thời gian tới.

Nhiều tháng nay, quán gần như không có lãi. Doanh thu chỉ đủ duy trì tiền nhân công, mặt bằng và nguyên liệu đầu vào. Anh cũng mất đi tập khách hàng lớn là học sinh do các trường trong khu vực vẫn duy trì học trực tuyến.

“Ngay cả khi quán đóng cửa như đợt tháng 3/2020 và mùa hè vừa qua, tôi vẫn phải lo tiền bao nuôi nhân viên, giúp họ ăn ở tại Hà Nội. Lỡ nhân viên về quê rồi mắc kẹt lại, tôi sẽ không có đủ người để vận hành quán ngay khi có thông báo mở trở lại”, anh chia sẻ.

Đến thời điểm này, Đại Linh chưa dám khẳng định điều gì về tình hình kinh doanh của quán trong năm tới.

“Thứ duy nhất tôi có thể dự đoán là dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp hơn lúc này với nhiều ca mắc mới. Bởi vậy, tôi chỉ biết cầm chừng, đợi đến khi thành phố bình thường trở lại”, anh nói.

Chỉ cách nhau 7 m, quán bán tại chỗ, quán mua mang về

Cùng ở quận Hoàn Kiếm, nhưng ranh giới giữa quán ăn phục vụ tại chỗ và nhà hàng bán mang về có thể chỉ là một ngã tư, hoặc khoảng cách tính bằng vài bước chân.

Hồng Chang - Trang Minh

Bạn có thể quan tâm