Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hành trình từ trại giam tới giảng đường của một người thầy

Tiết học tiếng Anh thú vị của thầy Nguyễn Trung Thành tại trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ luôn là khoảng thời gian được sinh viên mong đợi nhất trong ngày.

Nhưng ít ai biết rằng, để có thể được chia sẻ kiến thức với học trò, người thầy đó đã phải vượt qua một chặng đường dài với đầy khó khăn và bão táp.

Sinh năm 1981, Nguyễn Trung Thành là con út của một gia đình có ba chị em ở xóm Hoàng Vân, xã Song Vân, huyện Tân Yên, Bắc Giang. Học giỏi lại ngoan ngoãn, cậu con trai bé bỏng luôn nhận được sự yêu thương và quan tâm từ bố mẹ. Và không để những người thân yêu thất vọng, Thành đã đỗ vào chuyên ngành Phiên dịch tiếng Anh của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngày đó, niềm vui, niềm tự hào như vỡ òa trong căn nhà nhỏ bé tại miền thôn quê, dân dã.

Xuống Hà Nội, Thành mang theo ước mơ, nhiệt huyết của tuổi trẻ và tự hứa với bản thân sẽ cố gắng học thật tốt, sống thật tốt vì một tương lai tươi sáng phía trước. Nhờ nỗ lực của bản thân, Thành được nhận vào làm thêm tại Viện Bảo tàng Dân tộc học, công việc này giúp ích rất nhiều cho chuyên ngành mà cậu đang theo học. Chính vì vậy, Thành càng có thêm động lực để phấn đấu, học tập.

Là sinh viên năng động, yêu thích hoạt động tình nguyện, Thành đã cùng một số người bạn nước ngoài của mình thành lập quỹ khuyến học ngay tại quê nhà của mình với mục đích hỗ những em nhỏ khó khăn có thể tiếp tục đi học. Hoạt động này của Thành và các bạn đã được bà con thôn xóm nhiệt tình ủng hộ cũng như tiếp thêm sức mạnh vượt lên nghịch cảnh cho nhiều em nhỏ.

Tốt nghiệp đại học, Thành đã quyết định Nam tiến để lập nghiệp. Sau đó, Thành được nhận vào làm thông dịch viên kiêm trợ lý giám đốc đầu tư xây dựng khu du lịch tại Nha Trang - Khánh Hòa của một công ty nước ngoài. Ngỡ rằng từ đây mọi chuyện dần ổn định và tốt đẹp hơn nhưng đó lại chính là lúc cuộc sống bắt đầu thử thách và nhấn chìm cậu. 

Sóng gió đầu đời

Trong quá trình làm việc, có lần Thành phải thông dịch cho chủ đầu tư nước ngoài với một quan chức tại Khánh Hòa nhằm hối lộ với một số tiền rất lớn. Khi đó, sự bồng bột và nông nổi đã khiến chàng trai trẻ không ngờ được những hậu quả nghiêm trọng đang chờ mình phí trước. Vụ việc bị phát giác, Nguyễn Trung Thành bị bắt và phải chịu mức án 12 năm tù giam. Sự việc xảy tới một cách đột ngột. Nó như tiếng sét xé tan chốn yên bình tại quê nhà và trong chính tâm hồn còn non trẻ của cậu. Thành tuyệt vọng, đau đớn.

Những ngày nhìn bầu trời qua song sắt chặt chội, đắm mình trong bóng tối lạnh lẽo, niềm tin vào cuộc sống dần mất thì một người bạn tù nói với Thành: “Em mà tuyệt vọng thì coi như em đã chết rồi. Em phải xác định và đối mặt với sự thật, phải sống thật lạc quan thì mới có thể mong được về sớm hơn”, Thành như bừng tỉnh. Đêm này qua đêm khác, cậu thức trắng. Và rồi Thành nhận ra chính môi trường khắc nghiệt này chính là món quà mà cuộc sống dành tặng cậu. Đó là cơ hội để cậu có thể rèn luyện ý chí, tinh thần và học cách sống tử tế. Thành dần trở nên lạc quan hơn, vui vẻ và hay trò chuyện cùng những người bạn tù khác để lắng nghe, học hỏi từ chính họ.

Sau một thời gian cải tạo, Thành được sự tin tưởng của cán bộ trong trại nên đã được giao nhiệm vụ là Trưởng ban quản lý phạm nhân. Nhờ công việc này, Thành có dịp để tìm hiểu sâu hơn về hoàn cảnh, tâm lý của những người phạm nhân khác. Mỗi người một câu chuyện, thuộc thành phần xã hội khác nhau, hoàn cảnh khác nhau… nên bắt buộc Thành phải có cách nói chuyện sao cho phù hợp, thuyết phục. Thành luôn cố gắng suy nghĩ, tìm hiểu, học hỏi cách sử dụng từng từ, từng chữ, nói chuyện sao cho gần gũi mà sắc bén không chỉ với một mà là hàng nghìn phạm nhân trong trại. Nhờ đó, mà tình cảm của Thành với mọi người cũng trở nên thắm thiết, khăng khít hơn và hơn hết, cậu đã tự đúc rút được cho riêng mình những bài học từ cuộc sống.

Từ trại giam tới giảng đường đại học

Nhờ quá trình cải tạo tốt, Thành đã được trả tự do trước thời hạn. Trở về Hà Nội, Thành ao ước được bắt đầu lại mọi thứ với tinh thần lạc quan và niềm tin vững chắc vào cuộc sống. Với sự giúp đỡ của gia đình, Thành mở một quán phở nhỏ ngay tại cổng trường Học viện Cảnh sát. Nhưng khao khát được cống hiến, được làm nhiều hơn nữa vẫn luôn rạo rực trong tâm hồn Thành. Anh vẫn đợi chờ và hy vọng vào một điều tươi đẹp nào đó sẽ đến.

“Cuộc sống luôn công bằng. Nó sẵn sàng trao cho bạn cơ hội và còn lại tùy thuộc ở bạn”. Tình cờ, Thành gặp lại một người bạn cũ hiện đang làm giảng viên tại trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Sau khi trò chuyện, hiểu được tâm sự, khả năng của Thành, người bạn đã khuyên anh nên đi dạy học để có thể truyền đạt kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm tới mọi người. Lắng nghe, suy nghĩ và cuối cùng Thành sẽ thử sức với công việc này và quyết định nộp hồ sơ ứng tuyển vào trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ. Vượt qua vòng phỏng vấn với kiến thức, sự chân thành của bản thân, Thành bước vào vòng giảng thử.

Mọi lo lắng, hồi hộp dần tan biến khi phần giảng bài của Thành nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của sinh viên cũng như những thầy cô chấm thi hôm đó. Cuộc sống đã mỉm cười. Anh trở thành một người thầy.

Mỗi giờ học tiếng Anh của thầy Thành luôn ngập tràn niềm vui và tiếng cười. Nhờ phương pháp giảng dạy tích cực, lấy người học làm trung tâm và chú trọng truyền cảm hứng cho người học, thầy Thành đã khiến nhiều bạn sinh viên thực sự dành tình cảm cho bộ môn tiếng Anh. Hiểu rõ tâm lý học trò luôn sợ nói, sợ hỏi nên thầy luôn cố gắng tạo động lực, thúc đẩy tiềm năng ngôn ngữ trong mỗi người. Mỗi bài học đều chứa đựng những câu chuyện về bài học cuộc sống, đạo lý làm người mà thầy đã trải qua, đã cảm và đã hiểu. Đó cũng là lý do khiến giờ học của thầy trở nên hấp dẫn hơn, học trò thêm yêu quý và cảm phục người thầy đầy nghị lực của mình hơn.

Qua cơn mưa, trời lại sáng. Ai cũng sẽ mắc sai lầm nhưng điều quan trọng là bạn học được gì sau tất cả. Với thầy Thành, giờ điều quan trọng nhất chính là hoàn thành thật tốt vai trò của một người thầy. Thầy Thành đã không đánh mất niềm tin vào cuộc sống tươi đẹp này và cố gắng lưu giữ, đúc kết lại tất cả thành những kinh nghiệm quý giá nhất rồi chia sẻ cho thế hệ sau, để họ có thể nhìn vào thấy, để tránh những sai lầm mà thầy đã từng mắc phải và hơn hết là học và biết cách sống sao cho tử tế với bản thân, với người và xã hội.

“Có người hỏi: vì sao bút chì có tẩy? Chẳng phải câu trả lời đã quá rõ ràng rồi sao: để xóa đi những chữ viết sai, viết chưa đẹp hoặc để xóa hoàn toàn một đoạn văn nào đó. Vậy có bao giờ bạn tự hỏi mình: phải chăng trong cuộc sống này, chúng ta cũng cần có một cục tẩy cho riêng mình?", thầy nói.

Thay Thanh

Tư liệu: Thầy Thành

Bạn có thể quan tâm