Cơ quan điều tra Bộ Công an mới đây đã ban hành kết luận điều tra, đề nghị truy tố 54 bị can về 5 tội danh trong vụ án Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố.
Theo kết luận điều tra, nhiều quan chức, cán bộ đã lợi dụng thẩm quyền trong việc thực hiện chuyến bay để nhận hối lộ từ doanh nghiệp khi thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. Để đảm bảo lợi nhuận, doanh nghiệp tìm cách tăng chi phí với hành khách, khiến người dân phải chi trả số tiền lớn để được về nước.
Trong vụ án này, những hành khách trên các chuyến bay giải cứu có thể được đền bù không?
Những hành khách từ Mỹ về Việt Nam thời điểm tháng 9/2021. Ảnh: Quốc Nam. |
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Ủy viên Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) nhìn nhận trong vụ việc này, rất khó để xác định trách nhiệm trả lại số tiền mua vé cho người dân thuộc về cá nhân, tổ chức nào, bởi chính các doanh nghiệp cũng móc nối chặt chẽ với các cán bộ, công chức nhận hối lộ để được cấp phép vận hành các chuyến bay này. Những bị can môi giớ, đưa và nhận hối lộ tham gia vào việc cấp phép, vận hành chuyến bay chứ không tác động trực tiếp khiến giá vé tăng cao nên vấn đề quy trách nhiệm sẽ gặp khó khăn.
Tuy nhiên, ông Hậu nhìn nhận theo quy định tại khoản 3, Điều 10 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010, hành vi lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để ép buộc giao dịch là hành vi bị cấm. Việc các hãng hàng không vận hành “chuyến bay giải cứu” với mức giá quá cao trong thời điểm dịch bệnh là hành vi ép buộc, không cho khách hàng sự lựa chọn, đặc biệt khi nhu cầu về nước tăng cao ở thời điểm đó.
Do đây là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, luật sư cho rằng khách hàng đã mua vé của các chuyến bay nên gửi đơn trình bày, tố cáo hành vi ép giá của các hãng hàng không nhằm yêu cầu cơ quan chức năng xác minh, làm rõ mức giá chênh lệch là bao nhiêu để xử lý doanh nghiệp, cá nhân vi phạm và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trả lại số tiền chênh lệch.
"Trong thời điểm dịch bệnh, người dân không có lựa chọn và phải tin tưởng, mua vé từ các doanh nghiệp được quyền thực hiện chuyến bay với giá cao hơn nhiều giá trị thực. Khoản thu từ số tiền chênh lệch là bất chính và cần được thu hồi, hoàn trả cho các hành khách", luật sư Hậu nhấn mạnh.
Dưới góc độ hình sự, ông Hậu cho biết các bị can sẽ phải chịu trách nhiệm với tội danh bị đề nghị truy tố. Còn dưới góc độ dân sự, về nguyên tắc, khi người nào gây thiệt hại về tài sản cho người khác thì phải có trách nhiệm hoàn trả, bồi thường. Bởi vậy, trong trường hợp các hành khách chứng minh được việc mình phải mua vé giá cao đã gây thiệt hại về tài chính cho bản thân, việc thu hồi, tịch thu tài sản các bị can và tiến hành hoàn trả cho người dân là phù hợp, cần thiết.
Cũng theo luật sư Hậu, quá trình làm rõ vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ xác định chính xác giá trị thật của những dịch vụ cung cấp bởi các doanh nghiệp thực hiện chuyến bay giải cứu và đối chiếu với số tiền mỗi hành khách phải nộp để làm căn cứu hoàn trả số tiền chênh lệch cho khách hàng tham gia chuyến bay.
Còn luật sư Nguyễn Văn Quynh (Giám đốc Công ty Luật Hưng Yên) cho rằng trong vụ án này, nhóm tội danh của các bị can là mối quan hệ giữa quan chức và doanh nghiệp, không liên quan tới các hành khách. Bản kết luận điều tra cũng không nhắc tới việc các hành khách là bị hại trong vụ án. Tuy nhiên, ông Quynh cho rằng nếu vấn đề chỉ dừng lại ở dân sự thì chưa thực sự hợp lý
Luật sư Quynh cũng cho rằng những hành khách cảm thấy bản thân bị thiệt hại về tài chính cần làm đơn gửi cơ quan chức năng để được xác minh, giải quyết. Việc xác minh sẽ tập trung làm rõ giá trị thực của vé cũng như việc tăng giá diễn ra ra sao, có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhằm thu lợi bất chính hay tăng vì nguyên nhân khác.
"Trong vụ án này, có sự câu kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và quan chức, thông qua việc tăng giá vé để chi hối lộ, thu lợi bất chính. Đây là hành vi có dấu hiệu lợi dụng dịch bệnh, gây khó khăn cho người dân để nâng giá, thu lợi bất chính. Do đó, nếu chỉ dừng lại ở vấn đề dân sự thì chưa thực sự hợp lý", luật sư bình luận.
Trong 54 bị can, 2 cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng và Vũ Hồng Nam; ông Nguyễn Quang Linh (nguyên Trợ lý Phó thủ tướng); ông Nguyễn Thanh Hải (nguyên Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế thuộc Văn phòng Chính phủ), Nguyễn Thị Hương Lan (nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao), Chử Xuân Dũng (cựu Phó chủ tịch UBND Hà Nội) cùng 16 bị can bị khác đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ.
33 bị can còn lại bị cáo buộc các tội danh Đưa hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Môi giới hối lộ và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…