Tại đất nước 110 triệu dân Philippines, số người mắc HIV là khoảng gần 1%. Tuy vậy theo dữ liệu của Liên Hợp Quốc, Philippines là một trong những quốc gia nơi số người mắc HIV tăng nhanh nhất thế giới.
Giới chức y tế quốc gia Đông Nam Á cảnh báo số người xét nghiệm dương tính với HIV mỗi năm đang tăng nhanh. Số người mắc HIV mỗi năm có thể lên đến 400.000 vào năm 2030, gấp đôi so với hiện nay, theo South China Morning Post.
Sự thiếu ý thức tự bảo vệ đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Nhiều trường hợp quan hệ tình dục không sử dụng bao cao su hoặc uống thuốc phòng ngừa chống lây nhiễm HIV, đặc biệt kể từ khi các biện pháp kiểm soát Covid-19 được dỡ bỏ.
Không bao cao su, không dùng thuốc
Đại bộ phận ca nhiễm HIV mới là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới và phụ nữ chuyển giới. Số ca nhiễm HIV cũng tăng nhanh trong nhóm thanh thiếu niên, số liệu của Liên Hợp Quốc cho thấy.
"Tình hình rất đáng báo động, nó cho thấy chúng ta vẫn chưa thể kiểm soát dịch HIV", Van Phillip Baton, cố vấn Chương trình liên hợp HIV/Aids của Liên Hợp Quốc tại Philippines, cảnh báo.
Đại diện của Liên Hợp Quốc cho biết virus có thể lan rộng nếu các biện pháp ứng phó không được triển khai.
Các chuyên gia cho rằng mạng xã hội và các ứng dụng hẹn hò trực tuyến, công cụ giúp tìm kiếm bạn tình trở nên ngày càng dễ dàng hơn, là tác nhân khiến virus HIV lây lan mạnh trong những năm vừa qua.
Số ca nhiễm HIV tại Philippines tăng nhanh kỷ lục. Ảnh: ABS-CBN. |
Nghiên cứu về thực trạng đời sống tình dục thực hiện bởi Viện Dân số Philippines năm 2021 cho thấy hơn một phần ba thanh thiếu niên độ tuổi 15 đến 24 không tin bao cao su giúp giảm nguy cơ nhiễm HIV.
Trong khi đó, tỷ lệ thanh niên Philippines được tiếp cận thông tin về HIV/Aids giảm xuống chỉ còn 76%, mức thấp nhất kể từ 1994.
"Cần phổ cập thông tin để chấn chỉnh nhận thức của thanh niên về hiểm họa từ HIV/Aids", giáo sư Vicente Jurlano của Viện Dân số Philippines nói.
Từ năm 2013, giới chức Philippines đã thông qua bộ luật về gia đình, theo đó các trung tâm y tế công cộng có nghĩa vụ phát miễn phí bao cao su, đồng thời các trường học bắt buộc đưa vào chương trình giảng dạy nội dung giáo dục giới tính.
Tuy nhiên, hiệu quả các biện pháp này bị hạn chế. Người dưới 18 tuổi phải được sự đồng ý của cha mẹ mới có thể nhận bao cao su. Trong khi đó, sau nhiều tranh cãi về pháp lý, Bộ Giáo dục Philippines mới bắt đầu công bố chương trình giáo dục giới tính toàn diện vào 2018, tập trung chủ yếu vào ngăn ngừa mang thai ở tuổi vị thành niên.
Một quan chức Bộ Giáo dục cho biết HIV là một phần trong chương trình giáo dục giới tính, học sinh được giới thiệu về bao cao su những không được dạy cách sử dụng.
Thế nhưng, nhiều trường học không cho phép giảng dạy về bao cao su hay quan hệ tình dục, ông Desi Andrew Ching, đại diện tổ chức phi chính phủ HIV & Aids Support House, cho biết.
"Văn hóa của Philippines coi tình dục là điều ma quỷ", ông Ching nói.
Vấn nạn kỳ thị
Krang là một tình nguyện viện tại cơ sở xét nghiệm và điều trị HIV tại thành phố Iloilo. Người này hầu như không biết gì về HIV cho tới khi xét nghiệm dương tính với virus này năm 2018.
Theo Krang, những người trẻ nhiễm HIV thường bị gia đình và người quen kỳ thị, một số người trầm cảm nặng và thậm chí tự tử. Ngay cả khi tìm cách quan hệ tình dục an toàn, họ cũng bị ngăn cản. Chính Krang phải giữ bí mật về tình trạng của bản thân do sợ bị tẩy chay.
Trên các diễn đàn trực tuyến, nhiều người cho biết họ đã ngừng mua bao cao su tại siêu thị, hiệu thuốc sau khi bị chế giễu vì tình trạng sức khỏe của mình.
Người mắc HIV/Aids tại Philippines bị kỳ thị. Ảnh: DW. |
UNAids đặt mục tiêu xóa bỏ sự đe dọa của Aids ở quy mô toàn cầu vào năm 2030. Một trong các tiêu chí là giảm 90% số ca nhiễm mới HIV so với năm 2010.
Trên quy mô toàn cầu, số ca mắc HIV mới đã giảm 38% trong giai đoạn 2010-2022. Tuy nhiên, số ca mắc HIV tại Philippines đã tăng 418%, mức tăng nhanh nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đứng thứ 4 trên thế giới, UNAids cho biết.
Chỉ 63% ca mắc HIV ở Philippines biết về tình trạng sức khỏe của bản thân, trong khi chỉ 41% được điều trị y tế phù hợp, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 95% của Liên Hợp Quốc.
Nếu không được điều trị, người nhiễm HIV sẽ tiến triển thành Aids. Số người chết vì Aids tại Philippines tăng 538% giai đoạn 2010-2022, trong khi chỉ số này ở quy mô toàn cầu giảm 58%.
"Hiện nay, chỉ những người được chẩn đoán và điều trị muộn mới tử vong vì Aids. Tôi cho rằng toàn xã hội nên cởi mở về HIV, để cộng đồng không kỳ thị căn bệnh và những người bệnh không cảm thấy mặc cảm", John Ruiz, giám đốc y tế bệnh viện Klinika Bernado chuyên điều trị HIV miễn phí ở Manila, cho biết.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.