Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2023, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã tiếp nhận hơn 330 ca mắc thủy đậu (dân gian gọi là trái rạ). Trong đó, 15 ca nhập viện với 5 trường hợp nặng. Tại một số tỉnh, thành phía bắc, số ca thủy đậu cũng có dấu hiệu tăng lên. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố đã có 548 ca mắc thủy đậu.
Ai cũng có thể nhiễm bệnh
Bác sĩ Võ Trương Quý, Phó trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, cho biết không chỉ số ca mắc thủy đậu ngày càng tăng mà năm nay, số ca nặng cũng nhiều hơn.
Điển hình là một bệnh nhân nam gần 30 tuổi, không có bệnh nền, đột nhiên đau nhức người, nổi bóng nước toàn thân. Nghĩ là bệnh thông thường nên anh tự mua thuốc uống, sau đó tình trạng càng nặng hơn mới đến bệnh viện thăm khám.
Khi được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, bệnh nhân này đã suy hô hấp cấp, viêm phổi, phải đặt nội khí quản thở máy và dùng kháng sinh mạnh. Qua thời gian điều trị tích cực, bệnh nhân đã thoát cơn nguy hiểm.
"Do thời gian dịch Covid-19 kéo dài, người dân không có điều kiện đi tiêm ngừa khiến số ca mắc thủy đậu tăng. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM còn 8 ca điều trị nội trú, trong đó 3 ca phải thở oxi", bác sĩ Quý thông tin.
Biến chứng khó lường
Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) cho biết vừa điều trị cho một bé sơ sinh mắc thủy đậu với những biến chứng tiêu biểu. Đó là bé Đ.H. (27 ngày tuổi, ở Bắc Giang). Bé lây bệnh từ mẹ và chị 7 tuổi. Bé bị nổi bóng nước, sốt cao, ho nhiều, thở mệt, được chẩn đoán viêm phổi, điều trị ở bệnh viện tuyến tỉnh 4 ngày nhưng không thuyên giảm nên được chuyển lên tuyến trên.
Theo bác sĩ Nguyễn Phương Thảo, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, thời điểm từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm thường xuất hiện bệnh thủy đậu ở trẻ em.
Bác sĩ Thảo cảnh báo trẻ em mắc thủy đậu, đặc biệt là trẻ sơ sinh, có nguy cơ tử vong cao, lên đến 30% do tổn thương đa cơ quan.
Trẻ mắc thủy đậu không được điều trị kịp thời và đúng phác đồ có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, sốc nhiễm trùng nhiễm độc, bội nhiễm vi khuẩn; đồng thời có thể để lại các biến chứng về thần kinh và một vài biến chứng khác như suy thượng thận, viêm cầu thận, tổn thương mắt, thậm chí tử vong.
"Trẻ nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, khi mắc thủy đậu rất dễ gặp những biến chứng khó lường. Vì vậy, việc cha mẹ nhận biết được biểu hiện bệnh sớm, theo dõi dấu hiệu trở nặng để đưa con đến cơ sở y tế điều trị kịp thời là rất cần thiết", bác sĩ Thảo khuyến cáo.
Một phụ nữ mang thai 24 tuần mắc thủy đậu đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thuận. |
Bên cạnh đó, bác sĩ Võ Trương Quý cũng lưu ý phụ nữ mang thai khi mắc thủy đậu thì nguy hiểm hơn bệnh nhân thông thường bởi sức đề kháng yếu, bệnh dễ tiến triển nặng, mụn nước nổi nhiều. Đặc biệt, mụn nước nổi ở tầng sinh môn dễ gây nhiễm trùng tiểu dẫn đến nhiễm trùng máu, ảnh hưởng thai nhi.
Những thai phụ ở 3 tháng cuối của thai kỳ nếu mắc thủy đậu sẽ nguy hiểm đến thai nhi - có thể bị dị tật bẩm sinh như sẹo da, teo cơ, chậm phát triển trí tuệ. Giai đoạn nguy hiểm nhất là mẹ bị mắc thủy đậu từ 5 ngày trước sinh cho đến 2 ngày sau sinh, khả năng trẻ sinh ra bị mắc bệnh là rất lớn, dễ trở nặng và tử vong.
Điều trị càng sớm càng tốt
Theo bác sĩ Võ Trương Quý, bệnh thủy đậu có thể xuất hiện ở bất kể độ tuổi nào, nhưng chủ yếu khoảng 15-40 tuổi. Dấu hiệu ban đầu là bệnh nhân cảm thấy ớn lạnh, sốt, đau nhức cơ, trong vòng 12-24 giờ sau đó sẽ nổi những nốt tròn nhỏ. Các nốt này sẽ tiến triển thành mụn nước, bóng nước lớn dần từng ngày, nếu không làm vỡ thì sau 7 ngày mụn sẽ tự khô và lành.
Người có bệnh nền, cơ địa đặc biệt hoặc trẻ sơ sinh và người lớn tuổi mắc thủy đậu có khả năng diễn tiến nặng. Sau khi khởi phát sốt, bệnh nhân sẽ ho, tức ngực, khó thở, virus tấn công vào phổi gây viêm phổi. Nếu không điều trị kịp thời, thủy đậu có thể gây bệnh zona về sau, nhiễm trùng da, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não...
"Khi mắc thủy đậu, cần điều trị càng sớm càng tốt trong vòng 72 giờ từ lúc khởi phát bệnh. Sau khoảng thời gian này, hiệu quả diệt virus của thuốc sẽ chậm lại", bác sĩ Quý nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Quý, bệnh thủy đậu dễ lây lan trong cộng đồng nhỏ, nhất là trong gia đình hoặc khu phố. Người chưa tiêm vaccine phòng thủy đậu dễ mắc bệnh khi tiếp xúc thông thường với người bệnh.
Bệnh thủy đậu hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu tiêm vaccine đúng liều. Trẻ em thường được tiêm vaccine ngừa thủy đậu 12-15 tháng tuổi, sau đó nhắc lại mũi 2 ở 4-6 tuổi thì sẽ được bảo vệ trọn đời. Nếu không tiêm nhắc lại mũi 2, trẻ vẫn có khả năng mắc thủy đậu.
Người từ 12 tuổi trở lên nếu chưa từng tiêm vaccine phòng thủy đậu thì nên tiêm luôn 2 mũi, mũi 2 cách mũi một 1-3 tháng.
Quan niệm sai về bệnh thủy đậu
Theo bác sĩ Nguyễn Phương Thảo, hiện nay vẫn có nhiều người quan niệm mắc thủy đậu phải kiêng nước, kiêng gió nên không tắm cho trẻ. Đây là quan niệm chưa đúng. Khi trẻ mắc thủy đậu, cha mẹ nên vệ sinh cơ thể, chăm sóc da đúng cách để tránh nhiễm khuẩn khiến tình trạng bệnh càng nặng hơn.
Dù bệnh thủy đậu có thể tự khỏi 1-2 tuần nhưng bác sĩ khuyên phụ huynh không nên chữa tại nhà cho trẻ mà hãy đến gặp nhân viên y tế để được khám, chẩn đoán nhằm tránh bệnh diễn tiến nặng.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.