Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hành trình thay đổi sau 10 năm kết hôn

Hôn nhân không đơn giản chỉ là việc hai người kết hôn và sinh con, mà còn là thay đổi vì nhau, chia sẻ những công việc trong gia đình để đổi lấy nụ cười

*Zing trích dẫn bài dự thi "Cảm ơn mẹ - Ba chẳng ngại chi" của tài khoản Facebook Nguyễn Mạnh Hùng:

Hơn một tuần, tôi lẳng lặng đọc những bài viết của các bố, các mẹ trong chiến dịch “Cảm ơn mẹ” do Con Cưng phát động. Tôi đã đi từ ngạc nhiên này đến ngưỡng mộ khác. Trước giờ tôi cũng tự chấm mình cũng phải được 8, 9 điểm trên thang điểm 10 ấy, thế mà vào đây tôi thấy những việc mình đã làm “cũng thường thôi, cả thế giới người ta cũng làm kia kìa!”... Thôi thì tôi sẽ kể lại hành trình thay đổi của mình như thế nào sau 10 năm “mất tự do”.

Cho đến giờ, niềm day dứt nhất của tôi đó chính là mẹ. Giỗ Tết trong tôi là hình ảnh mẹ tất bật với những mâm cơm bê lên rồi lại dọn xuống. Bố tôi là trưởng họ, mẹ gồng gánh trên đôi vai gầy chức "dâu trưởng". Cuộc sống khó khăn mà quanh năm mẹ phải lo giỗ, Tết. Mẹ có cuốn sổ ghi đủ đầy ngày giỗ cụ, giỗ ông, giỗ bác hy sinh... Ngày bé mỗi lần đến Tết tôi lại nghe mẹ thở dài, chạy ngang chạy dọc vay mượn để lo cho ngày Tết.

Tết nhà tôi kéo dài từ ông Công ông Táo mẹ phải làm ít nhất 5 mâm cơm mời các cô, các chú về ăn. Ai cũng mặc định việc lo Tết là của "dâu trưởng". Những mâm cơm lớn bé đươc làm nên từ một tay của mẹ, khi cả nhà đã quây quần bên mâm cơm, mẹ vẫn chạy sấp ngửa lấy cái này thiếu, lấy cái kia thiếu. Tôi chưa từng thấy mẹ được ăn môt bữa cỗ nào trọn vẹn cho tận đến ngày mẹ tôi qua đời.

Bố tôi, cũng như tất cả hàng nghìn người đàn ông Bắc Bộ, gia trưởng và luôn nghĩ rằng việc bếp núc là của phụ nữ. Trong khi mẹ tôi tất bật lo chuẩn bị cơm nước thì ông thong thả ngồi "chén chú chén anh" đàm đạo nói chuyện đại sự với các ông, các bác. Tôi chưa từng thấy bố hỏi mẹ đã ăn gì chưa, mẹ có mệt hay không... Phải đến khi mẹ tôi qua đời khi mới hơn 50 tuổi, bố tôi mới giật mình và hối hận, nhưng khi ấy thì đã là quá muộn rồi.

Chính vì sinh ra trong gia đình như vậy nên tôi cũng luôn được dạy “đàn ông lo việc đại sự, bếp núc là của đàn bà!” Tôi cũng chưa từng nghĩ mình sẽ thay đổi cho đến khi gặp vợ tôi bây giờ.

Mới cưới nhau về, tôi phàn nàn nhà vệ sinh bẩn. Vợ tôi bảo: “Ơ! Nhà vệ sinh 2 đứa mình dùng chung nhỉ? Thế nên chia nhau ra mỗi đứa lau dọn 1 ngày nhá!”. Ban đầu tôi hơi sững sờ, nhưng lại nghĩ: “Mới cưới nhau ai lại đi tị nạnh với vợ! Ok, anh làm”.

Phải thừa nhận tôi sinh ra là nhà con một cộng với từ bé việc nhà chẳng bao giờ đụng chân tay nên những ngày đầu phải làm việc tôi không hề dễ chịu, thậm chí nhiều lần còn cạu cọ với vợ. Thế nhưng vợ tôi có một “ưu điểm” là không bao giờ để ý tôi phàn nàn hay gì đi nữa, miễn là tôi vẫn hoàn thành công việc cô ấy “phân chia”. Ví dụ cô ấy bỏ quần áo vào máy giặt thì tôi sẽ đem phơi, cô ấy nấu cơm thì tôi rửa bát.

Bố tôi ban đầu không hài lòng, ông gọi riêng tôi ra và nói với tôi rằng cần phải “dạy vợ”, thậm chí năm đầu tiên sau hôn nhân nhà tôi luôn căng như dây đàn vì các mối quan hệ chồng chéo, vì những thói quen ăn sâu hàng mấy chục năm bị cô ấy “phá vỡ”. Nhưng rồi, khi bé Miu ra đời, ơn trời mọi thứ đều ổn.

Tôi - từ một người chưa từng làm việc nhà giờ đây đã có thể làm tất cả việc cơ bản như nấu cơm, rửa bát, lau nhà, giặt quần áo, thay bỉm, cho con uống sữa, thức đêm trông con... Không hiểu sao giờ tôi lại yêu những bữa cơm nhà đến lạ. Cả chục năm tôi ăn cơm nhà đếm trên đầu ngón tay, đến nỗi bố tôi bảo tôi là “con ngựa bất kham” thế mà giờ đến giờ cơm là điểm danh “không thiếu ngày nào”.

Tôi thích cảm giác khi trở về nhà, vợ chồng, con cái cùng nhau vào bếp. Vợ tôi sẽ nấu những món chính, hai ba con phụ mẹ, con chạy lăng xăng nô đùa. Không khí ấm cúng ấy từ bé nhà tôi chưa bao giờ có được.

Tôi đã biết thương vợ hơn khi làm việc nhà. Chỉ một ngày cô ấy ốm làm thay vợ từ A-Z tôi mới hiểu việc nhà vất vả hơn cánh đàn ông chúng ta vẫn tưởng. Ngày làm việc của tôi bắt đầu lúc 6h sáng với nhiệm vụ dậy đi chợ mua thức ăn, cho con ăn, đưa con đi học, đi làm rồi lại quay về cơm nước, quần áo, nấu cơm, cho con ăn, dạy con học... Thế mà 365 ngày vợ tôi vẫn làm như thế! Tôi ân hận vì nhiều lần vợ than mệt tôi nghĩ trộm trong đầu: “Có mấy việc vặt mà cứ than hoài!”

Tôi cũng chỉ mới biết làm mấy món ăn cơ bản như luộc thịt, rán trứng, nấu canh suông thôi thế mà vợ tôi cứ khen ngon, khen hợp khẩu vị.

Thật ra nói về bản thân mình thì hơi khó, lẽ ra để vợ tôi nói thì “khách quan” hơn. Nhưng sau khi đọc nhiều bài viết của các anh, các chị tôi có thêm động lực để “khoe” hành trình thay đổi của mình. Chúng tôi có một cậu con trai năm nay gần 9 tuổi, cả hai vợ chồng thống nhất phải dạy con làm việc nhà và có tinh thần sẻ chia từ khi còn nhỏ. Vợ tôi nói: “Phương pháp nêu gương là phương pháp hiệu quả nhất với con trẻ” thế nên tôi sẽ cố gắng để không bao giờ nhìn thấy hình ảnh mẹ tôi lặp lại ở vợ và con tôi nữa.

Có bài thơ nho nhỏ dù chưa hay nhưng tôi muốn dành tặng bà xã tôi, người đã làm cho tôi thay đổi thât sự:

“Mình là đàn ông hiện đại

Mình đâu có ngại việc nhà

Đỡ đần bà xã nhiều nha

Từ việc nhặt rau, quét dọn…

Áo quần giặt xong xếp gọn

Buổi tối chơi cùng với con

Nụ cười bà xã tươi giòn

Thế là nhà mình luôn hạnh phúc…

Làm việc nhà có gì là “nhục”

Như lời nhiều bè bạn dèm pha

Khi mình sa cơ lỡ bước mà

Chỉ có vợ con yêu mình vô điều kiện…

Bà xã cả ngày cũng làm miết

Chẳng có phút giây nào được thảnh thơi

Mình nhớ thuở hồi còn mười tám đôi mươi

Bả cũng trẻ trung, xinh nhất làng nhất xóm…

Hai đứa con ra đời, cuộc sống khó nhọc

Vẫn chung vai, đấu sức với mình

Nếp nhăn nhiều thêm, mắt chẳng còn lung linh

Mình vẫn cứ yêu, cứ thương như hồi xưa đó…

Nắm chặt tay nhau đi qua bao gian khó

Hạnh phúc đơn giản là biết sẻ chia

Việc nhà đâu phải là điều khó khăn gì…

Đeo tạp dề… làm ông chồng điểm 10 đây nhé!

Rồi bà xã sẽ thì thầm khe khẽ

Lại nắm tay mình như cái thuở ngày xưa

Tình yêu thêm “gia vị yêu thương: là sẻ chia

Sẽ vững bền qua bão giông, chờ ngày nắng…”

Giờ thì tôi tự tin mà nói với bà xã rằng: “Em cứ việc nghỉ ngơi, đừng lo, việc nhà đã có anh chia sẻ!”

Cảm ơn mẹ - Ba chẳng ngại chi” là chiến dịch tri ân và tôn vinh phụ nữ Việt nhân dịp 20/10. Đây cũng là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm “Hành trình 9 năm Tin và Yêu” của Con Cưng. Chiến dịch do Con Cưng Zing đồng tổ chức, đưa ra 6 thử thách với 18.000 phần quà dành cho tất cả bài dự thi hợp lệ và gửi về sớm nhất. Tổng giá trị giải thưởng lên đến 2 tỷ đồng.

Thông tin thử thách và chương trình ưu đãi của Con Cưng độc giả xem tại đây.

Để cập nhật thông tin cuộc thi, độc giả xem tại đây.

Độc giả Nguyễn Mạnh Hùng

Phan Châu Giang

Bạn có thể quan tâm