Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hậu quả khôn lường ít người biết khi tái chế nhựa

Thay vì giúp giải quyết vấn đề rác thải nhựa, hoạt động tái chế có thể làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm vi nhựa trên thế giới.

Nghiên cứu thực hiện tại một cơ sở tái chế ở Vương quốc Anh gần đây cho thấy khoảng 6-13% nhựa tái chế có thể thải ra nước hoặc không khí dưới dạng vi nhựa. Đây là những hạt có kích thước nhỏ hơn 5 mm được tìm thấy khắp mọi nơi, từ tuyết ở Nam Cực đến trong cơ thể con người.

“Đó là một con số lớn nhưng không có ai cân nhắc, chứ chưa nói đến nghiên cứu”, bà Erina Brown, nhà khoa học về nhựa tại Đại học Strathclyde ở Glasgow (Scotland) và là người đứng đầu nghiên cứu trên, cho biết.

Kết quả này làm tăng thêm mối lo ngại rằng tái chế không phải là giải pháp hiệu quả cho vấn đề ô nhiễm nhựa như nhiều người vẫn nghĩ. Theo một số ước tính gần đây, khoảng 9% nhựa sản xuất trên thế giới được tái chế.

Nghiên cứu của bà Brown và đồng nghiệp chỉ được thực hiện tại một cơ sở tái chế nhựa, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng không nên xem nhẹ kết quả này, theo Washington Post.

“Đó là một nghiên cứu rất đáng tin cậy”, bà Judith Enck, cựu quan chức cấp cao của Cơ quan Bảo vệ Môi trường dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và hiện là người đứng đầu tổ chức Beyond Plastics, đánh giá. Bà Enck không tham gia vào nghiên cứu này.

“Dù chỉ thực hiện tại một cơ sở, (nghiên cứu) đặt ra nhiều vấn đề đáng lo ngại và sẽ tạo động lực thúc đẩy các cơ quan quản lý môi trường mở rộng nghiên cứu tại các cơ sở tái chế nhựa khác”, bà nói thêm.

o nhiem vi nhua anh 1

Hoạt động tái chế có thể làm trầm trọng thêm tình trạng ô nhiễm vi nhựa. Ảnh: Andrew Fox/Corbis.

Quá trình tái chế nhựa diễn ra như thế nào?

Nhựa có nhiều loại khác nhau, trong đó chỉ một số loại nhất định được tái chế hiệu quả tại Mỹ. Trong các cơ sở tái chế, rác thải nhựa thường được phân loại, làm sạch, cắt nhỏ hoặc nghiền nhỏ, sau đó nấu chảy và đúc lại.

“Hoạt động của các cơ sở tái chế nhựa có rất nhiều ma sát và sự mài mòn cơ học”, do đó không có gì ngạc nhiên khi quá trình này có thể tạo ra hạt vi nhựa, bà Enck cho biết.

Bà Brown và nhóm nghiên cứu đã phân tích các mảnh nhựa được tìm thấy trong nước thải từ một sơ sở tái chế giấu tên. Họ ước tính cơ sở này có thể tạo ra tới 2,9 triệu kg hạt vi nhựa mỗi năm, tương đương khoảng 13% tổng lượng nhựa tiếp nhận.

Bà Brown cho biết các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy một lượng lớn vi nhựa khi kiểm tra không khí tại cơ sở tái chế này.

Hệ thống lọc nước có hiệu quả?

Nghiên cứu cũng xem xét nước thải của cơ sở tái chế nhựa sau khi lắp đặt các bộ lọc. Thông qua hệ thống lọc nước, ước tính lượng vi nhựa giảm xuống còn khoảng 1,36 triệu kg/năm.

Các nhà nghiên cứu ước tính có tới 75 tỷ hạt nhựa trên mỗi mét khối nước thải. Theo bà Brown, phần lớn hạt vi mô nhỏ hơn 10 micromet, tương đương đường kính của tế bào hồng cầu trong cơ thể người, trong đó hơn 80% dưới 5 micromet.

Bà lưu ý rằng cơ sở được chọn nghiên cứu có trang thiết bị “tương đối hiện đại” và đã lắp đặt hệ thống lọc. “Điều quan trọng là phải tính đến việc rất nhiều cơ sở tái chế trên toàn thế giới không có hệ thống lọc nước. Họ có thể trang bị một số hệ thống lọc, nhưng hoàn toàn không có quy định kiểm soát”, bà nói.

Dù các hệ thống lọc hiệu quả có thể giúp giảm lượng hạt vi nhựa thải ra môi trường, các chuyên gia từ Đại học Strathclyde nhận định chúng không phải giải pháp.

Theo nghiên cứu thu thập dữ liệu vi nhựa trong khí quyển từ năm 2017 đến năm 2019 do tác giả Janice Brahney dẫn đầu, khoảng 22.000 tấn vi nhựa tồn đọng trên khắp nước Mỹ mỗi năm.

“Chúng tôi thấy ô nhiễm nhựa tồn đọng ở mọi nơi. Loại nhựa này không mới, đó là những gì chúng ta đã thải ra môi trường trong vài thập kỷ”, bà Brahney nói với CNN.

Các nước cần làm gì?

Bà Enck và các chuyên gia khác nhận định kết quả nghiên cứu cho thấy cần xem xét các vấn đề kỹ lưỡng hơn.

Bà Anja Brandon, nhà phân tích chính sách nhựa của Mỹ tại tổ chức phi lợi nhuận Ocean Conservancy, cũng cho biết: “Những phát hiện này chắc chắn đáng báo động đến mức cần phải điều tra thêm và tìm hiểu rõ vấn đề có thể lan rộng đến mức nào”.

Theo tiến sĩ Brandon, các cơ sở tái chế là nguồn ô nhiễm có thể xác định, không giống việc các hạt vi nhựa tích tụ trong môi trường.

“Chúng ta biết ô nhiễm đang đến từ đâu và có thể thực hiện các biện pháp can thiệp thông qua quy định và quy tắc. Chúng ta có thể hành động, miễn là tìm hiểu thêm một chút”, bà nói thêm.

Bà Brandon cũng chỉ ra rằng nhiều yêu cầu cấp phép về môi trường ở Mỹ dựa trên các tiêu chuẩn đã tồn tại hàng chục năm và cần được cập nhật để phản ánh những thành tựu “khoa học tốt nhất hiện có”.

Trong khi đó, bà Kara Pochiro, phát ngôn viên của Hiệp hội Nhà tái Chế nhựa, cho biết không phải tất cả nhà máy tái chế đều có hệ thống xử lý nước giống cơ sở được chọn nghiên cứu ở Anh. Tuy nhiên, các đơn vị tái chế phải tuân thủ quy định của quốc gia, tiểu bang và địa phương, bao gồm cả luật môi trường.

“Mọi cơ sở tái chế nhựa đều hợp tác chặt chẽ với nhà máy địa phương trong việc lấy mẫu và thử nghiệm với bên thứ ba theo các khoảng thời gian đã được hai bên thống nhất”, bà nói.

Có nên tiếp tục tái chế nhựa?

Bất chấp những phát hiện mới, các chuyên gia nhấn mạnh câu trả lời không phải là ngừng tái chế.

“Nghiên cứu này không nói rằng chúng ta nên ngừng tái chế nhựa”, bà Brandon nhận định. “Chừng nào chúng ta còn tiếp tục sử dụng nhựa, thì tái chế cơ học thực sự là phương pháp tốt nhất cho những vật liệu này, giúp chúng ta không phải sản xuất ngày càng nhiều nhựa”.

Các chuyên gia khẳng định điều quan trọng là mọi người tiếp tục cố gắng giảm sử dụng nhựa.

“Đây không phải là lý do chính khiến chúng ta gặp vấn đề nghiêm trọng về vi hạt nhựa trong môi trường. Nhưng nó có thể là một phần của vấn đề và thật trớ trêu khi nó liên quan đến hoạt động tái chế”, bà nói.

Những cuốn sách hay về biến đổi khí hậu

“Những kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu”, “Băng - Những câu chuyện ly kỳ từ một thế giới đang dần biến mất”, “Thảm họa khí hậu - Chúng ta đã có gì và làm gì để ứng phó?”,... nằm trong số những cuốn sách giúp độc giả có cái nhìn trực diện và bao quát hơn khi nói đến vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu.

Độc giả có thể xem thêm tại đây.

Châu Á cần 'thức tỉnh' trong vấn đề ô nhiễm nhựa trên biển

Mặc dù châu Á đã nhận thức và thảo luận về vấn đề nhựa dùng một lần ảnh hưởng tới đại dương ra sao, khu vực này vẫn chưa có những bước đi thực tế để giải quyết cơn đau đầu này.

Phát hiện mới về mối đe dọa từ 'plastitar'

Các nhà nghiên cứu từ Đại học La Laguna ở Tây Ban Nha vừa phát hiện một hình thái ô nhiễm mới, với sự kết hợp giữa vi nhựa và hắc ín bám trên các bãi đá ven biển.

Hải Linh

Bạn có thể quan tâm