Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

BRANDVOICE

Hành trình cùng thầy trò 'băng non, vượt lũ' tìm tương lai tươi sáng

Những ngôi trường vững chãi, chiếc cặp mới hay tấm áo ấm tinh tươm đã trở thành “bạn đồng hành” tiếp thêm động lực đến lớp cho không ít trẻ em ở vùng khó khăn.

Những ngôi trường vững chãi, chiếc cặp mới hay tấm áo ấm tinh tươm đã trở thành “bạn đồng hành” tiếp thêm động lực đến lớp cho không ít trẻ em ở vùng khó khăn.

4 năm trước, thầy Đỗ Tuấn Anh đặt chân đến trường Tiểu học Phú Thanh (xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) nhận nhiệm vụ hiệu trưởng. Trước mắt thầy là 5 phòng học xuống cấp, mảng tường thấm dột, nền bong tróc. Bàn ghế đủ số lượng nhưng không chuẩn theo quy định, quá cao với học sinh lớp 1 trong khi thấp với các em lớp 5. Khoảng sân chật hẹp trở thành nơi vui chơi của gần 200 học sinh.

Kể từ hôm ấy, thầy Tuấn Anh nuôi ước mơ cùng giáo viên xây dựng nơi này không chỉ thành ngôi trường khang trang, mà còn như công viên thu nhỏ. Mỗi em khi bước ra khỏi cánh cổng nhà trường đều trở thành công dân có ích cho xã hội.

Những bước chân đầu tiên trên hành trình vạn dặm không bao giờ dễ dàng. Trong ký ức người thầy 46 tuổi, hình ảnh trận lũ lịch sử năm 2018 vẫn hiển hiện rõ nét. Cơn phẫn nộ của thiên nhiên cuốn phăng túp nhà tranh hai bên bờ sông Mã và mái trường xập xệ, để lại con đường đất vốn khó đi càng thêm phần trắc trở vì sạt lở. Hơn nửa tháng, học sinh không thể đến lớp.

Toàn bộ giáo viên, phụ huynh, cán bộ địa phương được huy động dọn dẹp, “chắp vá” cơ sở vật chất để đón các em trở lại trường nhanh nhất có thể. “Lũ đến mang theo tổn thất lớn về tài sản, tâm lý cho bản nhỏ. Học sinh cũng chịu ảnh hưởng từ điều kiện kinh tế gia đình, trường học chưa đảm bảo, nhất là các em đầu cấp khó bắt nhịp sau sự cố. Chúng tôi chỉ biết cố gắng hết sức, gửi tặng món quà vật chất lẫn tinh thần để động viên các em đến lớp”, thầy Tuấn Anh trăn trở.

Thiên tai tạm qua đi cũng là lúc thầy cô lao vào chuỗi ngày vượt đồi, lội suối vận động từng em trở lại trường. Có khi, họ phải đi bộ 10 km, chờ hàng giờ bên dòng nước lớn, mong đánh thức niềm ham học nơi các em.

Mỗi lần như thế, ước mơ về ngôi trường khang trang, kiên cố, vững vàng qua những trận mưa lớn lại bùng lên. Bức tường kiên cố, khuôn viên nhiều cây xanh, máy chiếu lắp đặt khắp các phòng… thành hình rõ ràng trong tâm trí thầy cô. Song điều kiện kinh tế xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, kinh phí đầu tư hạn hẹp không cho phép họ chắc chắn ước mơ sẽ thành hiện thực.

Chỉ đến khi nhận tin Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Chubb Việt Nam (Chubb Life Việt Nam) cùng với quỹ thiện nguyện Chubb Charitable Foundation - International phối hợp tài trợ kinh phí xây trường, thầy cô mới nuôi hy vọng hiện thực hóa ước mơ. “Ngay thời điểm biết tin, toàn bộ giáo viên và phụ huynh rất vui mừng. Mỗi viên gạch đặt xuống lại xây niềm hạnh phúc của chúng tôi ngày một lớn hơn. Tôi dám khẳng định đây là trường đẹp nhất huyện Quan Hoá”, thầy Tuấn Anh nghẹn ngào.

Nhiều phụ huynh phấn khởi hỗ trợ thêm cây cảnh, chậu hoa, tô điểm màu sắc cho khuôn viên. Và ngay giữa ngôi trường khang trang, dòng chữ “nuôi dưỡng ước mơ” hiện lên sáng rõ, như khẳng định khát vọng cũng như mục tiêu nâng đỡ học trò trên bước đường vươn đến điều tốt đẹp.

Ngôi trường mới có 6 phòng diện tích 64 m2, rộng hơn 20 m2 so với trước đây. Mỗi phòng được bố trí 8 bóng điện, 4 quạt trần, đủ bàn ghế, bảng từ, TV 70 inch, tủ sách… Sắc xanh bắt mắt, nổi bật như khẳng định thêm khát vọng của thầy và trò trường Tiểu học Phú Thanh.

Những ngày đầu làm quen trường mới, thầy Hà Minh Duẩn (giáo viên trường Tiểu học Phú Thanh) hồi hộp xen lẫn háo hức. Ngôi trường mới vượt ngoài sức tưởng tượng và mong đợi của người thầy có gần 10 năm gắn bó các điểm dạy vùng cao. “Thay vì phải chuẩn bị đồ đạc cồng kềnh, luân phiên sử dụng chiếc máy chiếu duy nhất, chúng tôi được tiếp cận phương pháp giảng dạy áp dụng công nghệ thông tin hiện đại. Một số thầy cô còn bỡ ngỡ, nhưng ai cũng hào hứng thử nghiệm”, thầy Duẩn chia sẻ.

Có lẽ, niềm vui lớn hơn cả của thầy Tuấn Anh, thầy Duẩn hay toàn bộ giáo viên là thấy học sinh hăng say học tập, hứng thú đến trường. Các em nắm chắc nội dung hơn, chăm chú nghe giảng, những lời nhắc nhở gần như không còn.

“Sự hỗ trợ của Chubb Life Việt Nam và quỹ thiện nguyện Chubb Charitable Foundation - International rất ý nghĩa, đặc biệt là hoạt động xây dựng trường học khang trang ở nhiều nơi trên đất nước. Công trình kiên cố này sẽ gắn bó lâu dài cùng sự phát triển của địa phương. Với ngôi trường vững chãi, giáo dục tiểu học xã Phú Thanh chắc chắn sẽ đón bước tiến mới”, thầy Tuấn Anh khẳng định.

Hành trình hỗ trợ học sinh vùng khó khăn của Chubb Life Việt Nam tiếp tục đến với vùng cao Lai Châu. Một ngày đầu tháng 9, cơn gió lạnh ôm lấy xã Mồ Sì San (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), không quá rét như tiết trời tháng 12, nhưng đủ khiến những cánh tay bất giác kéo sát hơn chiếc áo ấm. Giữa làn gió se lạnh, trường Tiểu học và THCS Mồ Sì San lại tràn ngập sự ấm áp lạ kỳ. Hôm ấy, học sinh trường được nhận cặp sách mới do chương trình “Chubb Life - Vì thế hệ tương lai” của Chubb Life Việt Nam trao tặng.

Hơn 17 năm gắn bó, cô Nguyễn Thị Lan Hương - Hiệu trưởng trường - chứng kiến không ít mồ hôi, nước mắt của thầy và trò. Năm 2004, cô Hương mang theo nhiệt huyết tuổi trẻ từ vùng xuôi lên ngôi trường nơi rẻo cao. Thử thách chào đón cô ngay khi chiếc xe đò dừng ở thị trấn, nữ giáo viên phải đi bộ gần 30 km đường đất để đến ngôi trường lọt thỏm giữa mênh mông núi rừng. Từ đó, cô và nhiều giáo viên khác không còn đếm nổi số km đã đi để vận động các em đến trường.

Chubb Life anh 1

Suốt chặng đường gần 2 thập kỷ, cô tích góp cho mình biết bao nhiêu kỷ niệm cùng nơi này. Cũng vì vậy, khoảnh khắc nhìn ánh mắt học sinh lấp lánh hạnh phúc khi nhận quà, cô càng xúc động. “Tôi thấy rõ sự vui tươi phấn khởi trên khuôn mặt các em”, cô Hương bồi hồi.

Còn với thầy Đề Văn Quyền (chủ nhiệm lớp 3, trường Tiểu học và THCS Mồ Sì San), 4 năm công tác tại trường cũng là thời gian gánh trên vai đồng thời trách nhiệm của nhà giáo và cha mẹ học trò. 100% học sinh tại trường thuộc dân tộc thiểu số, không ít trong đó là trụ cột kinh tế của gia đình, số khác lại có bố mẹ đi làm ở Trung Quốc và phó mặc con cái cho thầy cô. Giờ nghỉ trưa, tiết trống hay cuối tuần, thầy lại tranh thủ từng phút để động viên các em đến lớp.

“Đa phần học sinh phải đi bộ đến trường, có khi qua suối, vượt hơn 20 km. Lớp tôi có anh em lớp 3 và 5, sáng sớm phải dậy tự nấu cơm mang đi học. Trường hợp khác thì mẹ đi tù, phải ở với ông”, thầy Quyền bộc bạch.

Thương học trò với túi cơm chỉ vỏn vẹn vài cọng rau và muối, thầy Quyền nhiều lần lấy tiền túi mua thêm mì gói, mong các em có bữa cải thiện. Không ít lần khác, thầy tặng bảng, bút bởi thiếu những thứ ấy, các em chẳng thể hoàn thành chương trình tốt.

Khi mì gói - lựa chọn cuối cùng của nhiều người - lại trở thành bữa ăn cải thiện với học sinh Mồ Sì San, ước mơ về chiếc áo ấm hay cặp sách mới dường như quá xa vời. “Chúng tôi vận động, cố lắm cũng chỉ 2-3 em có cặp sách. Số còn lại có khi không mang gì hoặc đựng sách vở trong túi nylon rồi vượt đồi, băng suối đến trường”, thầy Quyền kể xen chút ngậm ngùi.

Thế nhưng sau ngày 1/9, toàn bộ học sinh lớp thầy Quyền chủ nhiệm và khối tiểu học đã đón niềm vui. Những chiếc cặp mới trên vai như chở cả ước mơ của thế hệ tương lai. Không còn phải tận dụng túi nylon làm cặp, bước chân của các em dường như nhanh hơn, con đường đến trường thường ngày cũng như ngắn lại. Hình ảnh các em rạng rỡ khoác trên vai chiếc cặp mới chắc hẳn sẽ tiếp thêm động lực để những người thầy thêm say nghề.

Không chỉ dừng chân tại trường Tiểu học và THCS Mồ Sì San, năm nay, hành trình trao tặng 16.000 chiếc cặp của dự án “Chubb Life - Vì thế hệ tương lai” sẽ tiếp tục tại nhiều điểm trường khó khăn khác trên toàn quốc.

Suốt chặng đường 16 năm lớn mạnh trên dải đất hình chữ S, Chubb Life Việt Nam dành hơn 31 tỷ đồng cho các dự án hỗ trợ giáo dục thông qua tài trợ xây 9 ngôi trường mới; hỗ trợ trang thiết bị dạy và học; trao học bổng cho các em hiếu học có hoàn cảnh khó khăn. Doanh nghiệp này cũng tặng hơn 15.000 áo ấm đến trẻ em tại các tỉnh miền Trung chịu thiệt hại nặng nề trong mùa mưa bão vừa qua với chương trình “Chubb Life Việt Nam - Ấm tình miền Trung”. Đó là cách Chubb Life Việt Nam chắp cánh những tài năng, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Giang Di Linh

Đồ họa: Nguyên Phương

Bình luận

Bạn có thể quan tâm