Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mini Magazine

Hành trình chinh phục giấc mơ lớn của chàng trai khiếm thính

Sinh ra với cơ thể không trọn vẹn, Hải Long quyết không để những khiếm khuyết định nghĩa mình.

“Tôi là Nguyễn Hải Long, sinh năm 1998, quê ở Tây Ninh. Khi còn nhỏ, tôi phải học nghe, học nói do bị khiếm thính… ”, Hải Long lọc cọc gõ từng dòng trên chiếc máy tính, bắt đầu câu chuyện về cuộc đời mình.

Cuộc trò chuyện giữa Tri Thức - Znews và chàng trai 27 tuổi diễn ra theo một cách đặc biệt.

Người hỏi cất lời, Hải Long đáp lại bằng những âm thanh bập bẹ, tiếng được tiếng mất. Trên chiếc bàn nhỏ, một chiếc laptop được Long chuẩn bị sẵn để cậu gõ những từ không thể phát âm.

Hai năm sống trong thế giới vô thanh

Một năm sau ngày Hải Long chào đời, ông Nguyễn Văn Lạc và bà Nguyễn Thị Lệ Nga (58 tuổi) ngập tràn hạnh phúc khi nghe đứa con trai ê a những âm thanh đầu đời. Nhưng niềm vui ấy dần chuyển thành nỗi lo khi Long tròn 2 tuổi mà vẫn chỉ bập bẹ những tiếng vô nghĩa.

Linh cảm của người cha mách bảo ông Lạc rằng con trai có điều bất thường. Đôi vợ chồng vượt hàng trăm cây số từ Tây Ninh đến TP.HCM để kiểm tra. Kết quả thính lực đồ cho thấy ngưỡng nghe của Long ở mức 117-118 dB, nghĩa là hoàn toàn không thể nghe được âm thanh lớn, chỉ có thể cảm nhận lời nói qua rung động.

Lúc bấy giờ, giá một cặp máy trợ thính lên tới 50 triệu đồng, bằng cả gia tài. Quyết tâm "tìm lại âm thanh cho con", ông bà cắn răng bán đi vài mảnh đất.

Ba năm đầu đời của Long là những chuyến xe khởi hành từ tờ mờ sáng, đưa đứa trẻ từ Tây Ninh lên một trung tâm giáo dục trẻ khiếm thính tại TP.HCM. Tại đây, Long được dạy cách nhận biết từng loại âm thanh, từng chút một, từng ngày một.

Trong hành trình nuôi dạy con, giao tiếp thường xuyên là chìa khóa giúp trẻ khiếm thính phát triển khả năng ngôn ngữ. Nhưng với ông Lạc và bà Nga, lo toan cơm áo gạo tiền khiến việc dành thời gian cho con trở thành điều xa xỉ.

Nghe lời giới thiệu của một người quen, ông bà tìm đến huyện Hóc Môn (TP.HCM), gửi gắm Long cho một giáo viên chuyên dạy trẻ khiếm thính. Hàng ngày, đứa trẻ được cô giáo đèo đến một trường chuyên biệt ở quận 12 để học tập và rèn luyện.

"Xa nhà từ khi mới 6 tuổi, Long không khóc, không than phiền. Thằng bé chỉ biết cố gắng học, hy vọng sớm trở thành một người bình thường", ông Lạc nghẹn ngào chia sẻ.

Bước đầu chinh phục ước mơ

12 năm xa nhà, Hải Long miệt mài học cách giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu. Thế nhưng, khả năng nói của cậu vẫn hạn chế, chỉ dừng lại ở mức bập bẹ như một đứa trẻ lên 3. Khi tròn 18 tuổi, Long tốt nghiệp tiểu học và tiếp tục hành trình học tập tại địa phương.

Ở tuổi 19, Long hoàn thành trung học cơ sở và trung học phổ thông. Ngay sau khi ra trường, cậu thủ thỉ với gia đình về ước mơ đã ấp ủ suốt hai năm: đến TP.HCM học thiết kế game.

Ước mơ ấy bắt đầu từ năm lớp 10, khi lần đầu tiên Long thấy một người bạn tạo ra những màn chơi game đầy kịch tính chỉ bằng vài cú lia chuột. Đôi mắt cậu ánh lên sự tò mò, ngạc nhiên, và trái tim lặng lẽ xác định hướng đi cho cuộc đời từ khoảnh khắc đó.

khuyet tat anh 1

Hải Long theo đuổi ngành Art & Design tại Học viện Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình MAAC.

Khi xác định theo đuổi thiết kế game, Hải Long lao vào tìm kiếm các nơi đào tạo phù hợp. Hàng chục lá đơn xin nhập học được gửi đi, nhưng số thư từ chối nhận về cũng nhiều không kém. Đối diện với một học trò "đặc biệt" như Long, phần lớn các trường đều e ngại. Lý do duy nhất họ đưa ra là: "Không có chương trình đào tạo riêng cho người khiếm thính".

Ròng rã suốt nhiều tháng trời tìm kiếm trong vô vọng, Long gần như bế tắc trước cánh cửa ước mơ. Nhưng rồi, một cuộc điện thoại từ một học viện tại TP.HCM đã thắp lên hy vọng mới. Trường chấp nhận cho cậu nhập học, mở ra một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời

“Tôi thấy bản thân thật tệ, không bằng bạn bè”, Hải Long nhớ lại quãng thời gian đầu tiên.

Những ngày đầu làm quen với lĩnh vực mới, Long chật vật hơn bao giờ hết. Khối lượng kiến thức dày đặc và nhịp độ bài giảng nhanh của thầy cô khiến cậu không theo kịp bạn bè. Cộng thêm trở ngại về giao tiếp, Hải Long trở nên dè dặt hơn. Cậu nhốt mình trong phòng trọ, liên tục tự trách bản thân.

“Nói” bằng hành động

Khi tinh thần gần như chạm đáy, Hải Long nhận ra đây chính là cơ hội để mình trưởng thành. Gạt bỏ mặc cảm, cậu chủ động tìm giải pháp. Long mạnh dạn đề nghị giáo viên giảng ít lại và thao tác nhiều hơn, giúp cậu bắt kịp kiến thức.

Mỗi ngày, Long đều đặn có mặt tại lớp từ 9 giờ sáng, miệt mài luyện tập cho đến khi học viện treo bảng “hết giờ làm việc”. Trở về căn phòng trọ chật chội, cậu lại cặm cụi thức khuya, nhiều đêm đến tờ mờ sáng để hoàn thành bài tập.

"Mình không giống người bình thường, nên phải nỗ lực gấp trăm lần họ" - câu nói ấy trở thành “mệnh lệnh thép” mà Long luôn lặp đi lặp lại trong đầu, thôi thúc cậu tiến lên từng bước một.

Ngày Long tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh đầu tiên, cậu vui sướng đến mức "sướng như điên". Nhưng niềm vui ấy không dừng lại. Sau khi kết thúc khóa học thiết kế 2D, Long tiếp tục thử thách bản thân với thiết kế 3D - một lĩnh vực khó khăn hơn rất nhiều.

Dù kiến thức ngày càng nặng, Long vẫn chọn cách duy nhất mà cậu biết: nỗ lực hết mình. Đối với Long, mỗi thử thách không phải là rào cản, mà là cơ hội để cậu chứng minh rằng sự kiên trì có thể vượt qua mọi giới hạn

Ngày báo cáo khóa luận, Hải Long tất tả nhờ nhân viên hỗ trợ thuyết trình thay. Dù không thể tự diễn đạt, cậu vẫn ghi rõ từng điểm nhấn, cách trình bày sao cho chỉn chu nhất, khiến bạn bè ngưỡng mộ. “Long không nói nhiều, nhưng sự cố gắng của cậu thì ai cũng thấy rõ”, một người bạn nhận xét. Bài khóa luận của Long đạt điểm gần như cao nhất lớp.

Năm 2023, Long được cấy ốc tai điện tử, khôi phục 60% khả năng nghe. Tuy nhiên, hóa đơn viện phí hơn 850 triệu đồng cùng học phí vẫn là nỗi trăn trở lớn. Có lần về quê, Long đứng rất lâu trước chiếc tủ kính trưng đầy mô hình yêu thích. Ngày trở lại thành phố, tủ kính ấy đã trống trơn - cậu mang tất cả đi bán để mua dụng cụ học tập.

Nhìn lại hành trình đã qua, dù có nhiều xước trầy, Hải Long vẫn tự hào vì đã tìm thấy đam mê và sống hết mình với nó. Những khiếm khuyết không còn là giới hạn mà trở thành động lực để cậu thoát khỏi vỏ bọc là một Hải Long rụt rè, tự ti để sống từng ngày thật trọn vẹn.

Hồi ký "Hồng Sơn 'Công Chúa' - Quái kiệt sân cỏ trong màu áo lính" kể chuyện đời, chuyện nghề thăng trầm nhiều vinh quang nhưng cũng lắm thách thức của cầu thủ vàng làng bóng đá Việt Nam.

Cô gái 21 tuổi hồi sinh kỳ diệu sau ca ghép phổi

Được bệnh viện cho về nhà, cả Anh Thư lẫn gia đình đều mặc định đó là cái tết cuối cùng của cuộc đời mình, không ngờ phép màu đã đến.

Kỳ Duyên

Bạn có thể quan tâm