Sau tuần đầu tiên, bật khóc ngay trước mặt các em học sinh của mình, cô giáo trẻ dành nhiều thời gian nghe học trò tâm sự. Cũng từ đó, tình yêu thương nảy sinh và cô gắn bó với nghề tới nay đã 10 năm.
Giấu gia đình dạy trẻ khiếm thị
Năm 21 tuổi, khi vừa tốt nghiệp đại học ngành Địa lý, cô giáo trẻ Phạm Thị Thu Thanh được phân công giảng dạy tại trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM). Cô Thanh không chia sẻ chuyện mình nhận dạy ở trường khiếm thị vì sợ gia đình lo lắng và mỗi ngày, cô Thanh đi xe buýt khoảng 20 km đến trường.
Dù đã chuẩn bị kỹ tinh thần nhưng những ngày đầu tiên cô Thanh vẫn sốc khi về dạy tại một ngôi trường quá đặc biệt - trường không phấn trắng, bảng đen với chỉ 10 bộ bàn ghế trong một lớp và giáo viên vào lớp thì phải lên tiếng chào học sinh trước…
![]() |
Cô Phạm Thị Thu Thanh đã có 10 năm gắn bó với các em học sinh khiếm thị. |
Sau tuần đầu tiên, cô giáo trẻ bật khóc ngay trước mặt các em học sinh của mình. Cô chia sẻ: “Lúc đó tôi cảm thấy người mình nặng trĩu vì ngay cả giao tiếp với các em học sinh ở đây còn khó, huống hồ là dạy Địa lý - môn học cần sử dụng nhiều tranh ảnh, bản đồ”.
Để gần gũi các em học sinh, cô Thanh dành nhiều thời gian đến khu bán trú để nghe học trò tâm sự về hoàn cảnh bản thân. Qua những cuộc trò chuyện đó, cô thương các học trò như người thân của mình và nhìn thấy nhiều điều tốt đẹp ở các em. “Dù gặp nhiều điều không may mắn nhưng các em ở đây luôn có nghị lực vươn lên để trở thành người có ích, đó là điều tôi phải học ở các em”, cô Thanh nói.
Suốt 10 năm gắn bó với ngôi trường đặc biệt, tinh thần ham học, nghị lực của nhiều em học sinh ở đây là động lực để cô Thanh kiên trì gắn bó với nghề.
Nỗi lo thiếu giáo viên dạy trẻ khiếm thị
Về chuyên môn, cô Thanh luôn nỗ lực học hỏi các thầy cô giáo đi trước để tự trau dồi. Cô cho biết: “Tôi cố gắng dạy các em biết cách diễn tả cảm xúc vui buồn của mình. Đối với các em học sinh lớn, tôi luôn cho các em lựa chọn và phân tích đúng sai”.
Khi được hỏi về những mong muốn của bản thân, cô Thanh không ước muốn cho riêng mình mà chỉ mong muốn nhiều điều cho các học trò. Cô Thanh hy vọng các bạn trẻ về trường dạy nhiều hơn vì trường đang thiếu giáo viên. Nhiều lần cô Thanh ứa nước mắt khi nghe học trò nói: “Cô ơi, đừng bỏ trường vì cô không dạy thì không có ai dạy”. Vì vậy, cô mong các bạn trẻ học ngành sư phạm hãy đến trường để tìm hiểu thêm về công việc này.
Ngoài ra, cô cũng mong có các trường dạy nghề cho học sinh khuyết tật để các em được học nghề, nuôi sống bản thân. Trong 10 năm dạy học, niềm vui lớn nhất cô Thanh nhận được là sự trưởng thành của các em học sinh, một số học trò của cô đang công tác tại thư viện sách.
“Công việc này đã cho tôi quá nhiều điều. Chính các em học sinh đã dạy tôi cách lạc quan, yêu đời và nỗ lực vượt qua những khó khăn trong cuộc sống”, cô Thanh chia sẻ.
![]() |
Ông Nguyễn Đình Tâm - Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long tặng quà cho giáo viên và học sinh trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận 10, TP.HCM). |
Cô Phạm Thị Thu Thanh là một trong số các giáo viên được tuyên dương trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô 2018”. Chương trình do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức nhằm tôn vinh các thầy giáo, cô giáo đang dạy học sinh khuyết tật trong cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và trung tâm bảo trợ xã hội.
Trực tiếp đến thăm các thầy cô dạy trẻ có hoàn cảnh kém may mắn, đại diện BTC chương trình - ông Nguyễn Đình Tâm - Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long chia sẻ: “Bằng tình yêu thương và sự tận tâm, các thầy cô giáo đã đem đến niềm vui, sự tự tin hòa nhập cộng đồng cho những học trò kém may mắn. Công việc của họ gian khổ nhưng mang nhiều ý nghĩa cao đẹp. Với những hỗ trợ thiết thực và sự tôn vinh xứng đáng, chương trình ‘Chia sẻ cùng thầy cô’ mong muốn san sẻ những khó khăn và tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các giáo viên dạy trẻ có hoàn cảnh đặc biệt”.