Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hãng xe Nhật Bản bị đánh giá thấp trong việc chống biến đổi khí hậu

Toyota, Honda và Nissan là 3 hãng xe bị đánh giá thấp nhất trong số các nhà sản xuất ôtô lớn đang nỗ lực giảm thiểu tác động đến môi trường.

Các hãng xe Nhật Bản đang bước vào giai đoạn điện hóa và cho ra mắt các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn. Nhưng một nghiên cứu mới đây của Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) đã xếp hạng các hãng xe hàng đầu thế giới về nỗ lực chống biến đổi khí hậu, cho thấy các hãng xe Nhật Bản thực tế vẫn rất thờ ơ với vấn đề này.

Những cái tên như Toyota Prius, Honda Clarity và Nissan Leaf được xem là những "lá cờ đầu" trong nhóm xe hybrid, nhưng các hãng xe này lại tỏ ra ngần ngại trong việc đón nhận xe EV, khi tốc độ triển khai việc điện hóa sản phẩm thua xa các hãng từ châu Âu, Hàn Quốc và Mỹ.

Muc tieu khu carbon oto anh 1

Toyota xếp cuối cùng trong số 10 hãng xe lớn về việc giảm tác động đến môi trường.

Theo nghiên cứu của Greenpeace, 3 hãng xe Nhật Bản là Toyota, Honda và Nissan đều xếp sau các "ông lớn" ôtô khác. Mỗi hãng xe được chấm 100 điểm dựa trên các yếu tố như quá trình khử carbon trong chuỗi cung ứng, doanh số bán xe không phát thải (ZEV) năm 2021, loại bỏ dần các mẫu xe sử dụng động cơ đốt trong, giảm thiểu tài nguyên và hiệu quả sản xuất.

Theo đó, Toyota được xếp cuối cùng trong nhóm đánh giá với điểm tổng thể chỉ là 10/100, nhỉnh hơn là Honda (12,8/100) và Nissan (13,4/100). Trong khi đó nhà sản xuất ôtô Mỹ - General Motors đạt được số điểm 38,5/100, xếp cao nhất trong danh sách.

Vào tháng 7 vừa qua, kỹ sư trưởng của Toyota đã nói rằng thế giới chưa sẵn sàng cho xe điện. Với những tuyên bố từ ban lãnh đạo của hãng xe này, việc Greenpeace chấm điểm thấp thương hiệu trong nỗ lực giảm ô nhiễm môi trường là có cơ sở. Thực tế, xe không phát thải của Toyota trong năm 2021 chỉ là chiếm 0,18% doanh số của hãng.

Toyota bZ4X là mẫu EV duy nhất của hãng xe này được bán ở Mỹ, nhưng một mình mẫu xe này là chưa đủ để thể hiện mục tiêu điện hóa của hãng. Ở phía GM, hãng xe này có các sản phẩm như Chevrolet Bolt và Cadillac Lyriq, cùng một loạt mẫu EV khác đã được giới thiệu trong những tháng gần đây.

Greenpeace cho rằng Toyota có "mức độ tham gia chính sách khí hậu kém ở trong và ngoài nước". Trong khi đó, Nissan và Honda là 2 hãng xe trong top 10 có quá trình chuyển đổi sang ZEV chậm hơn tốc độ chuyển đổi toàn cầu. Greenpeace cũng cho biết Honda và Toyota đang làm kém hơn nhiều so với các nhà sản xuất ôtô khác trong việc khử carbon trong chuỗi cung ứng.

Muc tieu khu carbon oto anh 2

Các hãng xe Nhật Bản tỏ ra thờ ơ và chậm trễ trong việc giảm thiểu carbon và điện hóa sản phẩm.

Tổ chức môi trường này đã kêu gọi tất cả hãng xe theo dõi sự phát triển của thép không carbon và mua thép có lượng carbon thấp. Điều thú vị là Greenpeace còn cho rằng các nhà sản xuất ôtô nên sản xuất ít xe SUV hơn, vì những loại xe này sử dụng thép nhiều hơn 20% so với các dòng xe khác.

Greenpeace chỉ ra sự thiếu cam kết toàn diện của các hãng xe đang tìm cách khử carbon. Không thương hiệu nào trong số 10 hãng xe có mục tiêu khử carbon cụ thể bằng việc thay đổi vật liệu, dù thép chiếm ít nhất 60% khối lượng của một chiếc xe và 50% lượng khí thải carbon từ sản xuất vật liệu.

Trong danh sách này, Mercedes-Benz xếp ở vị trí thứ 2 với 37/100 điểm. Điểm số của hãng đã được củng cố bởi các mục tiêu đầy tham vọng trong việc loại bỏ dần xe động cơ đốt trong. Hãng xe Đức đã bắt đầu thay thế động cơ V8 "huyền thoại" của mình bằng các động cơ 4 xy-lanh hybrid.

Ở vị trí thứ 3 là Volkswagen với 33,3/100 điểm, tụt một hạng so với năm ngoái. Ford xếp vị trí thứ 4 (23,5/100), tăng 4 bậc so với năm 2021. Tiếp theo là các hãng Hyundai/Kia có điểm số (22,3), Renault (20,3) và Stellantis (19,3).

Dù hoan nghênh sự phát triển của thị trường EV, Greenpeace cho biết vẫn còn nhiều việc phải làm để đáp ứng quy định của Liên minh châu Âu về việc cấm bán xe động cơ đốt trong vào năm 2035. Ngoài ra, cũng cần phải có thêm nhiều lựa chọn EV để duy trì mục tiêu giảm 1,5 độ C toàn cầu, đã được thông qua tại Hiệp định Paris về Biến đổi Khí hậu năm 2016, nhằm tránh những tác động tồi tệ của biến đổi khí hậu.

Greenpeace cũng chỉ ra rằng các hãng GM và Honda đang phụ thuộc rất nhiều vào doanh số EV tại Trung Quốc, trong khi tỷ lệ xe điện bán ra ở Mỹ thấp hơn nhiều. Đối với Toyota, hãng xe này có thể sẽ xem xét lại lập trường của mình nếu áp lực từ các nhóm môi trường gia tăng.

Lộ diện xe điện Jeep Wagoneer S mạnh 600 mã lực

Jeep Wagoneer S có kiểu dáng thể thao, tập trung nhiều vào tính khí động học. Xe có khoảng hành trình 643 km.

Xe điện mặt trời ở Venezuela

Để thoát khỏi những phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt, người dân Venezuela đang tìm đến những giải pháp giao thông xanh từ nguồn điện và quang năng.

Cựu thiết kế Apple: 'Màn hình trên ôtô chỉ là xu hướng nhất thời'

Cựu thiết kế của Apple cho rằng nút bấm vật lý xứng đáng có cơ hội thứ hai, khi nhiều hãng xe đang dần loại bỏ chúng và tích hợp mọi chức năng vào màn hình.

Bạn có thể quan tâm