Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Hành trình 7 năm đằng đẵng tìm con của người mẹ trẻ

Năm 1989, một bé gái sơ sinh bị bỏ lại ở bệnh viện Hải Dương. Bước vào đời với khởi đầu không may mắn chưa phải thử thách cuối cùng của bé gái ấy.

Phạm Đỗ Thanh Hà là bé gái từng bị mẹ ruột bỏ rơi tại bệnh viện năm đó và may mắn được người phụ nữ độc thân ở Long Biên (Hà Nội) nhận nuôi, yêu thương như con đẻ. Mẹ nuôi kể lúc ấy Hà chỉ là đứa trẻ non nớt yếu đuối, lại suy dinh dưỡng nặng, phải nhập viện điều trị và vất vả lớn lên. Mấy chục năm qua, chị chưa bao giờ trách móc người mẹ đã bỏ rơi mình, nhưng chạnh lòng thì không tránh khỏi.

Sống trong tình yêu thương lớn lao của mẹ nuôi, Hà dần trưởng thành, đón nhận cuộc sống mới khi lập gia đình. Những tưởng cuộc đời phía trước hạnh phúc vẹn tròn an yên, thì chị lại phải trải qua thử thách gian nan khác: 5 năm mất 2 đứa con, nhiều năm ròng chạy đôn chạy đáo can thiệp y khoa mong có con “tay bế tay bồng”. Cuối cùng, phải mất đến 7 năm, sau bao nhiêu đau đớn, hy vọng lẫn tuyệt vọng, Hà mới được làm mẹ.

Sinh ra đã mồ côi cha mẹ, lại chẳng có người thân ruột thịt, bản năng làm mẹ trong Hà dường như cháy bỏng hơn. 7 năm tìm con là 7 năm cô đổ nước mắt, tủi hờn, thậm chí than thân trách phận.

Còn nỗi đau nào lớn hơn khi mất đi đứa con mình vất vả thai nghén? Ấy vậy mà Hà phải nếm trải nỗi đau tột cùng đến hai lần: Đứa con đầu rời đi khi còn trong bụng, đứa thứ 2 vừa sinh ra đã trút hơi thở cuối cùng trên tay mẹ. Dù vậy, chị chưa bao giờ có ý định từ bỏ.

Mong con cháy bỏng nhưng hạnh phúc mãi chưa gõ cửa, Hà nhờ đến sự can thiệp y khoa bằng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), song đến nhiều nơi vẫn thất bại.

“Người ta ước nhà lầu, xe hơi, chồng yêu thương chiều chuộng, còn tôi chỉ ước đứa con do chính mình sinh ra. Lúc ấy, tôi chưa từng nghĩ đích đến mà mình tìm kiếm ngay trước mắt”, chị Hà hồi tưởng.

Benh vien Tam Anh,  so sinh anh 1

Năm 2019, Hà tìm đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Tâm Anh Hà Nội (IVFTA). Chọn nơi này như bến đỗ cuối cùng sau chặng đường dài mệt mỏi, chị ký thác toàn bộ hy vọng vào nơi điều trị hiếm muộn nổi tiếng về tỷ lệ thành công cao, giỏi chữa các ca bệnh khó. Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cũng nằm gần nhà, rất thuận tiện cho quá trình thăm khám và can thiệp của nữ bệnh nhân.

Từ lần đầu tiên đến viện, Hà nhen nhóm niềm tin vào tương lai tươi sáng, khi được tiếp xúc với những bác sĩ đầu ngành và trang thiết bị hiện đại tại đây.

Sau khi thăm khám, bác sĩ thông báo chị bị tụ dịch vết mổ đẻ cũ, dịch đang chảy vào buồng tử cung có thể ảnh hưởng đến sự làm tổ của phôi, lớp cơ còn lại tại vị trí vết mổ chỉ mỏng 3,5 mm. Đó là điều Hà không hề biết qua những lần can thiệp y khoa thất bại trước đây. Dưới góc nhìn của các chuyên gia, đây có thể là nguyên nhân gây thất bại sau chuyển phôi nhiều lần.

Hà được chỉ định dùng thuốc kích trứng bằng phác đồ Antagonist và thu được 10 noãn. Bác sĩ tạo được 3 phôi ngày 2 và 4 phôi ngày 5 ngay lần đầu tiên. Chị phấn khởi khi nhận được kết quả và mong chờ ngày chuyển phôi sớm nhất.

Dù vậy, với Hà, dường như không có gì là dễ dàng. Hơn 1 năm với 8 chu kỳ liên tiếp, chị bị bác sĩ chỉ định hủy do niêm mạc tử cung mỏng, có dịch tại vết mổ và dịch trong buồng tử cung. Chuỗi vấn đề khó khăn ập đến cùng lúc khiến thời gian chạm tay vào giấc mơ có con của chị thêm kéo dài.

“Bao nhiêu hy vọng và thất vọng tôi đã nếm. Nhiều lúc không thể kiềm chế được, tôi khóc trước mặt bác sĩ”, chị tâm sự.

Ước mong sớm được ôm con thôi thúc chị quyết định mổ tạo hình tụ dịch vết mổ lần 2. Ca mổ có sự tham gia của các bác sĩ IVF - Sản khoa Tâm Anh Hà Nội, trong đó có TTND.PGS.TS.BS Lê Hoàng và BS Sao Hieng. Trong quá trình mổ, các bác sĩ phát hiện ổ bụng chị Hà gặp tình trạng dính khiến tử cung và các quai ruột gắn chặt vào thành bụng. Điều này đồng nghĩa ê-kíp không thể gỡ dính tử cung vì có nguy cơ tổn thương ruột, bàng quang và nếu tiếp tục, người bệnh phải sử dụng hậu môn giả. Đối mặt ca bệnh khó, các bác sĩ quyết định can thiệp đường dưới, đốt các mạch máu tăng sinh tại vị trí mổ đẻ cũ, tạo kênh dẫn lưu vết mổ.

Dù mất nhiều thời gian, cuối cùng dưới sự theo dõi sát sao và điều chỉnh phương án kịp thời của bác sĩ IVF Tâm Anh, điều kỳ diệu đã đến ở lần chuẩn bị niêm mạc thứ 12.

Chị được áp dụng phác đồ đặc biệt và tiết kiệm, hiệu quả. Theo đó, PGS Lê Hoàng chỉ định theo dõi chu kỳ tự nhiên kết hợp sử dụng thuốc để đẩy dịch vết mổ cũ ra ngoài. Kết quả đúng như tiên lượng, niêm mạc tử cung rất đẹp. Lúc này, các bác sĩ quyết định chuyển 2 phôi ngày 5 vào tử cung. “Lúc que thử thai báo 2 vạch, tôi tưởng mình đang nằm mơ”, chị nhớ lại.

Benh vien Tam Anh,  so sinh anh 2

Chia sẻ về trường hợp của bệnh nhân Phạm Đỗ Thanh Hà, TTND.PGS.TS.BS Lê Hoàng - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản IVF Tâm Anh Hà Nội - cho rằng một trong nhiều niềm tự hào của đội ngũ y bác sĩ tại chuyên khoa IVFTA là phác đồ điều trị được thiết kế cá thể hóa, phù hợp với từng khách hàng, gồm chị Hà.

Việc áp dụng phác đồ cá thể hóa có thể giảm số lần tiêm kích trứng, hạn chế trường hợp quá kích buồng trứng, an toàn đối với bệnh nhân. Nhờ đó, quá trình IVF diễn ra nhẹ nhàng và hạn chế tác dụng phụ cũng như giảm thiểu chi phí điều trị cho người bệnh.

Dân gian thường truyền miệng “gái chửa cửa mả” để chỉ tai biến khó lường xảy ra với sản phụ lúc vượt cạn. Với chị Hà, hành trình mang thai và sinh con thậm chí khó khăn hơn nhiều phụ nữ khác bởi tính mạng hai mẹ con đều như đặt cược vào “canh bạc sinh tử”.

Dồn hết niềm tin vào đội ngũ bác sĩ IVFTA Hà Nội và Trung tâm Sản phụ khoa, ngoài chuẩn bị tâm lý đối mặt với những tình huống bất thường, chị Hà đặt hết tâm tư vào việc theo dõi thai hàng tuần. Không ít lần, chị thót tim khi bị ra máu bất thường. Thậm chí, vì cổ tử cung ngắn dọa sảy, BS Sao Hieng và BS Hiền Lê đã hai lần chỉ định khâu eo cổ tử cung và dự phòng sớm nguy cơ bé ra đời non tháng do mẹ có tiền sử sinh non.

Lần nhập viện điều trị dọa sinh non từ tuần 22 trở thành gánh nặng tài chính của gia đình chị. Thấu hiểu nỗi lắng lo của bệnh nhân, BS Sao Hieng từng khuyên chị cân nhắc chuyển viện để điều trị. Dẫu vậy, người mẹ trẻ quyết tâm “theo Tâm Anh tới cùng” vì nơi đây đã giúp cô ươm mầm sống mới.

Nỗi lo mất con khiến chị trải qua thai kỳ không bình yên. Nhờ sự sát sao của bác sĩ, em bé yên bình nằm trong bụng mẹ đến tuần thai 31. “Hôm tôi vỡ ối, chồng lo lắng đến mức không dám ký vào giấy vượt cạn và tôi phải tự ký”, chị chia sẻ.

Nhận rõ nguy cơ vỡ ruột do vết mổ cũ bết dính, bác sĩ quyết định chọn phương pháp đẻ thường để an toàn cho hai mẹ con. Nhưng lúc này, bài toán nan giải hơn xuất hiện: Xương chậu của bệnh nhân quá hẹp. Bác sĩ phải can thiệp y khoa để giúp chị sinh dễ dàng.

Có muôn vàn trắc trở nhưng với kinh nghiệm của bác sĩ, hành trình vượt cạn của chị Hà đã diễn ra thành công. Đón em bé và được da kề da trên ngực, không chỉ chị Hà bật khóc, các bác sĩ cũng chẳng thể cầm được nước mắt.

Theo TTND.PGS.TS.BS Lê Hoàng, ông từng gặp nhiều trường hợp khó, thậm chí éo le do thời gian chờ đợi lâu và nhiều gian nan, nhưng khát khao làm mẹ của họ vẫn cháy bỏng.

“Nhờ công nghệ và máy móc hiện đại ở Tâm Anh, thông qua việc áp dụng các phương pháp điều trị tiên tiến, chúng tôi có thể kéo gần giấc mơ làm mẹ cho nhiều phụ nữ, trong đó có những hoàn cảnh éo le như bệnh nhân Hà”, bác sĩ cho biết.

Bé gái sinh non 31 tuần, nặng 1,5 kg lập tức được bác sĩ khoa Sơ sinh thực hiện quy trình hồi sức tại phòng sinh (cắt dây rốn chậm, thở CPAP) và chuyển về phòng hồi sức tích cực (bằng lồng ấp và máy thở CPAP di động để đảm bảo thân nhiệt, tránh xẹp phổi) trong vòng 5 phút sau cuộc sinh.

Về đến khoa Sơ sinh, các bác sĩ triển khai “phác đồ giờ vàng” giúp em bé ổn định hô hấp, tuần hoàn, thân nhiệt, đường huyết… trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Nhờ sớm thực hiện phương pháp Kangaroo và phương pháp cho trẻ ăn chỉ huy, sau hơn 1 tháng điều trị, hai mẹ con khỏe mạnh và đủ điều kiện xuất viện.

Hiện tại, con gái chị Hà được 7 tháng tuổi. Dù quá trình nuôi con nhiều vất vả, đáy lòng chị luôn cảm thấy hạnh phúc đong đầy khi được nắm bàn tay, ôm con. Với chị, tất cả gian nan trải qua đã được đền đáp xứng đáng.

Bằng sự kiên cường đấu tranh với chính mình và những lời dị nghị “hoa độc không trái, gái độc không con”, chị Hà đã biến giấc mơ làm mẹ thành hiện thực. Hơn hết, đây là “quả ngọt” sau nhiều nỗ lực và sự tận tâm của các bác sĩ BVĐK Tâm Anh Hà Nội.

Với chị, Tâm Anh giờ như ngôi nhà thứ 2 khi đã quen mặt, biết tên hết bác sĩ, điều dưỡng IVF tại khoa Sản và Sơ sinh. Họ từng san sẻ niềm vui chung khi chị Hà “hai vạch”, cũng lo lắng tột cùng khi chứng kiến những lần người mẹ trẻ ra máu, thai tụt… Và chính họ đã tạo nên phác đồ liên khoa IVF - Sản - Sơ sinh để “em bé ống nghiệm” của chị khỏe mạnh ra đời.

Chị Hà không bao giờ quên hành trình cùng BS Hoàng, BS Hieng, BS Hiền Lê, BS Hạnh, BS Lệ Thủy… “tìm con”. Với trang thiết bị máy móc hiện đại cùng dịch vụ 5 sao, chị luôn yên tâm chạy chữa cũng như được hỗ trợ toàn diện về sức khỏe trước và sau sinh.

Chị nghĩ bác sĩ giỏi nghiệp vụ là một chuyện nhưng “cùng khóc, cùng cười” với bệnh nhân thì hiếm. Trong những lúc lo lắng, tuyệt vọng, họ trở thành sức mạnh tinh thần, nghị lực để chị vượt qua.

“Tâm Anh cho tôi cảm giác như ở nhà. Nhìn lại hành trình đã qua, tôi không thể quên cảm xúc luôn được bác sĩ hồi đáp khi gửi tin nhắn lo lắng, trăn trở. BS Thủy, BS Hạnh từng bày tỏ sự day dứt vì trường hợp của tôi quá khó và trường kỳ. Hay BS Hieng coi tôi như em gái, ghé thăm khi tôi đẻ và động viên bằng vật chất, gia đình tôi rất xúc động”, chị Hà tâm sự.

Hành trình làm mẹ không phải ai cũng có thể tới đích nếu sự kiên trì và khát vọng không đủ lớn. Ở ngoài kia, không ít phụ nữ đổ máu, mồ hôi và nước mắt để được chạm tay vào cốt nhục của mình và câu chuyện của Hà là điển hình.

Ẵm thiên thần nhỏ trên tay, chị Hà không thể nói hết sự biết ơn khi bác sĩ tại BVĐK Tâm Anh đã biến giấc mơ của gia đình chị thành hiện thực. Nếu không có những phác đồ hợp lý và kịp thời, không có những lời động viên thấu hiểu, không có những cuộc điện thoại trấn an như người thân, không có sự phối hợp các khoa… chị sẽ không thể chạm vào hạnh phúc hiện tại.

“Người ta nói con cái là ‘món quà’ của cha và mẹ, còn với em bé IVF như nhà mình thì người sinh ra còn là các bác sĩ. Họ không có tên trong giấy khai sinh nhưng mãi mãi là cha, là mẹ của bé”, chị Hà rưng rưng.

Hệ thống BVĐK Tâm Anh đồng hành cùng Zing News thực hiện tuyến nội dung "Vì sức khỏe cộng đồng" mang đến cho bạn đọc cái nhìn toàn cảnh về sức khỏe của người Việt. Hệ thống BVĐK Tâm Anh là một trong những bệnh viện chất lượng cao tại Việt Nam, thực hiện thăm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho hàng triệu khách hàng, quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ hàng đầu cả nước.

Độc giả có nhu cầu tư vấn, khám chữa bệnh có thể liên hệ qua website, fanpage, hoặc đến trực tiếp hệ thống BVĐK Tâm Anh tại Hà Nội (108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên; hotline: 18006858) và TP.HCM (2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình; hotline: 02871026789).

Thanh Ba - Giang Chi Anh

Đồ họa: Khôi Khôi

Bạn có thể quan tâm